Khi thế giới thu vào một chiếc điện thoại

Khi thế giới thu vào một chiếc điện thoại

(ĐTCK) Trưa tháng 5, trời nắng như đổ lửa, cái nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường, cộng hưởng hơi nóng phả ra từ các cục nóng điều hòa, từ những bước tường bê tông… 

Trên facebook, có người đăng tấm hình chụp nhiệt kế chỉ con số gần 60 độ khi đo gần mặt đường tại khu vực Hồ Gươm. Quãng đường từ văn phòng sang quán cơm góc phố chao ôi là ngại.

Cầm smartphone lên, Huyền - cô gái trẻ nhất phòng đề nghị: Em đặt cơm gà nhé! Ý kiến nhận được sự đồng tình ngay lập tức. Huyền lướt trên màn hình vài giây, điện thoại rung lên, bên cung cấp dịch vụ đồ ăn gọi điện thoại để xác nhận. Chưa đầy 15 phút sau, đồ ăn được đưa tới.

Thời công nghệ thông tin phát triển đúng là tiện thật. Dân văn phòng chẳng phải lo đội nắng, đội mưa ra đường, cũng chẳng cần chen chúc xếp hàng, chen chúc ngồi trong những dãy bàn chật chội của quán ăn, chỉ cần vài cái click chuột là thức ăn đưa giao tận nơi, muốn gì cũng có.

Mà đâu phải mỗi chuyện ăn, giờ đây, tất tật cái gì cũng có thể đặt hàng qua mạng. Như Huyền, ngày nào cũng có vài cuộc gọi xuống sảnh công ty nhận hàng.

Lương Huyền khá tốt với một người độc thân, nhưng tháng nào cô cũng than cháy túi. Tủ quần áo, giầy dép của cô nàng chật ních, nhiều món đồ mua về Huyền bảo chỉ xỏ một lần rồi bỏ xó, nhưng lướt facebook thấy có thêm mẫu mới, Huyền lại cầm lòng không đặng. Cuối tháng vay tiền thanh toán cho những đơn hàng, Huyền lại bảo em sẽ chừa, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy…

Huyền cũng như rất nhiều người tiêu dùng khác, khi cả thế giới thu về trong một chiếc điện thoại. Nhờ có smartphone, nhờ có Internet, chưa khi nào người ta có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin, dễ dàng tương tác với nhau đến như vậy.

Chỉ cần tìm kiếm một thông tin về một sản phẩm, ngay lập tức có hàng loạt quảng cáo web bán hàng, các sản phẩm cùng loại nhảy vào màn hình điện thoại của bạn. Trí tuệ nhân tạo giúp các doanh nghiệp nắm rõ được thói quen, tâm lý người dùng và đưa ra những gợi ý ngay lập tức.

Nhờ vậy, Internet, mạng xã hội là cơ hội kiếm tiền tuyệt vời cho biết bao người. Không tính các hot facebooker có hàng chục nghìn, hàng triệu lượt theo dõi có thể kiếm tiền quảng cáo sản phẩm từ tài khoản của mình, chưa khi nào người ta lại dễ dàng tham gia vào hoạt động buôn bán như vậy.

Chẳng cần vốn, chẳng cần cửa hàng, chỉ cần biết nguồn hàng, biết rao sản phẩm. Cứ một thời gian lại thấy một người trong friendlist gia nhập đội quân bán hàng, “mua của người có, bán cho người cần”.

Bán hàng online thành nghề tay trái của rất nhiều chị em làm công sở có nhiều thời gian dư thừa. Một dạo, cơ quan tôi rộ lên phong trào bán hàng online, thôi thì đủ thứ, từ mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện, cho tới gạo thịt. Cung cấp chéo hàng hóa cho nhau cũng nhộn nhịp đáo để.

Mới đây, ngồi cà phê với Vân, cô bạn cũ đang làm tại kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ, cứ chốc chốc lại thấy nàng chúi mắt vào cái điện thoại, đọc rồi nhắn tin. Vân giải thích, cô thuê một gian hàng trên chợ điện tử để bán đồ nội thất mây tre đan.

Cứ có người đặt hàng, Vân lại gọi về báo ông anh họ cũng là chủ cơ sở nội thất mây tre đan chuyển hàng ra. Ơn giời, mọi việc thuận buồm xuôi gió, số tiền lãi cô kiếm được hàng tháng gấp vài lần suất lương ở công ty.

Hay như H, từng có thời gian làm thư ký tòa soạn cho một tờ báo điện tử, sau khi sinh con thứ ba, cô quyết định ở nhà trông con và kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập. H bán trái cây đặc sản vùng miền, mùa nào thức ấy, rồi hải sản đánh bắt từ vùng biển miền Trung quê cô.

Thực ra đây cũng đều là những món hàng mà người ta có thể mua ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên phố, nhưng doanh thu mỗi tháng của H lên tới hàng trăm triệu đồng. Sau vài năm bán hàng online, giờ đây khi đã tích lũy được số vốn kha khá và kinh nghiệm thương trường, H mở một cơ sở chế biến nông sản.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đang thay đổi thói quen sinh hoạt, thói quen làm việc của mỗi cá nhân và rộng ra là thay đổi cách thức kinh doanh, cách thức quản trị của các doanh nghiệp.

Chỉ cần một điện thoại được nối mạng Internet, chẳng cần tới cửa hàng, tới công ty, nhà quản lý cũng có thể giám sát hoạt động của các nhân viên từ xa.

 Câu chuyện trở thành tỷ phú ở tuổi 21 của cô nàng hotgirl môi tều Kylie Jenner bên Mỹ là ví dụ điển hình nhất về thành công nhờ tận dụng mạng xã hội. Cô là em út của Kim Kadashian, một ngôi sao truyền hình thực tế của Mỹ.

Kylie sở hữu tài khoản Intasgram với hàng triệu người theo dõi và trở thành một biểu tượng thời trang với đôi môi tều quyến rũ. Ba năm trước, cô quyết định khởi nghiệp với việc đặt hàng sản xuất bộ son môi và dưỡng môi.

Chính nhờ sức ảnh hưởng với cộng đồng mạng mà các sản phẩm của cô được tiêu thụ nhanh chóng và giờ đây cô đang sở hữu một trong những hãng mỹ phẩm trang điểm đắt khách nhất thế giới.

Đế chế mỹ phẩm gần tỷ USD của Kylie có ít nhân viên đến kinh ngạc: chỉ 7 nhân viên toàn thời gian và 5 nhân viên bán thời gian. Nhưng sẽ không khó hiểu nếu biết được rằng việc sản xuất hoàn toàn được thuê ngoài, khâu bán hàng do nền tảng thương mại trực tuyến Shopify thực hiện.

Mô hình bán lẻ truyền thống đang bị thách thức dữ dội trước sự bùng nổ của thương mại điện tử. Nếu không bắt kịp với xu thế thay đổi của người dùng, các thương hiệu dù từng được yêu thích tới đâu cũng có thể đi đến đổ vỡ nếu không chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trên chính chiếc smartphones.

Mới đây, mạng lưới bán hàng trực tuyến Amazon đã chính thức soán ngôi Wallmart để trở thành đế chế bán lẻ lớn nhất toàn cầu. Đọc báo mới biết, nhà bán lẻ trực tuyến này bán cả những ngôi nhà tự lắp đặt. Thực chẳng biết còn món hàng gì Amazon không thể cung cấp!

Trong thế giới phẳng, chuyện ở Mỹ cũng chẳng khác mấy ở ta. Cuộc chiến cạnh tranh giữa các hãng bán lẻ ngày càng khốc liệt, từ mô hình truyền thống cho tới thương mại điện tử và nhiều nhà bán lẻ đã phải chấp nhận từ giã sân chơi sau thời gian dài thua lỗ.

Trên mảng dịch vụ vận tải, dù còn nhiều tranh cãi về câu chuyện quản lý, nhưng các hãng taxi truyền thống chống lại được xu thế, đó là sức ép cạnh tranh từ xe công nghệ. Dễ dàng gọi xe, dễ dàng quản lý cước, chẳng có lý do gì để khách hàng từ chối dịch vụ gọi xe công nghệ.

Hôm rồi, gặp cậu em họ, cậu bảo chính thức giải tán hãng taxi của mình. Thời hoàng kim, hãng của cậu có tới hàng trăm đầu xe, nhưng rồi tình hình kinh doanh cứ khó khăn dần khi các hãng gọi xe công nghệ đua nhau phát triển. Giờ thì cậu chuyển sang mô hình cho thuê xe tự lái, nhưng chẳng biết có ăn thua gì không.

“Thôi thì mất nghề này sẽ phải tìm nghề khác”, cậu ngậm ngùi chia sẻ. Khi thế giới thu vào một chiếc điện thoại, thật chẳng dễ để tính chuyện "ăn chắc, mặc bền".

Tin bài liên quan