Dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son được Masterise Homes mua lại từ Alpha King. Ảnh: Lê Toàn

Dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son được Masterise Homes mua lại từ Alpha King. Ảnh: Lê Toàn

Khối nội tích cực trong M&A địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
Những thương vụ M&A dự án BĐS từ đầu năm 2021 đến nay, dù không quá sôi động, vẫn tạo “sóng ngầm” ở nhiều phân khúc. Đáng chú ý, đa số thương vụ thành đến từ các DN trong nước.

Khối nội gây ấn tượng

Hơn 8 tháng trôi qua với các đợt giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ, song hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản vẫn như những con “sóng ngầm” ở các phân khúc tại nhiều tỉnh, thành phố.

Một trong những cái tên được quan tâm nhất trên thị trường gần đây là Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, khi cuối tháng 8 vừa qua đã hé mở thông tin đang đàm phán để mua lại một dự án nằm liền kề sông Hàn (TP. Đà Nẵng). Hiện tại, doanh nghiệp chưa công bố thông tin chi tiết về dự án, chỉ biết rằng dự án này có quy mô tương đối lớn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, khu đất này nằm trên hai cung đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo chạy dọc sông Hàn - hai tuyến đường đắt đỏ nhất nhì trung tâm TP. Đà Nẵng. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cũng đã thông tin sẽ mở rộng thị trường phát triển ra Đà Nẵng, sau Quảng Ngãi, Bình Định...

Nhìn dài hạn, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài mới, vẫn dành sự quan tâm rất lớn đến bất động sản. Hiện nay do đi lại khó khăn, họ chưa thể thực hiện thương vụ. Khi đại dịch qua đi, làn sóng đầu tư này sẽ gia nhập thị trường.

Ông Đạt cho biết, định hướng phát triển của Phát Đạt trong những năm tới là bất động sản dân dụng ở khu vực miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào). Công ty sẽ tăng cường tạo lập quỹ đất thông qua M&A, sau đó mời các đối tác có kinh nghiệm để cùng phát triển. Nằm trong chiến lược này, Đà Nẵng là khu vực mà Phát Đạt sẽ phát triển trong thời gian tới.

Hồi tháng 6/2021, Phát Đạt cũng gây sự chú ý khi hoàn tất thương vụ M&A dự án Bình Dương Tower qua việc nhận chuyển nhượng 99,5% phần vốn góp của các cổ đông Công ty cổ phần Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương. Đây là dự án khá nổi bật ở TP. Dĩ An, với diện tích 45.510 m2, có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.600 tỷ đồng.

Ngoài Phát Đạt, Masterise Group cũng là cái tên được nhắc đến nhiều khi liên tiếp M&A hàng loạt dự án lớn ở thị trường TP.HCM. Mới nhất là thông tin Công ty cổ phần Phát triển Thành phố xanh đã chuyển nhượng xong 2 lô đất có diện tích hơn 7 ha (thuộc một phần dự án Vinhomes Grand Park tại TP. Thủ Đức) cho Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes, thuộc Masterise Group.

Ngoài 2 lô đất nói trên, một thương vụ gây chú ý lớn trên thị trường là bộ ba doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh, Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty cổ phần Osaka Garden đã phát hành tổng cộng 11.200 tỷ đồng trái phiếu nhằm mục đích để nhận chuyển nhượng một phần Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (TP. Thủ Đức).

Nhiều “ông lớn” khác cũng rất tích cực trong các cuộc đi săn bất động sản trong thời điểm đại dịch. Chẳng hạn Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương vừa chi 456,7 tỷ đồng để mua quyền sử dụng đất các lô HL-E2, HL-E6, HL-E7 có tổng diện tích 4,5 ha thuộc Dự án Khu dân cư Hòa Lợi (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) từ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC). Hay Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại Long An Idico, doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất 130 ha tại Long An. Ngoài ra, TTC Land còn hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa (Đồng Nai) với quy mô hơn 160 ha.

Khối ngoại chờ “bung lụa”

Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty Sohovietnam, làn sóng Covid-19 lần thứ tư rất phức tạp, khiến các “thợ săn” ngoại giai đoạn này đang dò tìm, tính toán, nghe ngóng nhiều hơn là quyết định xuống tiền. Dịch bệnh kéo dài đã ngăn cản các cuộc xúc tiến trực tiếp giữa người bán và người mua.

Báo cáo mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, vốn FDI thực hiện trong 8 tháng năm 2021 đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,27 tỷ USD (tương đương hơn 44%) so với cùng kỳ năm trước.

Song, các chuyên gia nhận định, đây chỉ là hiệu ứng tạm thời, thực tế vẫn có những phân khúc duy trì được sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội thông tin, trong thời gian đại dịch bùng phát, xét về số lượng giao dịch thì khối nội gây ấn tượng hơn, nhưng xét về giá trị giao dịch thì các thương vụ M&A có giá trị dẫn đầu lại nằm ở các thương vụ thực hiện bởi các nhà đầu tư quốc tế. Chẳng hạn Liên doanh SEA Logistics Partners (SLP) và GLP - đơn vị quản lý vận hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc đã mua liền một lúc 5 dự án đất công nghiệp tại Việt Nam với tổng diện tích gần 700.000 m2 và đều nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng.

Bà Lan cho rằng, tốc độ M&A trên thị trường thời gian qua chậm, ngoài nguyên nhân tác động của Covid-19, còn bởi giá bất động sản của Việt Nam vẫn neo ở mức cao, nhiều chủ bất động sản kỳ vọng dịch bệnh sớm qua và thị trường sẽ hồi phục mạnh, do đó họ tiếp tục giữ lại các bất động sản để chờ.

“Savills nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với sản phẩm khách sạn và khu nghỉ dưỡng dù đây là thị trường bị tác động lớn do dịch. Nhìn dài hạn, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài mới, chưa có hoạt động tại Việt Nam vẫn dành sự quan tâm rất lớn đến bất động sản. Hiện nay do khó khăn đi lại, họ chưa thể thực hiện thương vụ. Khi đại dịch qua đi, làn sóng đầu tư này sẽ gia nhập thị trường. Trong thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm tại các dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng, các tài sản hoàn thiện đang hoạt động”, bà Lan nhận định.

Tin bài liên quan