Phố cảnh dự án AB Central  Square Nha Trang nằm ở trung tâm TP. Nha Trang. Ảnh Internet

Phố cảnh dự án AB Central Square Nha Trang nằm ở trung tâm TP. Nha Trang. Ảnh Internet

Kiện cáo ở dự án AB Central Square Nha Trang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khu phức hợp A&B Sài Gòn Nha Trang đi vào vận hành, nhưng chủ đầu tư vẫn đang theo kiện đơn vị thi công ban đầu.

Tranh chấp ngay từ gói thầu đầu tiên

Dự án Khu phức hợp A&B Sài Gòn Nha Trang do CTCP A&B Sài Gòn Nha Trang, thành viên của Tập đoàn A&B làm chủ đầu tư, có quy mô diện tích 10.000 m2, bao gồm khách sạn, căn hộ dịch vụ, trung tâm mua sắm với 36 tầng. Khu phức hợp này nằm tại số 44 đường Trần Phú, đối diện quảng trường tháp Trầm Hương, vị trí trung tâm của TP. Nha Trang.

Theo đơn khởi kiện, năm 2016, A&B Sài Gòn Nha Trang đã ký hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng với Công ty AGC để thực hiện thi công tầng hầm và khối tháp của dự án nói trên.

Hai bên thống nhất sẽ ký thêm các phụ lục tương ứng với 4 gói thầu và quy định cụ thể về công việc dự kiến, giá trị. Tuy nhiên, ngay ở phụ lục hợp đồng đầu tiên, hai bên đã xảy ra tranh chấp.

Theo thỏa thuận, Phụ lục hợp đồng số 1 với nội dung thi công kết cấu móng hầm, giá trị 188 tỷ đồng. Sau đó, chủ đầu tư tạm ứng 40,7 tỷ đồng, bàn giao đất và nhà thầu bắt tay thi công.

Trong quá trình thi công, chủ đầu tư cho rằng, nhà thầu thi công không đảm bảo chất lượng. Biên bản hiện trường ngày 4/1/2017 có sự xác nhận của đại diện nhà thầu cho thấy, dù chưa có nghiệm thu cốt thép, cốp pha, chống thấm, nhưng nhà thầu vẫn tiến hành đổ móng bê tông.

Có 5 móng không chống thấm đầu cọc theo đúng bản thiết kế, trong đó có 3 móng chưa nghiệm thu cốp pha. Khi thi công đào đất, nhà thầu để xảy ra sự cố nước chảy từ các khe cốc bên ngoài vào trong công trình mà chưa đưa ra được đánh giá tác động và biện pháp xử lý triệt để.

Sau một thời gian thương lượng giải quyết không hiệu quả, chủ đầu tư đã thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu AGC, mời đơn vị tư vấn CTCP Coninco thẩm tra lại hồ sơ thiết kế xây dựng công trình, hạng mục biện pháp thi công cọc.

Ðồng thời, chủ đầu tư thuê nhà thầu Unicons tiếp tục thi công dự án, khắc phục lỗi thi công sai thiết kế và không đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, nhà thầu lại cho rằng không vi phạm chất lượng thi công như chủ đầu tư nại ra. Cũng trong biên bản hiện trường nói trên, đại diện nhà thầu AGC đã nêu biện pháp khắc phục và thực tế nhà thầu đã thực hiện khắc phục, có văn bản báo cáo và chủ đầu tư không có ý kiến phản đối chất lượng công trình mà nhà thầu đã khắc phục.

Chủ đầu tư đòi phạt nhà thầu vi phạm tiến độ

Bên cạnh việc chấm dứt hợp đồng vì vi phạm chất lượng thi công, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ thi công.

Cụ thể, sau khi chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, nhà thầu trình chủ đầu tư bảng tiến độ thi công với thời hạn thi công là 137 ngày (từ 10/10/2016 đến 3/4/2017). Tuy nhiên, thực tế nhà thầu đã chậm tiến độ 96 ngày.

Theo hợp đồng, các bên thỏa thuận, các khoản phạt và bồi thường thiệt hại do chậm trễ được tính theo tỷ lệ là 0,19% trên giá trị còn lại của từng phần bị chậm trễ cho mỗi ngày so với tiến độ và ghi trong chứng chỉ nghiệm thu, nhưng không vượt quá 12% giá trị hợp đồng từng phần vi phạm. Căn cứ thỏa thuận này, chủ đầu tư đòi nhà thầu phải bồi thường 10,7 tỷ đồng.

Phản bác quan điểm của chủ đầu tư về vấn đề chậm tiến độ, nhà thầu AGC nêu ra vấn đề giấy phép xây dựng của dự án.

Theo nhà thầu, đến ngày hai bên tự nguyện chấm dứt hợp đồng là ngày 9/1/2017, Công ty A&B vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng cho công trình.

Do đó, bảng tiến độ thi công không có hiệu lực pháp luật do vi phạm điều cấm của pháp luật: Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công (Khoản 2, Ðiều 14, Luật Xây dựng).

Ngoài ra, nhà thầu cho rằng, ngay cả khi tuân thủ bảng tiến độ thi công thì thời hạn hoàn thành là ngày 3/4/2017, thời điểm phát sinh tranh chấp là tháng 2/2017, nhà thầu còn 2 tháng nữa để thi công.

Theo hợp đồng, thời hạn thi công chậm trễ quá 42 ngày, chủ đầu tư mới có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Tòa án cho rằng, hai bên có biên bản xác nhận số ngày chậm trễ là 96 ngày. Khi khởi kiện, nguyên đơn đã điều chỉnh mức phạt vi phạm xuống còn 8% cho phù hợp với quy định của pháp luật, thay vì 12% như trong hợp đồng.

Sau khi tính toán khối giá trị nhà thầu đã thực hiện và mức phạt vi phạm, tòa án chấp nhận yêu cầu về số tiền phạt vi phạm chậm tiến độ của chủ đầu tư là 10,7 tỷ đồng.

Tòa án xác định giá trị đã thi công (36 tỷ đồng) của nhà thầu AGC, đối trừ số tiền tạm ứng (40,7 tỷ đồng) và buộc nhà thầu AGC phải trả lại cho chủ đầu tư số tiền 4,3 tỷ đồng.

Tòa án cho rằng, lỗi do nhà thầu chậm trễ thi công dẫn đến chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng, thuê đơn vị tư vấn, thuê nhà thầu khác khắc phục chất lượng thi công. Chi phí này gồm 150 triệu đồng thuê tư vấn và 5,4 tỷ đồng khắc phục thi công.

Nhà thầu AGC phải chịu số tiền này. Sau khi khấu trừ giá trị máy móc thiết bị của bị đơn tại công trình, tòa án buộc nhà thầu AGC phải trả cho chủ đầu tư tổng cộng 20,5 tỷ đồng.

Tin bài liên quan