Khi phụ nữ là doanh nhân

Khi phụ nữ là doanh nhân

(ĐTCK) “Hạnh phúc là được lo cho nồi cơm chung”; “Ước mơ lớn nhất là có thời gian chăm lo cho gia đình”; “Gia đình là sức mạnh giúp tôi yên tâm công tác”…

Đó là dòng chia sẻ chân tình của các chị, những nữ doanh nhân đang gánh trên vai trách nhiệm lãnh đạo DN, trách nhiệm tạo công ăn, việc làm cho cả nghìn người lao động… Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, ĐTCK xin giới thiệu một số gương mặt nữ doanh nhân cùng với những sẻ chia của họ.

“Hãy biết nhân lên điểm mạnh của bản thân”

Bà Thái Thanh Hải, Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính và quản trị kinh doanh Deloitte Việt Nam.

 
Ở vai trò quản lý, điều hành DN, do phải giữ thiên chức làm vợ, làm mẹ, nên các nữ doanh nhân chịu khá nhiều áp lực. Để dung hoà điều này, mỗi người có cách riêng và tôi có 4 bí quyết nhỏ để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.

Thứ nhất, “sống phải có mục tiêu”. Theo đó, sẽ không bị lãng phí thời gian, năng lượng và sức lực cho những điều không quan trọng trong cuộc đời. Sống có mục tiêu sẽ giúp bản thân xác định được động lực và con đường rõ ràng để đi đến thành công. Thứ hai, “luôn toàn tâm, toàn ý trong công việc mình làm” cả trong sự nghiệp và gia đình, sẽ giúp đem lại kết quả tốt nhất. Thứ ba, “tạo dựng một thái độ sống tích cực và lạc quan”, bởi trong cuộc sống không thể tránh khỏi những việc không như ý. Duy trì thái độ sống tích cực và lạc quan sẽ giúp bản thân vượt qua khó khăn, lan tỏa niềm vui và cảm hứng đến mọi người xung quanh để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Thứ tư, ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu, thay vì lo lắng và buồn phiền về các điểm yếu của bản thân, tôi thường nghĩ đến và phát huy tối đa những điểm mạnh. Nếu như bạn không thể dành thật nhiều thời gian cho gia đình, hãy trân trọng và làm cho mỗi khoảng thời gian bên gia đình trở thành “chất lượng nhất”.

 

“Ước mơ lớn nhất là có thời gian chăm lo gia đình”

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Kim Oanh.

 
Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong những năm qua, nhưng với chúng tôi, 2 năm qua chính là giai đoạn gặt hái được nhiều thành công. Khởi nghiệp của Kim Oanh bắt đầu từ Bình Dương với xuất phát điểm là từ một người mua bán đất nhỏ lẻ, nhờ nỗ lực của bản thân và cả may mắn nữa, đến nay Công ty đã có vị thế trên thị trường với quy mô nhân sự hơn 400 người.

Làm thế nào để vượt qua khó khăn luôn là trách nhiệm của người thuyền trưởng. Nhiều lúc tôi cũng thấy rất mệt mỏi và tự nhủ, vì sao mình không co cụm lại cho đỡ mệt, nhưng không được. Bởi nếu khó khăn mà không vượt qua thì đồng nghĩa với việc buông xuôi, mà buông xuôi sẽ làm ảnh hưởng biết bao nhiêu người đang tin tưởng, đi chung trên một con thuyền. Chính vì vậy, từ năm 2011 đến nay, dù tình hình chung của thị trường có nhiều khó khăn, song Kim Oanh luôn mở rộng và phát triển. Ngoài Bình Dương, từ đầu năm đến nay, chúng tôi tiếp tục mở rộng sang thị trường Đồng Nai, hợp tác đầu tư với các đối tác ở Đồng Nai phát triển thành công 7 dự án mới.

Là nữ doanh nhân, ngoài khát vọng đưa DN mình ngày càng phát triển bền vững, thì mơ ước lớn nhất của tôi có lẽ cũng như nhiều phụ nữ khác là có nhiều thời gian để lo cho gia đình và tham gia hoạt động từ thiện. Ngày còn bé, gia đình nghèo, tôi phải nghỉ học sớm nên luôn tự nhủ, sau này có điều kiện sẽ giúp đỡ những người nghèo khổ. Mỗi năm, tôi dành ra 2 - 3 tỷ đồng để chia sẻ với những cuộc đời khó khăn, nhất là hướng về quê hương bằng các chương trình khuyến học. 

 

“Gia đình là sức mạnh, hỗ trợ và giúp tôi yên tâm công tác”

Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch CTCP Dược Hậu Giang (DHG).

 
Để lãnh đạo DN, đòi hỏi phải có năng lực, sự nhạy bén và khả năng thích ứng. Do đó, việc đa số tổng giám đốc các công ty dược Việt Nam là nữ không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Họ thích hợp thực sự.

Giữa nữ lãnh đạo và nam lãnh đạo rất khó so sánh. Bởi công việc và gia đình thì ai cũng có và cũng phải lo. Nhưng đúng là phụ nữ thường lo xa, hay nghĩ tới nghĩ lui, hay giả định trường hợp xấu nhất, nên phụ nữ suy tư hơn. Hiện tại, ngoài thời gian cho công việc, tôi dành thời gian cho gia đình, tìm cách kết nối để gia đình là sức mạnh, hỗ trợ và giúp tôi yên tâm công tác hơn.

Về DHG, tuy là công ty đầu ngành và đạt nhiều thành tựu, nhưng chúng tôi không tự mãn. Chúng tôi luôn tự tạo thách thức mới để tìm những giải pháp tối ưu nhất, để duy trì tăng trưởng, đáp ứng các kỳ vọng của cổ đông và người tiêu dùng. Năm 2012, nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động và thách thức, DHG phải nỗ lực gấp đôi mới mong hoàn thành kế hoạch. 9 tháng đầu năm, DHG đã đạt theo đúng tiến độ. Chúng tôi tin, với những chiến lược đã vạch ra, DHG sẽ hoàn thành được các mục tiêu.

 

“Hạnh phúc là được lo cho nồi cơm chung cho Công ty”

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco (TRA).

 
Điều giúp TRA vượt qua khó khăn đó chính là biết giữ vững, phát triển các mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác, bạn hàng, người tiêu dùng, CBCNV… Trong khi lãi suất “căng” thì TRA vẫn được xem là “DN vàng” trong mắt ngân hàng và dành cho lãi suất ưu đãi. Với người tiêu dùng, trong lúc “thắt lưng buộc bụng” thì chúng tôi giữ chân họ bằng chính những sản phẩm dược uy tín, giá cả hợp lý. Với người lao động, chúng tôi giữ chân họ chính bằng việc tăng năng suất lao động và giữ họ chẳng khác nào việc giữ thị phần trên thị trường. Sau 9 tháng tăng trưởng tới 20%, doanh thu 1.300 tỷ đồng đạt được trong năm 2012 đang trong tầm tay của Công ty.

Còn về cá nhân, tôi cho rằng, doanh nhân nữ quản lý công việc mềm dẻo hơn nam giới, nhưng cũng vững vàng không kém gì phái mạnh, “mềm như nước, nhưng cũng mạnh như nước”. Không chỉ có vậy, người phụ nữ Việt Nam luôn biết lo toan, thậm chí lo xa, thu vén, hy sinh, tiết kiệm, tinh tế, vị tha, nên trong công việc quản lý kinh doanh, phụ nữ có nhiều yếu tố để “vượt khó” thành công. Có thể thấy, số lượng doanh nhân nam nhiều hơn doanh nhân nữ, nhưng khi nữ đã làm thì đa phần doanh nhân nữ đều hướng tới sự phát triển bền vững và đạt được điều này.

Tuy nhiên, ngoài quản lý kinh doanh, bên cạnh phụ nữ là gia đình và thiên chức làm mẹ. Vì vậy, doanh nhân nữ phải cố gắng nhiều hơn, nhưng khó như vậy mà vẫn đảm đương được thì lại càng đáng quý. Với riêng tôi, hạnh phúc không phải cái gì to tát, mà chính là “được lo thêm cho nồi cơm chung cho Công ty (ở đó có hàng vạn người lao động - PV), ngoài việc lo cho nồi cơm riêng của nhà mình”.