Với Luật KDBH 2010, người lao động có thể đóng bảo hiểm hưu trí tại các DNBH khác nhau - Ảnh: Hoài Nam

Với Luật KDBH 2010, người lao động có thể đóng bảo hiểm hưu trí tại các DNBH khác nhau - Ảnh: Hoài Nam

Kinh doanh bảo hiểm, nhiều điểm mới từ ngày 1/7

(ĐTCK-online) Kể từ khi Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH) được ban hành vào năm 2000 đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã phát triển một cách nhanh chóng.

Từ chỗ Nhà nước độc quyền về bảo hiểm với 1 DNNN thì tới nay đã có 29 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 12 DN bảo hiểm nhân thọ, 12 công ty môi giới bảo hiểm và 1 tổng công ty tái bảo hiểm. Hệ thống đại lý bảo hiểm có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ thành thị tới nông thôn, với trên 500.000 người hoạt động chuyên nghiệp. Doanh thu phí bảo hiểm năm 2010 tăng gần 5 lần năm 2000.

Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được các DN bảo hiểm đầu tư trở lại cho nền kinh tế. Mỗi năm, số người, tài sản và trách nhiệm được bảo hiểm tính bằng tiền gấp vài lần GDP và cũng mỗi năm, hàng ngàn tỷ đồng đã được các DN bảo hiểm bồi thường cho các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm không may bị thiên tai và tai nạn bất ngờ gây thiệt hại. Hoạt động bảo hiểm đã có những đóng góp không nhỏ cho xã hội và nền kinh tế.

Tuy vậy, với sự biến chuyển của nền kinh tế thế giới, sự thay đổi của các quan hệ kinh tế - xã hội trong nước cũng như quốc tế, Luật KDBH 2000 đã có một số điểm cần phải được sửa đổi cho phù hợp. Chính vì vậy, ngày 24/11/2010, Quốc hội đã ban hành Luật KDBH sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.

Một điểm mới là Luật KDBH 2010 quy định về bảo hiểm hưu trí mà các DN bảo hiểm nhân thọ được phép triển khai. Trước đây, bảo hiểm hưu trí chủ yếu dành cho cán bộ, công chức nhà nước, các đối tượng làm công ăn lương có đóng bảo hiểm xã hội, hình thức triển khai cũng như quyền lợi thống nhất. Với việc Nhà nước cho phép các DN bảo hiểm nhân thọ tổ chức triển khai bảo hiểm hưu trí thì công dân Việt Nam, bất kể là công chức, viên chức hay người làm công ăn lương tại các loại hình DN khác nhau và nông dân, nếu có điều kiện về tài chính thì đều có thể mua bảo hiểm hưu trí ở bất cứ mức nào và mua ở nhiều đơn vị khác nhau để được hưởng nhiều quyền lợi khi không còn tuổi lao động. Như vậy, người lao động ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, nơi cư trú đều có thể tự đảm bảo cho mình khi về già. Nếu triển khai tốt loại hình bảo hiểm này, nền kinh tế không chỉ có thêm một kênh huy động vốn, mà người lao động còn có thể an tâm với các chính sách an sinh xã hội.

Trong lĩnh vực bảo hiểm con người, Luật KDBH 2010 làm rõ hơn quy định về bảo hiểm sức khỏe, cho phép DN bảo hiểm được bảo hiểm tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân có nhu cầu.

Trước đây, Luật KDBH 2000 chỉ cho phép tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua bảo hiểm phải mua bảo hiểm tại các DN bảo hiểm có đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Nhưng với việc Việt Nam đã gia nhập WTO và ký hiệp định thương mại với Mỹ, cộng với những thay đổi về thương mại trên thế giới, Luật KDBH 2010 cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được lựa chọn mua bảo hiểm tại các DN bảo hiểm Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới. Điều này đồng nghĩa với việc các DN bảo hiểm nước ngoài - những nước ký hiệp định thương mại với Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam mà không cần có sự hiện diện thương mại.

Luật KDBH 2010 đã có những quy định mới, chặt chẽ trong hoạt động tái bảo hiểm nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm gốc trong mọi trường hợp tổn thất xảy ra. Các công ty bảo hiểm trong nước chỉ được phép tái bảo hiểm cho các tổ chức, công ty nhận tái bảo hiểm nước ngoài đạt chỉ số tín nhiệm theo xếp hạng của công ty đánh giá tín nhiệm quốc tế.

Thực tiễn thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các DN bảo hiểm, hình thức giành giật thị phần, dịch vụ bằng cách hạ phí, tăng hoa hồng diễn ra phổ biến, dẫn tới tình trạng không ít DN thua lỗ trong kinh doanh. Để chấm dứt tình trạng này, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, Luật KDBH sửa đổi quy định, DN bảo hiểm được cạnh tranh về điều kiện, phạm vị, mức phí, chất lượng dịch vụ, năng lực bảo hiểm và năng lực tài chính. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này phải phù hợp với quy định pháp luật về cạnh tranh và bảo đảm an toàn tài chính DN, mức phí bảo hiểm phải phù hợp với điều kiện, phạm vi, mức trách nhiệm bảo hiểm.

Liên quan đến cạnh tranh, Luật KDBH mới nghiêm cấm việc cấu kết giữa các DN bảo hiểm hoặc giữa DN bảo hiểm với bên mua bảo hiểm nhằm phân chia thị trường bảo hiểm, khép kín thị trường bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu ép buộc, ngăn can tổ chức cá nhân tham gia bảo hiểm và can thiệp trái pháp luật vào việc lựa chọn DN bảo hiểm.

Việc ngày càng có nhiều DN bảo hiểm hiểm được cấp phép hoạt động cũng tạo ra sức ép lớn về nhân lực, nên hiện tượng lôi kéo cán bộ, nhân viên, đại lý trở thành phổ biến. Chính vì vậy, Luật KDBH 2010 cấm lôi kéo, mua chuộc, đe đọa nhân viên hoặc khách hàng của DN bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm khác.