VN sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu

VN sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu

Kiện Mỹ ra WTO: Thông điệp của Việt Nam

Đưa vụ kiện áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm xuất khẩu lên WTO đồng nghĩa với việc gửi thông điệp ra thế giới, VN thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Mỹ hay ở bất kỳ nước nào khác.

Biện pháp chủ động kiện ngược nước nguyên đơn ra WTO được đề xuất bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản VN (Vasep). Cụ thể, các tổ chức này đã đề nghị Chính phủ VN kiện Chính phủ Mỹ ra WTO về việc điều tra, rà soát thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu của VN vào thị trường này. Từ khi gia nhập WTO tháng 1/2007 đến nay, đây là lần đầu tiên VN khởi xướng vụ kiện tranh chấp thương mại giữa hai nước thành viên WTO, sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp trong WTO như một công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN nước thành viên. Và đây cũng được coi là một cuộc đối mặt để khẳng định vị thế.

 

Lợi ích kép

 

Lợi ích của việc khởi kiện các vấn đề nói trên ra WTO là rất lớn, xét từ cả góc độ của ngành sản xuất, xuất khẩu tôm, cộng đồng DN VN cũng như vị thế của Chính phủ. Hơn nữa, qua tham vấn với VASEP và luật sư tư vấn, vụ kiện thành công có thể đem lại lợi ích to lớn cho khả năng cạnh tranh của tôm đông lạnh VN trên thị trường Hoa Kỳ thông qua việc:

 

Giúp các DN tôm VN diện bị đơn tự nguyện hưởng mức thuế POR2 bằng 0% và do đó không phải đặt cọc khoản tiền chống bán phá giá lớn, và hàng triệu đô la Mỹ tiền đặt cọc cho giai đoạn trước sẽ được trả lại. Điều này giúp cho tôm VN cạnh tranh dễ dàng hơn với tôm Thái Lan và Ấn Độ (vốn đã thôi không phải ký quỹ và hưởng thuế thấp do không bị áp dụng zeroing, theo kết quả các vụ kiện của họ trong WTO).

 

Đặc biệt, giúp các DN VN có thể được thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do 3 lần rà soát liên tục có kết quả 0%.

 

Bên cạnh đó và quan trọng hơn, các vấn đề đề xuất kiện nói trên không chỉ liên quan đến vụ kiện tôm của VN mà còn là phương pháp được Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả các vụ kiện trong tương lai đối với hàng hóa VN, nếu có. Vì vậy, việc khởi kiện và thắng kiện có ý nghĩa quan trọng. Đảm bảo rằng các biện pháp bất lợi này không được áp dụng cho hàng hóa VN và do đó kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ đối với hàng hóa VN sẽ bớt khắc nghiệt hơn nhiều; mức độ thiệt hại từ các vụ kiện, do đó, sẽ giảm đáng kể.

 

Hơn thế, VN cũng gửi thông điệp ra thế giới rằng, VN sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ và ở bất kỳ nước nào khác (mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước). Đây là công cụ tốt để ngăn chặn việc lạm dụng trong các quyết định về chống bán phá giá của cơ quan có thẩm quyền (của Hoa Kỳ nói riêng và của các nước khác nói chung).

 

Vẫn cần cân nhắc thiệt hơn

 

Theo các chuyên gia, về mặt lý thuyết kiện Mỹ hay một nước thành viên nào đó ra WTO có thể là chuyện bình thường trong hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, riêng với VN do có một số đặc điểm khác biệt với các nước nên việc kiện vừa rất không đơn giản, vừa thậm chí sẽ kéo theo nhiều bất lợi, kể cả trong trường hợp có thắng kiện đi chăng nữa.

 

Khác biệt cơ bản là nước ta chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế phi thị trường, tức hoạt động không theo quy luật cung cầu của thị trường và chịu sự can thiệp nhiều từ phía nhà nước. Nhưng với VN, không chỉ phi thị trường mà nền kinh tế còn mang tính chỉ huy, tập trung, nghĩa là sự khác biệt càng lớn. Theo GS TS Nguyễn Vân Nam, việc xác định có bán phá giá hay không đối với các nước có nền kinh tế thị trường tương đối dễ, ngược lại với nền kinh tế phi thị trường như VN thì quá trình này sẽ rất khó khăn khi buộc phải tham chiếu giá bán ở một nước thay thế có nền kinh tế thị trường.

 

“Các nước có nền kinh tế thị trường đã quá quen thuộc và rành rẽ những nguyên tắc, tiêu chuẩn của WTO. Bởi vậy, họ tiếp cận, lý giải vấn đề rất dễ dàng, ngược lại chúng ta vì luôn bị chi phối bởi lăng kính truyền thống nên khả năng kiến giải đúng theo tiêu chuẩn của WTO tôi e sẽ không đơn giản. Ngay cả nếu có thuê luật sư nước ngoài đi nữa thì chuyển tải để họ hiểu đã là khó, làm cho họ hiểu sâu sắc để bảo vệ thành công lại càng khó hơn. Đó là chưa nói đến chi phí thuê cực cao” - ông Nam khẳng định.

 

Do đó, không thể cho rằng một số quốc gia có nền kinh tế thị trường như Ấn Độ, Nhật Bản, EU, Thái Lan... đã từng kiện ngược Mỹ và thắng kiện thì VN nếu bắt chước đi kiện chắc chắn rồi cũng sẽ thắng. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, quá trình “đáo tụng đình” không chỉ khó khăn, tốn kém mà còn có thể dẫn đến hiệu ứng ngược là... vạch áo cho thiên hạ xem lưng.

 

“Chưa đụng đến thì thôi nhưng hễ đụng đến thì người ta (bị đơn) sẽ cố công điều tra, cố công vạch lá tìm sâu để chứng minh rằng họ đúng và VN nhìn từ nhiều góc độ ở đâu cũng vi phạm. Kết quả điều tra ấy sẽ khuyến khích những nước chưa quan tâm hoặc chưa áp dụng biện pháp chống phá giá với VN sẽ áp dụng, làm theo Mỹ” - ông Nam bày tỏ quan ngại.

 

Xét về mặt kinh tế, theo luật sư Ngô Quang Thụy, Giám đốc Công ty NT Trade Law, một công ty chuyên tư vấn về chống bán phá giá, ngay cả khi nếu VN được quyền áp dụng biện pháp trả đũa trong trường hợp thắng kiện thì lợi ích mang lại cũng chưa hẳn thỏa đáng. Bởi phải nhìn nhận rằng, thị trường nước ta không phải là một thị trường lớn, nhập khẩu của Mỹ vào VN vẫn còn ở mức độ khiêm tốn.

 

Trong khi đó, GS TS Võ Thanh Thu, Đại học Kinh tế TP HCM, người ủng hộ biện pháp kiện ngược nước nguyên đơn ra WTO trong các vụ kiện chống bán phá giá, cho biết kim ngạch xuất khẩu của VN vào Mỹ hiện lớn gấp 8 lần so với chiều ngược lại. Chính vì vậy, phát biểu trong một cuộc hội thảo gần đây bà Thu cũng thừa nhận: “Nước nhập siêu không sợ nếu áp dụng biện pháp trả đũa”.

 

GS TS Nguyễn Vân Nam cho hay, theo thống kê của WTO số lượng các nước đang phát triển bị kiện trong khuôn khổ WTO đang có chiều hướng gia tăng (trước 1995, trong khuôn khổ GATT là 8%, hiện là 37%) nhưng ngược lại số nguyên đơn là các nước đang phát triển đi kiện thì giảm đáng kể (tỷ lệ hiện nay khoảng 2,5%). “Nguyên nhân của xu hướng giảm này là do họ không thấy ích lợi gì nhiều trong việc trở thành nguyên đơn” - ông Nam giải thích.

 

Thay lời kết

 

Trong vụ việc đầu tiên, mọi công việc từ ý tưởng khởi kiện đến quyết định tham vấn, từ lựa chọn luật sư đến chuẩn bị chứng cứ, từ tham gia các thủ tục tố tụng đến theo dõi thực thi... đối với VN đều là “lần đầu tiên”. Những cái được và chưa được trong vụ việc của những “lần đầu tiên” này là những kinh nghiệm quý báu cho VN nói chung và các DN, hiệp hội nói riêng trong việc sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp trong WTO để bảo vệ lợi ích của mình.

 

Đặc biệt, điểm đáng ghi nhận nhất trong vụ việc này là vai trò chủ động, tích cực của các Hiệp hội DN trong việc phát hiện vấn đề cũng như tham gia vào quá trình chuẩn bị cho vụ việc. Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI).

 

Xin mượn lời của Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế VCCI nói về vụ kiện tôm: “Chúng ta gửi thông điệp ra thế giới rằng, VN sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ và ở bất kỳ nước nào khác mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước” để khẳng định rằng: VN sẵn sàng hội nhập!

 

Bà Nguyễn Chi Mai - Trưởng ban Phòng vệ Thương mại - Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương: DN VN đã bị tổn hại quá nhiều

 

Với tư cách là một bên tham vấn của các DN XK trong suốt quá trình bị khởi kiện, điều tra và áp thuế, một thực tế hiển nhiên là các DN VN đã bị tổn hại quá nhiều. Qua 7 năm bị áp thuế chống bán phá giá, XK tôm của VN sang thị trường Mỹ kể từ năm 2003 vẫn chỉ dừng ở mức kim ngạch 500 triệu USD, mà lẽ ra phải hơn thế nhiều. Không những thế DN phải đầu tư tiền bạc, công sức theo đuổi vụ kiện.

 

Về bản chất, các biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá của Mỹ được nhìn nhận là một biện pháp bảo hộ của Chính phủ đối với các DN nội địa. Tuy nhiên, giải pháp này khá tốn kém nên chỉ những chính phủ am hiểu Luật WTO như Mỹ mới vận dụng để bảo hộ DN trong nước.

 

Khi VN thắng kiện, các DN XK tôm VN sẽ được hưởng mức thuế rà soát lần 2 (POR 2) bằng 0, thay cho mức thuế hiện nay từ 4,13 đến 25,75% tùy đơn hàng. Các DN VN có thể được thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do ba lần rà soát liên tục có kết quả 0%. Tuy nhiên, việc Mỹ hạn chế số lượng các công ty được điều tra riêng lẻ là không trái với quy định của WTO và việc tiếp tục sử dụng những biện pháp đang bị khiếu kiện, ám chỉ các đợt rà soát lần 4-5 và rà soát cuối kỳ, không nằm trong phạm vi thảo luận của Ban hội thẩm. Đây là một điểm không có lợi cho VN, vì như vậy sẽ khó thay đổi được kết quả rà soát lần 4-5 và đợt rà soát cuối kỳ.

 

Nguyễn Thị Thu Trang - Thành viên Hội đồng tư vấn và chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (TRC): Vừa để bảo vệ DN vừa lấy kinh nghiệm

 

Lần đầu tiên, VN khởi động hai vụ kiện, một về chống bán phá giá và một về áp dụng biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ cho hàng hóa VN ở trong và ngoài nước. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã ký văn bản gửi Chính phủ đề xuất việc khởi kiện Mỹ. Xuất khẩu của VN từ đầu năm đến nay, trong đó có thủy sản bị sụt giảm nghiêm trọng không đơn thuần vì lý do sụt giảm đơn hàng mà còn do bị áp dụng các biện pháp rào cản, đặc biệt là kiện chống bán phá giá mà nhiều nước đang áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của nước họ. Trên cơ sở phân tích thực tế, các yếu tố chính trị, pháp lý trong khuôn khổ WTO, tham vấn các luật sư nước ngoài, VCCI đề nghị Chính phủ xem xét tiến hành kiện Chính phủ Hoa Kỳ ra WTO về một số biện pháp mà Hoa Kỳ áp dụng trong việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm. Theo nguyên tắc trong WTO, việc đệ đơn kiện theo quy trình giải quyết tranh chấp của tổ chức phải do Chính phủ thực hiện chứ không phải là các DN. Trước đó, từ tháng 11-2008, một số DN xuất khẩu tôm đã thuê luật sư kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra Tòa án thương mại Hoa Kỳ về quyết định này và hiện phía Hoa Kỳ đang thụ lý đơn kiện, chưa có kết quả cuối cùng.

 

Từ khi gia nhập WTO đến nay chúng ta chưa lần nào sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp trong WTO như một công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN các nước thành viên. Đây là thời điểm thích hợp để khởi kiện vì nhiều lý do mà quan trọng nhất là khả năng thắng kiện trong vụ đầu tiên này là rất lớn, cũng như những lợi ích mang tính thời điểm đi kèm do hàng rào thuế chống bán phá giá có nguy cơ được dựng lên ở nhiều thị trường xuất khẩu.

 

Xin lưu ý là việc kiện ra WTO không phải để chứng minh tôm xuất khẩu của VN không bán phá giá mà gọi đúng là khởi kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định trong Hiệp định ADA .

 

Nếu VN thắng kiện, các DN xuất khẩu tôm VN diện bị đơn tự nguyện được hưởng mức thuế rà soát lần 2 (POR 2) bằng 0 (hiện nay tôm VN đang chịu thuế POR 2 từ 4,13-25,75% tùy đơn hàng) và do đó thoát khỏi khoản thuế chống bán phá giá lớn hàng triệu đô la Mỹ khi xuất hàng sang Hoa Kỳ.

 

Tôm VN sẽ dễ cạnh tranh hơn với tôm của Thái Lan và Ấn Độ, hiện đang được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp hơn. Nó cũng có thể giúp DN VN thoát khỏi hoàn toàn thuế chống bán phá giá. Ngoài những lợi ích trực tiếp đối với DN xuất khẩu tôm, nếu chúng ta thắng kiện thì các phương pháp tính toán bất lợi này sẽ không được sử dụng nữa ở các vụ kiện khác trong tương lai, mang lại lợi ích chung cho việc xuất khẩu các loại hàng hóa khác của VN vào Hoa Kỳ.

 

Ngoài ra, dù thắng hay không, việc kiện này cũng thể hiện một thông điệp rằng Chính phủ VN sẵn sàng hành động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ.