Khí đốt tự nhiên tăng vọt trong bối cảnh châu Âu và châu Á cạnh tranh nguồn cung

Khí đốt tự nhiên tăng vọt trong bối cảnh châu Âu và châu Á cạnh tranh nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu và châu Á tiếp tục tăng lên gần mức cao kỷ lục do cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã làm tăng cường tính cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung.

Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn châu Âu đã tăng tới 13% vào thứ Tư (24/8), quay trở lại mức cao kỷ lục vào thời điểm ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine vào cuối tháng 2. Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng châu Á cũng tăng 18% lên mức cao kỷ lục.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng cao hơn 10 lần so với mức trung bình trong thời điểm này trong năm, gây bất ổn cho các nền kinh tế, ảnh hưởng đồng euro và gây áp lực lên các chính trị gia nhằm giảm bớt tác động của lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Sự gián đoạn nguồn cung đã trở nên tồi tệ hơn trong tuần này, làm gia tăng sự cạnh tranh nguồn cung với châu Á về các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng LNG dự phòng khi các công ty tiện ích tranh giành để đảm bảo nhiên liệu trước mùa đông.

Trong khi đó, các lô hàng khí đốt từ Nga vẫn bị hạn chế và dòng chảy khí đốt từ Na Uy dự kiến ​​sẽ thấp hơn vào tháng 9 do công tác bảo trì. Tại Mỹ, một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng quan trọng bị hư hại do một vụ nổ hồi đầu năm sẽ hoãn khởi động lại sang tháng 11, so với mục tiêu trước đó là tháng 10.

Liên minh châu Âu đã phụ thuộc đáng kể vào các lô hàng từ Mỹ và Na Uy để lấp đầy khoảng trống khí đốt do Nga để lại. Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng đã hạn chế sản xuất công nghiệp và làm tăng nguy cơ suy thoái trong khu vực.

Danh sách các lĩnh vực chịu tác động tiêu cực cũng ngày càng tăng, từ nhôm đến phân bón đều bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí năng lượng tăng cao. Trong diễn biến mới nhất, nhà sản xuất lớn amoniac lớn nhất thế giới CF Industries Holdings Inc. cho biết hôm thứ Tư (24/8) rằng, công ty con ở Anh có ý định tạm dừng sản xuất amoniac vì điều đó “không kinh tế” với giá khí đốt và carbon hiện tại.

Thị trường sẽ càng thắt chặt hơn khi Tập đoàn năng lượng Gazprom PJSC của Nga ngừng dòng chảy trên đường ống dẫn khí Nord Stream 1 quan trọng trong 3 ngày bảo trì bắt đầu từ ngày 31/8. Các nhà chức trách châu Âu hiện đang lo ngại dòng chảy có thể không tiếp tục sau khi thời gian bảo trì kết thúc.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu và châu Á

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu và châu Á

Samantha Dart, trưởng bộ phận nghiên cứu khí đốt tự nhiên của Goldman Sachs cho biết: “Châu Âu đơn giản là không có đủ nguồn cung cấp thay thế để dễ dàng bù đắp cho những tổn thất khí đốt đó của Nga”.

Trong khi đó, theo những người quen thuộc với vấn đề này, Tập đoàn Sakhalin Energy LLC của Nga đã hủy một lô hàng LNG cho ít nhất một khách hàng châu Á vì các vấn đề thanh toán. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy nỗ lực củng cố quyền kiểm soát khí đốt của Moscow đang bắt đầu hạn chế nguồn cung ở châu Á.

Các nhà giao dịch ước tính, việc kéo dài thời gian bảo trì tại nhà máy Freeport LNG ở Texas dự kiến ​​sẽ khiến thị trường mất một số lượng lớn khí đốt. Người mua ở Nhật Bản và Hàn Quốc đang trông đợi vào các chuyến hàng của Freeport để bổ sung hàng tồn kho trước mùa đông và bây giờ sẽ cần tìm kiếm thêm nguồn cung từ thị trường giao ngay.

Trong khi đó, nguồn cung cấp qua đường ống dẫn vào châu Âu từ Na Uy đã giảm khoảng 5% kể từ tuần trước theo kế hoạch và tình trạng mất điện ngoài kế hoạch chồng chất.

Tin bài liên quan