Để giữ chân 12.000 lao động, May 10 phải chấp nhận đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn.

Để giữ chân 12.000 lao động, May 10 phải chấp nhận đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn.

Khoảng lặng cuối năm của nhiều doanh nghiệp niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thay vì tăng ca, chạy đua trước Tết như mọi năm, nhiều doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc hoặc giảm giờ làm, để đối phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu suy giảm.

Giảm nhân công, giờ làm

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, do các quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát cao, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu hơn là quần áo, thời trang. Do đó, đơn hàng của May Hồ Gươm sụt giảm nhiều, có nhà máy bị giảm tới 60% đơn hàng nên phải cho người lao động nghỉ thứ 7 và Chủ nhật, đồng thời không tăng ca, làm thêm giờ.

Tại Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, thời gian này, do thiếu đơn hàng nên Công ty phải cho công nhân nghỉ làm trong hai ngày cuối tuần - điều chưa có tiền lệ. Thuận Phước là doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang châu Âu (chiếm 50% lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

“Hợp đồng đã ký đầy đủ, nhưng vì sức tiêu thụ kém quá nên đối tác đề nghị giao hàng chậm lại”, ông Lĩnh nói.

Còn đại diện Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Tường Hựu (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, từ tháng 6/2022 đến nay, đơn hàng của Công ty giảm 50% nên số lao động cũng phải cắt giảm tới 23% so với đầu năm.

Báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp cho thấy số liệu đáng suy ngẫm: từ tháng 7 đến tháng 11/2022, toàn tỉnh có trên 250.000 lao động bị giảm giờ làm và 37.700 lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; trong đó, chủ yếu là lao động ngành gỗ, dệt may, da giày, điện, cơ khí…

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, đã có hơn 45.000 lao động phải nghỉ việc, hơn 670.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tập trung ở ngành chế biến gỗ, dệt may, da giày và một số doanh nghiệp điện tử.

Khó khăn dự kiến tới giữa năm 2023

Mặc dù vẫn có kết quả kinh doanh năm 2022 khả quan với tổng doanh thu tăng 27,93% và lợi nhuận tăng 41,97% so với năm 2021, song tại Hội nghị tổng kết năm 2022, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 thừa nhận, mặc dù đã giảm giá sản phẩm nhưng trong năm 2022 đơn hàng của Công ty vẫn bị giảm 10-15%.

Nhận định tình hình này sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết quý I, song May 10 vẫn đặt mục tiêu doanh thu năm nay ở mức 4.500 tỷ đồng, tương đương năm trước. Ông Việt cho biết, May 10 sẽ tiếp tục phát huy những giải pháp đã áp dụng thành công trong năm 2022. Cụ thể, để giữ chân 12.000 lao động tại 18 nhà máy, May 10 phải chấp nhận đơn hàng thời trang đòi hỏi chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn...

Thông tin được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cung cấp, nhiều đơn vị trong ngành đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị. Dù năng suất không cao nhưng doanh nghiệp vẫn giữ chân được người lao động trong khi chờ tín hiệu phục hồi.

“Kinh nghiệm cho thấy, doanh nghiệp nào đa dạng hóa thị trường, mặt hàng... thì vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng”, ông nói.

Chủ tịch Vitas cũng cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thành viên quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành gỡ khó cho ngành dệt may thông qua giảm thuế hoặc hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp.

Trước những dự báo tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể hồi phục trong nửa đầu năm 2023, bà Trần Thị Thanh Hà cho rằng, có thể từ nay đến hết quý II/2023, các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, cùng với đó khoảng 271.000 người sẽ bị giảm giờ làm.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hà kiến nghị Chính phủ tăng các hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động như một gói hỗ trợ của Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương trong thời gian người lao động phải ngừng việc, hoặc cho vay để doanh nghiệp phục hồi sản xuất…

Tin bài liên quan