Khi nào văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ?

Khi nào văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ?

(ĐTCK) Theo quy định tại Điều 96, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2009), các cá nhân và tổ chức sẽ có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã được đăng ký quá 5 năm hay nhiều hơn, nếu cung cấp được bằng chứng cho thấy chủ văn bằng đã không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

Trong một tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa xảy ra gần đây, một bên đã đề nghị cơ quan chức năng hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ với lý do người nộp đơn – bên liên doanh– đã không trung thực.

Doanh nghiệp nộp đơn cho biết, hợp đồng li-xăng giữa công ty mẹ ở Nhật Bản đã chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu là 3 từ tiếng Nhật, tuy nhiên, công ty tại Việt Nam đã đăng ký nhãn hiệu là “hình”. Cho rằng đây là yếu tố không trung thực, doanh nghiệp đã nộp đơn yêu cầu hủy bỏ tới cơ quan chức năng.

Được biết, nhãn hiệu trong vụ việc tranh chấp nói trên đã được đăng ký từ hàng chục năm trước đây. Trong khi Điều 96, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định rằng, thời hiệu yêu cầu hủy bỏ đối với nhãn hiệu là 5 năm kể từ ngày cấp văn bằng. Do đó, xét về thời hiệu yêu cầu hủy bỏ thì đã hết thời hiệu.

Tuy nhiên, có trường hợp ngoại trừ là văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn. Nếu có căn cứ chứng minh người nộp đơn không trung thực thì thời hiệu yêu cầu hủy bỏ là vô thời hạn.

Theo Luật sư Lê Quang Minh (Trưởng văn phòng luật Minervas, một văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ), hợp đồng li-xăng nhãn hiệu là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký. Theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu của mình với những điều kiện nhất định được hai bên thống nhất.

Việc một doanh nghiệp ở Việt Nam đăng ký một nhãn hiệu dưới tên của mình, tùy thuộc vào tình huống cụ thể có thể có hoặc không chịu sự điều chỉnh của hợp đồng li-xăng đã ký với công ty mẹ ở Nhật Bản.

“Cần phải xem xét mọi yếu tố liên quan trước khi có thể đưa ra được nhận định  chính xác. Tuy nhiên, nói chung, không thể căn cứ vào việc doanh nghiệp ở Việt Nam đăng ký một nhãn hiệu nào đó khác với nhãn hiệu đã được cấp quyền sử dụng theo hợp đồng li-xăng để cho rằng doanh nghiệp đó không trung thực trong việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chữ theo quy định tại điều 96 khoản 3 Luật Sở hữu trí tuệ”,  Luật sư Lê Quang Minh cho biết.

Cũng theo Luật sư Minh, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay chưa có hướng dẫn hay liệt kê cụ thể trường hợp nào mà trong đó, một người sẽ bị coi là không trung thực trong việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

Tuy nhiên, các trường hợp nộp đơn cho mục đích không trung thực có thể bao gồm các trường hợp như: người nộp đơn nộp đơn đăng ký một nhãn hiệu, mặc dù đã biết rõ rằng mình không có quyền nộp đơn theo quy định của pháp luật; người nộp đơn gian dối trong việc cung cấp các thông tin trong đơn đăng ký nhãn hiệu.

Lấy ví dụ, một doanh nghiệp là đại lý cho một doanh nghiệp khác (nước ngoài) và nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa mà họ đang làm đại lý bán hàng. Đây là trường hợp mà người nộp đơn không có quyền nộp đơn.

Có thể còn có nhiều trường hợp bị coi là không trung thực khác tùy theo căn cứ chứng minh của bên nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp có đơn yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét trong từng trường hợp cụ thể.      

Khoản 3, Điều 96, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định:

Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định tại khoản (1) và (2) Điều này với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là 5 năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.

Tin bài liên quan