Nhiều doanh nghiệp sẽ khó huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ

Nhiều doanh nghiệp sẽ khó huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ

Không nên vội “đóng cửa” trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi “mở toang cánh cửa” trái phiếu doanh nghiệp mà “đóng chặt” quá nhanh sẽ gây ra nguy hiểm lớn cho hệ thống.

Hạn chế đối tượng phát hành

Những quy định mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu được thông qua sẽ có ảnh hưởng mạnh tới kênh phát hành này.

Bản dự thảo tháng 4/2022 quy định “cứng” mục tiêu phát hành trái phiếu là phát hành cho chương trình, dự án của chính doanh nghiệp phát hành; phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ vay trái phiếu của chính chương trình, dự án đó; tổ chức tín dụng phát hành được sử dụng vốn theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn.

Như vậy, so với quy định hiện hành thì doanh nghiệp sẽ không được phát hành trái phiếu để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn, vốn được nhiều doanh nghiệp áp dụng để điều khiển dòng vốn chạy lòng vòng và sử dụng sai mục đích.

Theo đó, quy định mới sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp “ma”, “chân gỗ” đứng ra huy động vốn sai mục đích. Tuy nhiên, việc hạn chế đối tượng phát hành cũng sẽ cản trở các tập đoàn, tổng công ty phát hành trái phiếu để tài trợ vốn cho hoạt động của các công ty con.

Đồng thời, dự thảo quy định chặt hơn về điều kiện để doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp nhỏ nhưng vốn vay lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu...

Bên cạnh đó, dự thảo siết chặt điều kiện mua trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân: trong thời gian tối thiểu 2 năm phải nắm giữ và duy trì danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch (không bao gồm chứng khoán từ tài khoản ký quỹ và chứng khoán mua bán có kỳ hạn) có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo Luật Chứng khoán; đối với cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (trên thị trường sơ cấp hoặc thứ cấp) do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán.

Quy định này sẽ ảnh hưởng lớn tới việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, vì thực tế cho thấy, đối tượng mua cuối cùng phần lớn là nhà đầu tư cá nhân, đa số nhà đầu tư không thể mua thêm trái phiếu nếu phải nắm giữ chứng khoán niêm yết 2 năm liên tiếp và không dùng tiền vay.

Đáng lưu ý, thời gian áp dụng của Nghị định mới và các điều khoản chuyển tiếp là một vấn đề rất lớn với các doanh nghiệp.

Đối tượng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu nên được nới rộng hơn so với dự thảo. Thực tế, đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp cuối cùng phần lớn là nhà đầu tư cá nhân.

Bởi vì, một lượng lớn trái phiếu dài hạn đã được phân nhỏ chu kỳ bán cho nhà đầu tư cá nhân và khi lượng trái phiếu ngắn hạn này đến hạn thì dòng tiền doanh nghiệp khó có thể đủ để trả lại cho nhà đầu tư do đang nằm trong trạng thái triển khai dự án (dự án thường kéo dài nhiều năm).

Quản lý thị trường nhưng không bóp nghẹt nguồn cung vốn của doanh nghiệp

Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã kịp thời giúp nhiều doanh nghiệp cân đối được dòng tiền trong giai đoạn kinh tế còn yếu vì trải qua dịch Covid-19. Bởi vì, đối tượng phát hành hay điều kiện phát hành đơn giản hơn trước và đơn giản hơn vay ngân hàng nhiều, trong khi doanh nghiệp có thể nhận được nguyên nguồn tiền lớn để chủ động hoạt động kinh doanh.

Trong thời gian tới, nếu siết chặt đối tượng mua là nhà đầu tư cá nhân và áp dụng cứng mục đích phát hành như trên thì gần như van chính sách về phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ bị khóa chặt. Doanh nghiệp sẽ chuyển qua phương án phát hành đại chúng, nhưng trong ngắn hạn, thách thức là không nhỏ.

Hơn nữa, điều khoản chuyển tiếp chưa rõ ràng, nếu áp dụng quá vội theo Nghị định mới, trong khi một lượng lớn vốn khoảng 40,7% trên 1,2 triệu tỷ đồng giá trị trái phiếu lưu hành sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2 năm tới (2022 - 2023), thì nhiều doanh nghiệp có thể mất khả năng chi trả do không kịp cân đối dòng tiền.

Tôi cho rằng, việc “mở toang cánh cửa” trái phiếu cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 vừa qua, sau đó “đóng chặt” quá nhanh sẽ gây ra nguy hiểm lớn cho hệ thống.

Vì thế, đối tượng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu nên được nới rộng hơn so với dự thảo, ví dụ nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán trị giá 1 tỷ đồng liên tục trong 3 tháng, sau đó siết từ từ bằng cách tăng dần lên 6 tháng, 9 tháng…

Về điều khoản chuyển tiếp, Nghị định nên có lộ trình cho các trái phiếu phát hành trước đây là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng để áp dụng, tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng đảo nợ để tài trợ vốn cho dự án mà trong mục đích phát hành được phép.

Tin bài liên quan