Trái chủ trái phiếu An Đông làm hồ sơ tố cáo để được thành bị hại tại cơ quan công an.

Trái chủ trái phiếu An Đông làm hồ sơ tố cáo để được thành bị hại tại cơ quan công an.

Kẻ hy vọng, người khắc khoải sau “cơn uất nghẹn trái phiếu lịch sử” - Bài 2: Lời khẩn cầu muốn được thành… bị hại

0:00 / 0:00
0:00
Khi hay tin trái chủ 25 gói trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát được thành “bị hại”, tức được pháp luật bảo vệ ưu tiên lấy lại tiền, hàng trăm khổ chủ trái phiếu Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An, Quang Thuận, Thiên Phúc đã nói với chúng tôi, họ mong cơ quan chức năng vào cuộc, để họ được thành… bị hại.

Bài 2: Lời khẩn cầu muốn được thành… bị hại

Bùng lên hy vọng

Mấy ngày qua, ngay sau khi Bộ Công an công bố việc tìm bị hại của 25 gói trái phiếu mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 liên quan Vạn Thịnh Phát, hàng trăm trái chủ đã tới các cơ quan công an địa phương để nộp hồ sơ, khai báo.

Trao đổi nhanh với chúng tôi, nhiều trái chủ cho hay, trong đơn tố cáo gửi cơ quan công an, họ trình bày là khi đến chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để gửi sổ tiết kiệm thì được nhân viên ngân hàng “dụ” chuyển sang hưởng gói sản phẩm tiết kiệm lãi suất cao hơn. Do tin tưởng nên họ ký kết “Hợp đồng mua bán trái phiếu” với Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Các trái chủ đến giờ này vẫn không lấy được tiền lãi chứ chưa nói tiền gốc, họ đã nhiều lần đòi lại tiền nhưng không thể liên lạc được với nhân viên tư vấn SCB, còn TVSI thì cũng phủi trách nhiệm, bao biện rằng mình chỉ là bên tư vấn phát hành, trách nhiệm trả thuộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Từ đó, các trái chủ cho rằng, giữa TVSI, SCB và cả tổ chức phát hành có hành vi gian dối, thông qua nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, “biến” họ thành khổ chủ trái phiếu An Đông để chiếm đoạt tiền của họ.

Bà N.V.L (trái chủ trái phiếu An Đông) cho biết, ngoài đơn tố cáo trên, bộ hồ sơ bà nộp theo hướng dẫn của cơ quan công an còn gồm bộ hợp đồng trái phiếu (photo có ký nháy), ủy nhiệm chi (bản photo), các chứng cứ khác và giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, hộ chiếu...). Trong đó, bản tường trình sẽ được cơ quan công an địa phương cung cấp để người bị hại thực hiện khai báo. Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan công an sẽ ký biên nhận cho từng trái chủ.

“Suốt hơn 1 năm qua, hàng tỷ đồng đổ vào trái phiếu An Đông mịt mù, nay có hy vọng, có niềm tin”, bà N.V.L nói.

Tâm trạng của nhiều người bị hại đã khác so với trước đây, không còn bức bối, uất nghẹn, mất niềm tin, thậm chí oán thán cơ quan chức năng như khi kêu cứu tới Báo Đầu tư.

Nhiều trái chủ các trái phiếu khác cũng tìm tới công an

Điều đáng nói, không chỉ trái chủ của 25 gói trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát, mà nhiều trái chủ các trái phiếu khác cũng tới cơ quan công an để nộp hồ sơ.

Trên các diễn đàn, hội nhóm facebook về trái phiếu, các thành viên truyền nhau rằng, không nhất thiết chỉ có các mã trái phiếu trong danh sách báo chí đăng, mà tất cả những trái phiếu nào có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều được lên làm việc khai báo với công an.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các trái chủ, nếu như ngày đầu cơ quan công an quận Gò Vấp nhận hồ sơ, thì sang ngày sau cả cơ quan công an này, lẫn hàng loạt cơ quan công an khác ở quận 12, quận 10, TP. Thủ Đức… chỉ tiếp nhận hồ sơ liên quan tới 25 gói trái phiếu với các mã mà Bộ Công an đã ủy thác, từ chối nhận đơn thư các trái phiếu khác.

Chen ra khỏi dòng người đang nộp hồ sơ tại công an TP. Thủ Đức, bà H.L lắc đầu: “Trái phiếu của tôi là Vạn Trường Phát, không nằm trong danh sách trái phiếu Vạn Thịnh Phát, cũng không được công an gọi lên thông báo. Nhưng tôi tới nộp bởi Vạn Trường Phát cũng liên quan Vạn Thịnh Phát, cũng bị công an đưa vào danh sách phong tỏa trước đây”.

Nhiều trái chủ trái phiếu Tân Thành Long An, Thiên Phúc, Quang Thuận cũng ùn ùn kéo nhau đi nộp hồ sơ chứng lý như các trái chủ của 25 gói trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, họ đều phải trở về trong thất vọng vì không được tiếp nhận.

Tình huống dẫn tới thực tế đối lập, cùng là khổ chủ, nhưng trái chủ 25 gói trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát thì khấp khởi hy vọng, còn trái chủ trái phiếu khác thì khóc tức tưởi.

“Xin nhà báo chuyển lời khẩn cầu của chúng tôi tới cơ quan công an. Hãy khởi tố, điều tra các trái phiếu ngoài Vạn Thịnh Phát đi, để chúng tôi được làm bị hại, để chúng tôi được đòi lại đồng tiền xương máu mình”. Trái chủ H.H.A (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) mái đầu đã bạc phơ bật khóc, nước mắt lã chã rơi xuống bộ hồ sơ mà cơ quan công an từ chối nhận. Bà H.H.A “dính” 4 tỷ đồng vào trái phiếu Vạn Trường Phát và giờ không còn đồng nào để cho mẹ già hơn 82 tuổi đi mổ cột sống, chưa nói tiền thuốc men cho căn bệnh tim của mình.

Nhưng cũng có những trái chủ bình tĩnh hơn, như nhóm của khổ chủ Đ.T.T (dính trái phiếu Vạn Trường Phát và Tân Thành Long An): “Qua vụ trái phiếu Vạn Thịnh Phát, nhóm chúng tôi băn khoăn không biết nên làm đơn tố cáo tổ chức phát hành hay khởi kiện dân sự. Nếu khởi kiện dân sự thì nhiều tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc bảo lãnh lại đang bị phong tỏa trong vụ Vạn Thịnh Phát”.

Cần có câu trả lời sớm cho khổ chủ

Trước sự bế tắc của hàng ngàn trái chủ nằm ngoài danh sách 25 gói trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát, luật sư Nguyễn Tấn Thi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen (TP.HCM) phân tích, đành rằng cơ quan chức năng đã xác định rõ tên tuổi doanh nghiệp, các mã trái phiếu của 25 gói trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát để tìm bị hại. Tuy nhiên, việc trái chủ các mã khác cung cấp hồ sơ và nếu có liên quan tới Vạn Thịnh Phát cũng rất quan trọng cho vụ án. Bởi, giai đoạn tìm bị hại, xác định tư cách bị hại vẫn là giai đoạn điều tra, chưa đi tới kết luận để đề nghị Viện kiểm sát truy tố. Các trái chủ của các mã khác nộp đơn thì cơ quan điều tra có thể sẽ mở rộng điều tra, tìm xem có mối liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay không. Nếu có sẽ bổ sung vào vụ án và cũng trở thành bị hại. Trường hợp không liên quan Vạn Thịnh Phát, nhưng có dấu hiệu lừa đảo thì có thể khởi tố một vụ án độc lập.

Hoặc nếu cơ quan công an xác định các tài sản doanh nghiệp phát hành khác không liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, dòng tiền 30.000 tỷ đồng “nhóm” Vạn Thịnh Phát lừa 42.000 trái chủ không liên quan đến các tài sản của các doanh nghiệp trước đó đã bị phong tỏa, thì có thể giải tỏa kê biên để trái chủ tiến hành khởi kiện dân sự. Bởi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu như Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An, Quang Thuận, Thiên Phúc đã không trả lãi, không mua lại là đã vi phạm hợp đồng.

Đó là chưa nói, nhiều hợp đồng mua bán trái phiếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể vô hiệu hóa bằng kiện dân sự, lúc đó thì “tiền ai về nhà nấy”.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Công ty luật Hà My & Cộng sự (Hà Nội) cũng cho rằng, với các mã trái phiếu của các doanh nghiệp không liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát thì cơ quan công an cần nhanh chóng giải tỏa ngay kê biên; hoặc quá trình xác minh thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì nên có quyết định chuyển cho cơ quan điều tra ở địa phương nơi có trụ sở doanh nghiệp và là nơi thực hiện hành vi sai phạm để khởi tố vụ án. Như vậy, vụ việc cũng sẽ giải quyết nhanh hơn, giảm bớt áp lực cho nhiều cơ quan liên quan. Việc này cơ quan công an cần trả lời công khai cho các trái chủ. Như vậy không chỉ đảm bảo quyền lợi người dân, mà còn nhanh chóng khôi phục lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Các trái chủ có thể tiến hành khởi kiện dân sự

Qua nghiên cứu hồ sơ, tôi nhận thấy, các trái chủ Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An… chưa được xác định là người bị hại trong vụ án. Cơ quan công an cũng chưa yêu cầu các trái chủ này cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động điều tra. Được biết, nhiều trái chủ chỉ có mục đích gửi tiết kiệm tại SCB, nhưng vì tin tưởng SCB nên đã ký kết các hợp đồng mua trái phiếu với TVSI.

Do vậy, các trái chủ có thể tiến hành khởi kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền, yêu cầu tuyên hủy hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu và yêu cầu trả lại toàn bộ số tiền đã mua trái phiếu với lý do bị lừa dối, nhầm lẫn theo quy định tại Điều 126, Điều 127, Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp này, SCB có trách nhiệm liên đới.

Trường hợp được tòa án tuyên chấp nhận các yêu cầu khởi kiện, trái chủ sẽ được hoàn trả tiền theo quy định của hợp đồng vô hiệu. Trường hợp tổ chức phát hành trái phiếu không thanh toán thì có thể yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm. Khi đó, mặc dù công an đang điều tra và vụ án hình sự sẽ được xét xử bằng bản án có hiệu lực pháp luật, thì bản án dân sự của các trái chủ đã có hiệu lực trước, đảm bảo được việc thi hành án nhằm lấy lại tài sản.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen

Tin bài liên quan