Việt Nam là một quốc gia nhập khẩu lớn để sản xuất hàng xuất khẩu

Việt Nam là một quốc gia nhập khẩu lớn để sản xuất hàng xuất khẩu

Kinh doanh trong một thị trường không cũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế thế giới và Việt Nam đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của dịch Covid-19, nhưng bối cảnh kinh doanh không quay trở lại như trước đại dịch mà có nhiều biến động, bao gồm cả những thách thức rất lớn.

Cân nhắc sớm tăng lãi suất điều hành

Trong hơn một năm qua, đồng đô la Mỹ đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác khi chỉ số đô la Mỹ đã lên tới 101,8, gần bằng mức kỷ lục 103 trước đây. Điều này có nghĩa rằng, đồng Việt Nam cũng tăng giá so với nhiều đồng tiền khác do được neo vào đồng đô la Mỹ. Tác động trông thấy của câu chuyện này là giảm cạnh tranh của hàng Việt Nam khi xuất khẩu tới các nước ngoài Mỹ, nhưng ngược lại làm cho nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường này rẻ hơn. Cụ thể, việc nhiên liệu nhập khẩu, nguyên vật liệu bán thành phẩm, thiết bị… từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc giá rẻ tương đối so với mức lạm phát của thế giới.

Do Việt Nam là một quốc gia nhập khẩu lớn để sản xuất xuất khẩu, việc đồng Việt Nam tăng giá thời gian qua đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo giảm bớt áp lực về chi phí do lạm phát hoặc do đứt gãy chuỗi cung ứng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

Thời gian gần đây, Mỹ bắt đầu tăng lãi suất với nhịp tăng trung bình là 0,5 điểm phần trăm trong lần điều chỉnh gần nhất. Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng phát đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục nâng giá đồng USD thêm nữa trong thời gian tới, điều này rất có thể khiến cho chỉ số đô la Mỹ sẽ đạt kỷ lục cũ.

Tác động của việc này sẽ rất phức tạp, các nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam cần phải cân nhắc ở các khía cạnh sau:

Một là, đánh giá mức độ tác động của việc neo tỷ giá vào đồng USD đến cán cân thương mại, cán cân vãng lai trong ngắn hạn và trung hạn để có kế hoạch điều hành chủ động và linh hoạt.

Hai là, đánh giá tác động của việc neo tỷ giá vào đồng USD tới đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút khách du lịch quốc tế để có những điều chỉnh có lợi cho việc mở cửa và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên xem xét có một đợt điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng với mức khoảng 0,5% trong thời gian tới. Một mặt để kiểm soát lạm phát, mặt khác là để ổn định tỷ giá hối đoái, hạn chế những tác động xấu từ biến động tỷ giá quốc tế vào Việt Nam.

Diễn biến thị trường tài chính thế giới trước mắt và một vài năm tiếp theo sẽ chịu tác động đa chiều của lạm phát quốc tế, lạm phát thị trường hối đoái quốc tế, xung đột của Nga - Ukraine…, nên vai trò của ổn định tỷ giá hối đoái dài hạn có ý nghĩa lớn giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, sự ổn định này càng có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường vốn nội địa đang có những trục trặc nhất định, tâm lý lo ngại lạm phát đang gia tăng trong cộng đồng.

Việc tăng nhẹ lãi suất có thể đi ngược với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn nhưng lại phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay và là mục tiêu để duy trì lạm phát ở mức hợp lý nhằm ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn và trung hạn. Do đó, phục hồi tăng trưởng bền vững hơn, hạn chế được những rủi ro tài chính có thể có từ thị trường thế giới và Việt Nam.

Doanh nghiệp cần những dữ liệu mới về thị trường

Trong 2 năm vừa qua, chính sách tỷ giá của Việt Nam có những thay đổi rất khích lệ, mang lại kết quả trên thực tế.

Thứ nhất, mặc dù chỉ số giá sản xuất tăng khá cao 8-10% nhưng tỷ giá được duy trì ở mức ổn định dẫn đến chỉ số lạm phát vẫn ở mức khá thấp. Hay nói cách khác, tỷ giá ổn định hạn chế được tác động của lạm phát trên thị trường quốc tế vào Việt Nam, hỗ trợ đắc lực phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Thứ hai, tạo ra lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà cho vay quốc tế về một nền tảng tài chính vĩ mô ổn định của Việt Nam.

Thứ ba, góp phần cân bằng cán cân thương mại và đồng thời cân bằng cán cân ngân sách.

Thứ tư, tránh được tác động xấu của cái gọi là “thao túng tiền tệ” do Mỹ áp đặt và điều này có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng như tránh được những rủi ro trong quan hệ tài chính tiền tệ quốc tế của Việt Nam đối với các nước.

Cách thức điều hành tỷ giá hiện tại cũng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Giúp cho quan hệ cung - cầu về ngoại tệ trên thị trường ngoại hối không bị những căng thẳng ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh, mua bán kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước tránh tình trạng can thiệp vào ngoại hối hàng ngày mà chỉ can thiệp khi cần thiết và ít phải sử dụng đến dự trữ ngoại hối. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng không bị lệ thuộc vào những công thức điều hành tỷ giá hối đoái cứng nhắc trước đây mà điều chỉnh linh hoạt, tuỳ thuộc vào hành vi của thị trường. Điều này cũng phù hợp với cách thức điều hành lạm phát theo mục tiêu phù hợp với hành vi của thị trường.

Toàn bộ kế hoạch kinh doanh năm 2022-2023 cần được điều chỉnh theo hướng lãi suất có thể tăng, các chính sách hỗ trợ, phục hồi có thể giảm dần hiệu lực, tỷ giá hối đoái có thể thay đổi nhẹ, lạm phát trong nước và quốc tế cũng có thể thay đổi.

Những sự thay đổi trong chính sách điều hành tỷ giá đòi hỏi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cần phải điều chỉnh chính sách kinh doanh một cách phù hợp. Cụ thể, doanh nghiệp nên nghiên cứu mức độ tăng giá của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền khác để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp. Tốt nhất, nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc sử dụng chỉ đồng USD.

Một số thị trường trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang có những vấn đề do lạm phát, ảnh hưởng của xung đột Nga -Ukraine, dịch bệnh tại Trung Quốc. Tình trạng này có thể kéo dài, vì vậy các doanh nghiệp nên có chiến lược thương mại trung hạn dựa trên những dữ liệu mới về thị trường, không nên ỉ lại quá nhiều vào các chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại hiện tại.

Theo đó, toàn bộ kế hoạch kinh doanh năm 2022-2023 cần được điều chỉnh theo hướng lãi suất có thể tăng, các chính sách hỗ trợ, phục hồi có thể giảm dần hiệu lực (chính sách giãn hoãn nợ, thuế… ), tỷ giá hối đoái có thể thay đổi nhẹ, lạm phát trong nước và quốc tế cũng có thể thay đổi. Một số thị trường tài sản có thể biến động và rủi ro tài chính toàn cầu có thể gia tăng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên cũng nên lựa chọn cho mình các ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, có khả năng cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi bằng các hợp đồng Swap, mua bán kỳ hạn đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hoá một cách khoa học, dài hạn. Những biện pháp này sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như là các khách hàng quốc tế của mình để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào (ví dụ đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ…) phái sinh.

Trong 2 năm vừa qua, chính sách tỷ giá của Việt Nam có những thay đổi rất khích lệ

Trong 2 năm vừa qua, chính sách tỷ giá của Việt Nam có những thay đổi rất khích lệ

Xây dựng lòng tin trên thị trường tài chính

Trong những năm qua, bằng những nỗ lực rất đáng trân trọng của Chính phủ, các cơ quan chức năng trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, Việt Nam đã tạo được một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định với triển vọng tích cực, lâu dài. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, vì vậy, Chính phủ cần có kế hoạch duy trì sự ổn định này. Đặc biệt tránh những tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư và của người tiêu dùng trên thị trường tài sản cũng như trên thị trường hàng hoá.

Trong thời gian gần đây, một số những vụ án hình sự có liên quan đến thị trường tài chính, bất động sản là điều rất đáng tiếc. Cụ thể như hành vi thao túng thị trường chứng khoán lẽ ra phải được xử phạt rất nặng về mặt tài chính trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại của nhà đầu tư, và tiến hành xử phạt bằng mức đó hoặc cao hơn nhưng tránh hết sức việc hình sự.

Ví dụ, đánh giá hành vi thao túng gây tổn hại cho nhà đầu tư và thị trường 1.000 tỷ đồng thì có thể xử phạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng hoặc cao hơn nhưng không hình sự hoá. Đây là thông lệ quốc tế đối với các vi phạm dân sự kinh tế. Chế tài hiện nay mức xử phạt trong chứng khoán cao nhất chỉ là trên 1 tỷ đồng là hết sức phi lý đối với một thị trường tài chính có quy mô lên tới 1,5 lần GDP. Mức xử phạt như vậy không đủ sức răn đe các nhà đầu tư lớn vì vậy buộc phải dùng biện pháp hình sự dẫn đến tác động tâm lý xấu, rất nặng nề đến nhà đầu tư trong nước kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Một vấn đề then chốt khác hiện nay là trái phiếu doanh nghiệp. Hiện tại theo dữ liệu tổng hợp, tổng tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 50% tổng đầu tư toàn xã hội (đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong đó, tín dụng trung, dài hạn chỉ chiếm chưa tới 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp (trung, dài hạn) đã chiếm tới 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xét về mặt khối lượng đã cao hơn vốn đầu tư trung dài hạn của ngân hàng vì vậy, cần phải có một thái độ đúng mực và ưu tiên đối với thị trường này, coi đó là nguồn vốn trung dài hạn lâu dài và hiệu quả nhất của doanh nghiệp.

Ví dụ tín dụng trung dài hạn thì nguồn tài trợ một phần lớn trong đó là tiền gửi ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng giảm xuống 30% từ 40% và nguồn vốn này sẽ còn suy giảm. Hơn nữa, các doanh nghiệp khi vay tín dụng trung dài hạn không được chủ động, không có khả năng đảo nợ một cách linh hoạt mà nếu đến hạn chưa thanh toán thì sẽ thành nợ xấu, cắt đứt dòng chảy vốn trung dài hạn của doanh nghiệp và làm đình đốn sản xuất tại đây.

Trái lại, trái phiếu linh hoạt hơn, các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu mới để “đảo nợ” trái phiếu cũ một cách hợp pháp vì lý do trái phiếu của Việt Nam kỳ hạn quá ngắn 3 năm trong khi các dự án sản xuất - kinh doanh có thể 5-10 năm và lâu hơn. Như vậy, khi trái phiếu cũ đáo hạn, doanh nghiệp có thể duy trì được dòng tiền và vẫn tiếp tục được dự án, tiếp tục được dòng chảy của sản xuất kinh doanh.

Đây là lợi thế lớn nhất của trái phiếu so với tín dụng trung dài hạn của ngân hàng kể cả việc trái phiếu không được kiểm soát mục đích sử dụng. Việc có ý định kiểm soát mục đích sử dụng trái phiếu là điều không tưởng, vì trái phiếu vừa huy động được vốn về không thể giải ngân ngay lập tức 100% cho dự án bởi dự án kéo dài nhiều năm. Theo đó, doanh nghiệp dùng tiền từ việc phát hành trái phiếu đầu tư sinh lời vào những danh mục khác nhằm hoàn lại vốn vào lãi suất của trái phiếu.

Vì vậy, phải có một chính sách, tầm nhìn dài hạn với thị trường trái phiếu, trong đó, yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất là việc xếp hạng doanh nghiệp. Đây là nền tảng để phát triển thị trường quan trọng này. Nếu Việt Nam chưa có các doanh nghiệp xếp hạng đủ mạnh thì có thể liên doanh với các doanh nghiệp uy tín trên thế giới hoặc hợp tác kinh doanh tránh tình trạng chúng ta xem nhẹ yếu tố nền tảng của thị trường rồi quay trở lại các biện pháp hành chính để kiểm soát thị trường trái phiếu.

Những hành xử không đúng mực trên thị trường này có thể dẫn đến những bất ổn lớn của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và thông qua đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng tài chính của các NHTM và dẫn đến rủi ro hệ thống (vì phần lớn bất động sản là tài sản đảm bảo của các NHTM).

Những tác động tâm lý của thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến hành vi của nhà đầu tư như mua vàng, ngoại tệ tích trữ hay nhà đầu tư nước ngoài mua ngoại tệ để chuyển vốn về nước… đều có tác động đến tỷ giá hối đoái và cân bằng kinh tế vĩ mô dài hạn. Chính vì vậy, Chính phủ cần có một chiến lược điều hành kinh tế vĩ mô gắn với thị trường tài chính tiền tệ một cách hữu cơ nhằm làm bệ đỡ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tin bài liên quan