Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có mức độ rủi ro cao hơn nhiều trái phiếu phát hành ra công chúng

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có mức độ rủi ro cao hơn nhiều trái phiếu phát hành ra công chúng

Khoảng hở giám sát trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện có hơn 1 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và tới đây có thể thêm một lượng lớn trái phiếu nữa được đưa ra thị trường, nhưng lại chưa có cơ quan cụ thể nào chịu trách nhiệm giám sát tổng thể thị trường này.

Đụng đâu sai đó

Thông tin ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ tại buổi họp báo của Bộ Tài chính giới thiệu Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ khiến nhiều nhà đầu tư giật mình. Qua kiểm tra 21 công ty chứng khoán, có 6 công ty vi phạm quy định liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, Chứng khoán Thành Công, Chứng khoán Tiên Phong, Chứng khoán Everest, Chứng khoán KIS Việt Nam và Chứng khoán An Bình.

Đối với doanh nghiệp, qua thanh, kiểm tra 9 tổ chức phát hành thì có 8 tổ chức vi phạm, bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group, Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Seaside Homes, Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC.

Tỷ lệ sai phạm lớn như vậy khiến nhiều người đặt câu hỏi, nếu kiểm tra nhiều hơn, thực tế sẽ đến đâu và đơn vị nào có chức năng và chịu trách nhiệm giám sát trái phiếu riêng lẻ doanh nghiệp, thị trường có tổng dư nợ lên tới gần 1,5 triệu tỷ đồng?

Theo Điều 35, Nghị định 153/2020/NĐ-CP, tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán (các công ty chứng khoán - PV) chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều này được hiểu là cơ quan này có quyền vào giám sát, kiểm tra tính tuân thủ của các công ty chứng khoán.

Cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

Với tổ chức phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, Nghị định 153/2020/NĐ-CP chỉ quy định chung chung: phải tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và nghị định này, nếu có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Thực tế, các đợt kiểm tra nói trên cho thấy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện kiểm tra các công ty chứng khoán căn cứ vào quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Cụ thể, với Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group, Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup, việc kiểm tra được thực hiện do 2 doanh nghiệp này phát hành trái phiếu ra công chúng thuộc chức năng giám sát của Ủy ban; 4 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC bị lộ vi phạm qua các đợt kiểm tra, giám sát công ty đại chúng, công ty niêm yết định kỳ theo chức năng của Ủy ban.

Hai doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Seaside Homes, không phải là công ty đại chúng hoặc tổ chức niêm yết, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Chiếu theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng, công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành trái phiếu riêng lẻ không thuộc đối tượng giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Đề cập đến việc giám sát, kiểm tra tính tuân thủ các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, có ý kiến cho rằng, phải thuộc trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vì trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán. Còn người soi kĩ Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì cho rằng, Ủy ban chỉ có quyền “ăn theo”, tức là kiểm tra, giám sát công ty chứng khoán, công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết theo thẩm quyền, nếu “nhân tiện” phát hiện vi phạm về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì xem xét, xử lý vi phạm.

Chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm giám sát

Với Nghị định 65/2022/NĐ-CP mới được ban hành, Điều 39 về trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cụ thể hơn, bao gồm trên cơ sở quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán, báo cáo giám sát của Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, báo cáo của đại diện người sở hữu trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành thanh tra, kiểm tra Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Dù vậy, với các quy định trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chỉ có thể tiến hành kiểm tra, thanh tra về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ dựa trên báo cáo từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội khi phát hiện doanh nghiệp không thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin; qua kiểm tra các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán; từ phản ánh qua các kênh báo chí, diễn đàn nhà đầu tư...

Có ý kiến đề cập đến trách nhiệm giám sát của Bộ Tài chính, song theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát tổ chức kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo pháp luật về kiểm toán và pháp luật về giá.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định thêm, các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chào bán, giao dịch và cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.

Quan tâm đến vấn đề giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đặt câu hỏi: “Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vậy ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa?”.

“Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng”, ông Phước nói và cho rằng, để phát triển thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến, thì Việt Nam cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

Chia sẻ quan điểm này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đặt bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Thị trường trái phiếu là một thị trường có mức độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp và quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.

Cần lập lại trật tự ở các tổ chức trung gian

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nhược điểm một phần là do các tổ chức trung gian không làm tròn vai trò. Cùng với tiến trình lành mạnh hóa thị trường, cơ quan quản lý cần thực hiện đợt thanh, kiểm tra tại các công ty chứng khoán có thị phần lớn trong mảng trái phiếu doanh nghiệp.

Tin bài liên quan