Trong khi giá USD tự do tăng tốc thì giá USD ngân hàng niêm yết lại đứng yên

Trong khi giá USD tự do tăng tốc thì giá USD ngân hàng niêm yết lại đứng yên

Khổ với đôla hai giá

Tình trạng giá mua bán USD thực tế ở ngân hàng cao hơn giá niêm yết trên 2.000 đồng/USD gây bao khổ sở cho doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp để chấm dứt tình trạng này, nếu không sẽ gây méo mó môi trường kinh doanh, làm giá cả tăng thêm.

Không nên để vi phạm pháp luật kéo dài

PGS.TS Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ)

 

Trong điều kiện bình thường, có thể chấp nhận chênh lệch giá do ngân hàng (NH) niêm yết và giá tại thị trường tự do khoảng vài chục đồng/USD. Khi chênh lệch này tăng trên 100 đồng là không bình thường. Thế nhưng, khoản chênh này đã tăng đến cả ngàn, thậm chí trên 2.000 đồng là bất bình thường.

 

Điều đáng lo ngại là tỷ giá chợ đen không chỉ giao dịch với USD tiền mặt mà đã len lỏi vào ngay hệ thống NH, thậm chí trở thành tỷ giá định hướng cho doanh nghiệp và NH giao dịch. Tỷ giá ngoài thị trường tự do tăng bao nhiêu thì giá giao dịch thực giữa các NH tăng bấy nhiêu. Từ đó, tỷ giá do NH niêm yết theo đúng quy định của NH Nhà nước chỉ còn là hình thức.

 

Nếu cứ duy trì tình trạng này, việc hạch toán của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ bị méo mó, không trung thực. Mua USD giá 21.500 đồng nhưng lại hạch toán 19.500 đồng, còn lại phải hạch toán dưới các hình thức khác.

 

Kéo dài tình trạng này, vô tình đã đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng vi phạm pháp luật. Bởi luật pháp quy định doanh nghiệp và NH phải mua bán USD trong biên độ và tỷ giá liên NH do NH Nhà nước quy định.

 

Chúng ta không thể mặc nhiên thừa nhận tình trạng USD hai, ba giá. Theo tôi, NH Nhà nước cần phải áp dụng các biện pháp, hành chính hoặc kinh tế, để thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá thực giao dịch, để NH và doanh nghiệp có thể giao dịch theo đúng tỷ giá do NH niêm yết.

 

NH Nhà nước cần phải can thiệp mạnh tay, nhất là với thị trường vàng, vì thị trường vàng đang dẫn dắt giá USD tại thị trường tự do, từ đó tác động đến giá USD giao dịch tại các NH.

 

Trên thực tế lượng USD giao dịch trên thị trường tự do không quá lớn, nhưng do NH Nhà nước cứ để giá vàng kéo giá USD tại thị trường tự do mãi, việc cho nhập vàng không mạnh tay, từ đó tạo ra tâm lý giá USD sẽ tăng lan tỏa cả vào hệ thống NH...

 

Tỷ giá, lãi suất gây sức ép tăng giá

Ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Viêt Nam)

 

Tỷ giá tăng giúp hạn chế nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhưng nó cũng đang gây khó cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp không thể chủ động được trong hạch toán công nợ cũng như thanh toán hàng hóa nhập khẩu.

 

Đặc biệt, tỷ giá USD biến động ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư, nhất là đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất vì hầu hết đều phải nhập và trả bằng ngoại tệ.

 

Không chỉ tỷ giá, doanh nghiệp còn chịu gánh nặng lãi suất. Gần đây lãi suất tăng đột biến, doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã khó tiếp cận được vốn nay phải chịu lãi suất cao càng khiến chi phí tăng đột biến. Chi phí tăng ngay thời điểm doanh nghiệp chuẩn bị hàng phục vụ tết, như vậy làm sao có thể giữ giá để cùng Nhà nước bình ổn thị trường.

 

Tình hình này kéo dài buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, lại tạo cơ hội cho hàng ngoại, càng đẩy tình trạng lạm phát và nhập siêu tăng lên.

 

Đình đốn sản xuất

Ông Phạm Chí Cường (chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam)

 

Các doanh nghiệp thép trong nước mới chủ động được 60% nguồn phôi thép sản xuất, phần còn lại phải nhập khẩu. Lãi suất và tỷ giá cùng tăng thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá nhưng không phải lúc nào cũng bán được. Không thể phủ nhận có tình trạng đình đốn sản xuất.

 

 

Khó bán USD theo giá niêm yết

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu

 

Chúng tôi có nguồn thu USD từ xuất khẩu, đúng ra phải bán cho NH theo đúng giá niêm yết. Thế nhưng, khi thị trường đều theo tỷ giá thị trường tự do thì chúng tôi cũng không thể đứng ngoài cuộc.

 

Sẽ khó cho người quyết định bán USD cho NH theo giá niêm yết vì khi đó những bộ phận khác trong công ty sẽ đặt câu hỏi có vấn đề gì mới bán theo giá niêm yết. Giả sử với 1 triệu USD, chúng tôi bán cho NH theo giá niêm yết chỉ được 19,5 tỷ đồng nhưng bán theo giá 21.500 đồng thì sẽ được đến 21,5 tỷ đồng, giúp đơn vị tăng được lợi nhuận.

 

 Hơn nữa, chúng tôi cũng cần phải bán USD theo giá cao để bù đắp chi phí đang tăng mạnh. Có hai khoản tăng, đó là lãi suất và giá hàng hóa - dịch vụ. Hầu hết các loại nguyên vật liệu, dịch vụ đều tăng do các đơn vị đã tính theo tỷ giá 21.500 đồng/USD. Vì vậy việc bán USD theo giá cao cũng là cách để chúng tôi bù đắp khoản chi phí tăng thêm nhằm đảm bảo duy trì được lợi nhuận của doanh nghiệp.

 

 

Phải tăng giá đón đầu

Một doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu

 

Giá USD tăng cao, lại khó mua, chỉ có thể mua theo giá thị trường tự do buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán và mức tăng đó đã lan tỏa vào giá hàng hóa tiêu dùng. Giá USD tăng liên tục, hôm nay 21.000 đồng thì mươi ngày sau đã là 21.500 đồng/USD buộc chúng tôi phải tăng giá đón đầu, nếu không sẽ bị lỗ.

 

Giả sử ngay thời điểm phải trả 21.000 đồng/USD, chúng tôi đã phải kê giá bán lên theo tỷ giá 21.500 đồng/USD. Nay con số này cũng đã bị vượt qua. Doanh nghiệp nào cũng thế, trách chi giá cả không tăng. Chúng tôi muốn tỷ giá ổn định, có tăng cũng phải có lộ trình và rõ ràng thì mới có thể ổn định được giá bán. Một khi doanh nghiệp tính toán và ổn định được giá thành trong một thời gian dài thì giá cả bớt nhấp nhổm.

 

Doanh nghiệp nào được mua ngoại tệ theo giá niêm yết?

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP. HCM, cho biết, 14 doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu theo chương trình bình ổn giá của UBND TP. HCM là Công ty CP Giấy Sài Gòn, Công ty TNHH Thành Tài, Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, Công ty Cơ điện lạnh Vạn Trường Phát, Công ty TNHH Hòa Bình, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty Thiên Hòa (cơ khí chế tạo máy), Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty Thành Thành Công, Công ty Thiên Lộc, Công ty CP Vật tư nông nghiệp, Công ty CP Hà Anh, Công ty Nông sản, Công ty Nguyên Phan. Hầu hết mục đích mua ngoại tệ là để nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất, Công ty Thành Thành Công nhập đường để tăng nguồn cung cho thị trường trong nước.

 

Tổng số ngoại tệ doanh nghiệp đề xuất là 12 triệu euro và hơn 102,88 triệu USD. Trong số đó Công ty CP Sữa VN đề nghị được hỗ trợ 57 triệu USD.

 

Theo đại diện NH Nhà nước TP. HCM, đến nay các NH nơi các doanh nghiệp này mở tài khoản đã gửi báo cáo phản hồi về NH Nhà nước TP.HCM, trong đó đa số NH cho biết sẵn sàng đáp ứng đủ ngoại tệ để những doanh nghiệp này mua nguyên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất theo đúng giá niêm yết.

 

Một số NH cho biết, đang tìm nguồn ngoại tệ để bán cho doanh nghiệp. Quá trình bán sẽ căn cứ theo tiến độ cần thanh toán của doanh nghiệp.

 

Theo đại diện Sở Công thương TP. HCM, 14 doanh nghiệp được nơi này đề xuất NH Nhà nước ưu tiên giải quyết bán ngoại tệ thuộc nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau trên địa bàn TP và đang có nhu cầu nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu sản xuất...

 

Theo ông Nguyễn Văn Lai - Giám đốc Sở Công thương, trước đó sở đã có văn bản gửi đến các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp và thu thập ý kiến của các doanh nghiệp trong cuộc họp công tác định kỳ hằng tháng của TP nhằm ghi nhận lại phản ảnh tình hình khó khăn trong tiếp cận nguồn ngoại tệ.

 

Được mua ngoại tệ theo giá NH niêm yết, doanh nghiệp tiết kiệm được cả ngàn đồng/USD.

 

1.001 cách hạch toán khoản chênh lệch giá USD

 

- NH khi bán USD giá cao s ghi theo giá niêm yết, đng thi thu thêm thông qua các khon phí dch v như kim đếm, phí h sơ, phí gii ngân, phí giao dch ngoi t, phí tư vn tài chính... hoc tính vào lãi sut.

 

Có NH làm hai hợp đồng, một hợp đồng mua USD bằng với giá niêm yết cùng thời điểm và một bản hợp đồng dịch vụ kèm phiếu thu, tuy nhiên cũng có trường hợp NH chỉ phát phiếu thu.

 

- Doanh nghiệp xuất khẩu bán USD giá cao thông qua hình thức nhập ủy thác, khoản chênh lệch tỷ giá núp dưới hình thức phí ủy thác hoặc tính luôn vào giá thành. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể thỏa thuận với NH hoặc với công ty cần USD.

 

Theo đó, doanh nghiệp bán USD cho NH với giá cao nhưng khoản chênh lệch tỷ giá này sẽ được cấn trừ bằng cách được vay vốn với lãi suất thấp. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể “bắt tay” với doanh nghiệp nhập khẩu trao đổi chéo, bên xuất mua sản phẩm của bên nhập với giá rẻ, phần rẻ hơn chính là khoản chênh lệch tỷ giá.

 

Rất nhiều người làm kế toán doanh nghiệp cho biết mệt mỏi khi phải “phù phép” để hợp thức hóa các giao dịch đang diễn ra trên thực tế. Nhiều doanh nghiệp nói nếu không làm thế thì không có USD để kinh doanh.

 

Giá vàng, USD tự do tăng thêm

 

Giá vàng trong nước cuối ngày 1-12 lên 36,33 triệu đồng/lượng, tăng 380.000 đồng/lượng so với ngày 30-11, do giá vàng thế giới tăng mạnh từ 1.365 USD/ounce lên 1.390 USD/ounce.

 

Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới có thu hẹp lại nhưng trong nước vẫn cao hơn 300.000 đồng/lượng. Giá USD tại thị trường tự do cũng tăng thêm, bán ra 21.600 đồng/USD.

 

Giá USD thực giao dịch tại các NH tiếp tục tăng thêm bất kể đầu tháng 11-2010 NH Nhà nước đã công bố bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Theo các doanh nghiệp, do lượng bán can thiệp không đủ mạnh, NH Nhà nước vẫn chưa tạo sự thông thoáng trên thị trường vàng, tiếp tục cấp phép nhập khẩu nhỏ giọt khiến giá USD tại thị trường tự do liên tục tăng theo hoạt động nhập lậu vàng.

 

Đợt cấp phép nhập khẩu vàng gần đây nhất của NH Nhà nước với số lượng tuy có nhiều hơn nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp và NH thì chẳng thấm vào đâu, vì thế giá USD tại thị trường tự do chẳng những không giảm mà còn tăng thêm.

 

Một chuyên gia nói đó là phản ứng của thị trường trước các chính sách không đủ quyết liệt để giải quyết tận gốc vấn đề.

Ảnh hưởng của tỷ giá lên hàng hóa nhập khẩu

 

 

Giá nhập khẩu (*)

Tỷ  giá 19.500  đồng/USD

Tỷ  giá 21.500  đồng/USD

Chênh lệch (%)

Vàng

1.380 USD/ounce

32,5 triệu đồng/lượng

35,77 triệu đồng/lượng

3,27 triệu đồng (10%)

Phân bón

370 USD/tấn

7,215 triệu đồng/tấn

7,955 triệu đồng/tấn

0,74 triệu đồng (10%)

Hạt nhựa

1.085 USD/tấn

21,15 triệu đồng/tấn

23,32 triệu đồng/tấn

2,17 triệu đồng (10%)

Phôi thép

550 USD/tấn

10,73 triệu đồng/tấn

11,82 triệu đồng/tấn

1,1 triệu đồng (10%)

(*) giá ở một số thời điểm