Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2014 của NHNN là 12 - 14%

Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2014 của NHNN là 12 - 14%

Khơi dòng chảy tín dụng, dự báo các kênh thu hút vốn ngân hàng

(ĐTCK) Năm 2014, để đạt các chỉ tiêu được Quốc hội thông qua như: GDP tăng 5,8%, lạm phát ở mức khoảng 7%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra 7 nhóm giải pháp điều hành chủ yếu, trong đó tập trung vào việc khơi thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.

“Bức tranh” ngân hàng năm 2013

Kết thúc năm 2013, “bức tranh” kinh tế trong nước đã có thêm nhiều gam màu sáng, thể hiện trên các chỉ tiêu: GDP tăng 5,42%, mặc dù thấp hơn mục tiêu 5,5% nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và đã có tín hiệu phục hồi; lạm phát được kiểm soát ở mức 6,04%, là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% và mức xuất siêu đạt gần 1 tỷ USD (chiếm 0,7% tổng giá trị xuất khẩu). Điều hành chính sách tiền tệ và chính sách lãi suất của NHNN đạt những kết quả tích cực, lãi suất thị trường được giữ ổn định ở mức thấp, tương đương với mặt bằng lãi suất của những năm 2005 - 2006, tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho DN.

Tỷ giá ngoại tệ tiếp tục được giữ ổn định trong năm 2013. NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá tăng 1% trong năm, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Cơ chế quản lý và điều hành thị trường vàng đã đạt được những kết quả tích cực: sự biến động của giá vàng không tác động tiêu cực tới kinh tế vĩ mô, quyền lợi của người dân nắm giữ vàng được đảm bảo và trật tự trên thị trường vàng được thiết lập. Lượng kiều hối chuyển về nước trong năm 2013 đạt khoảng 11 tỷ USD, cao hơn mức 10 tỷ USD của năm 2012.

Tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12,58%, đạt mục tiêu đề ra. Nợ xấu được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu đã được giảm thấp so với đầu năm. Hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mang lại những kết quả ban đầu, tạo thêm kênh xử lý nợ xấu đối với nền kinh tế.

Thị trường bất động sản và TTCK trong năm qua từng bước được cải thiện. Gói tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đồng mặc dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân (chủ yếu do thiếu nguồn cung căn hộ theo quy định trong Nghị quyết 02), nhưng đã giúp cho trên 2.000 gia đình có mức thu nhập thấp và trung bình có được chỗ ở phù hợp; đặc biệt, tạo ra sự lan tỏa giúp thị trường phục hồi, nhất là đối với phân khúc thị trường căn hộ diện tích nhỏ.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế năm 2013 cũng có những gam màu xám khi kinh tế thế giới chưa phục hồi vững chắc, chứa đựng nhiều bất ổn cả về chính trị và kinh tế. Trong khi đó, kinh tế trong nước chưa thực sự hồi phục, mặc dù hoạt động kinh doanh của DN đã tốt hơn, hàng hóa tồn kho giảm. Tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai tái cấu trúc nền kinh tế còn chậm. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, lúa gạo, thủy sản bị các quốc gia nhập khẩu áp dụng thuế chống bán phá giá và các hàng rào kỹ thuật. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 đã đạt được mục tiêu đề ra, nhưng chủ yếu tăng vào 6 tháng cuối năm, đặc biệt vào quý IV.

7 nhóm giải pháp 2014 của NHNN

Để đạt được các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua năm 2014: GDP tăng 5,8%, lạm phát ở mức khoảng 7%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra các giải pháp điều hành chủ yếu như sau:

Thứ nhất, điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2014 từ 12 - 14%, thực hiện phân bổ và kiểm soát đến tất cả các TCTD.

Thứ hai, duy trì ổn định lãi suất và tỷ giá. Về lãi suất, nếu các chỉ số kinh tế vĩ mô được kiểm soát ổn định thì có thể giảm trần lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Hiện tại, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm xuống 6%/năm và trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm còn 8%/năm. Về tỷ giá, duy trì ổn định tỷ giá ngoại tệ trong năm 2014. Căn cứ vào tình hình thực tế, NHNN sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt, thông qua việc can thiệp thị trường và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng mức tăng không quá 2% trong cả năm 2014.

Thứ ba, về giải pháp điều hành tín dụng: i) định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 khoảng 12 - 14%, nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế.

ii) Tiếp tục cho phép các TCTD cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các DN không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu đối với DN có nguồn thu bằng ngoại tệ, đến hết năm 2014.

iii) Tiếp tục xác định 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; phục vụ xuất khẩu, cho vay DN nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ); chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời.

iv) Nông nghiệp, nông thôn vẫn là lĩnh vực được ưu tiên cho vay, tuy nhiên, NHNN đang nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, theo hướng bám sát Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những mô hình mới trong nông nghiệp như cánh đồng mẫu lớn, cho vay liên kết theo chuỗi và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - DN và gắn kết giữa ngư dân khai thác vùng biển xa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trong một chuỗi liên kết khép kín từ khâu cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm tới thu mua sản phẩm của ngư dân để chế biến, xuất khẩu. Ngân hàng sẽ có chính sách tín dụng cụ thể để duy trì và mở rộng các mô hình này.

v) Có những chính sách đặc thù cho các lĩnh vực có thế mạnh và trọng yếu của nền kinh tế. Cụ thể, NHNN đang nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách đặc thù về tái canh cây cà phê, chính sách tạm trữ lúa gạo khi vào vụ để giữ ổn định giá. Riêng đối với gói tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đồng, NHNN đang phối hợp với Bộ Xây dựng tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp.

vi) Phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường. NHNN đã ban hành Thông tư 09 để tạo lộ trình tiếp cận với thông lệ quốc tế và hỗ trợ các DN.

Thứ tư, triển khai đồng bộ Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014. Xử lý nợ xấu sẽ được thực hiện chủ yếu trên 2 kênh: xử lý nợ xấu từ trích lập dự phòng rủi ro của TCTD và thông qua VAMC.

Thứ năm, phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ sáu, tập trung triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Trong quý I/2014, hoạt động ngân hàng đã đạt được kết quả quan trọng, thể hiện trên các chỉ tiêu: lạm phát quý I/2014 ở mức 0,8% so với cuối năm 2013 và 4,83% so với cùng kỳ năm trước; tổng phương tiện thanh toán tăng 3,15%; huy động vốn tăng 2,55%; dư nợ tín dụng tăng 0,49%; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 3,88%. Thanh khoản của các TCTD được cải thiện và mặt bằng lãi suất đã giảm thấp hơn giai đoạn nền kinh tế phát triển mạnh 2006 - 2007.

Trong bối cảnh nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi và hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế đang được triển khai quyết liệt thì kịch bản kinh tế năm 2014 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, làm cơ sở cho tăng trưởng kinh tế. Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ là “chìa khóa” để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua.

Động lực phát triển mới của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. NHNN sẽ tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN, ổn định thị trường, ổn định tỷ giá và giải quyết nợ xấu của nền kinh tế. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, mục tiêu “kép” của kịch bản kinh tế năm 2014 là ổn định và phát triển sẽ đạt được.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan