Basel vừa lùi thời hạn áp dụng quy định về thanh khoản ngân hàng thêm 4 năm, đến 2019.

Basel vừa lùi thời hạn áp dụng quy định về thanh khoản ngân hàng thêm 4 năm, đến 2019.

Kinh tế khó khăn, Basel nới tay siết

(ĐTCK) Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những người soạn thảo các quy định về ngân hàng đã phải nghe không ít lời phàn nàn rằng, các quy định mới là quá chặt và có thể gây hại cho khả năng sinh lợi của ngân hàng.

Đó cũng là lý do giải thích cho một sự việc bất thường là Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng lần đầu tiên tuyên bố sẽ nới lỏng các yêu cầu về thanh khoản trên toàn cầu và tạm lùi việc thực thi đầy đủ cho tới năm 2019.

Tuy nhiên, những người soạn ra các quy chuẩn cho hoạt động ngân hàng đã không đáp ứng nhu cầu của các ông chủ ngân hàng một cách bừa bãi. Những thay đổi được tạo ra chỉ tập trung vào việc đảm bảo rằng, việc buộc các ngân hàng dự trữ các chứng khoán có khả năng thanh khoản cao không hạn chế hoạt động cho vay ra nền kinh tế thực.

Các ngân hàng được lợi lớn từ những thay đổi này khi vừa tăng khả năng thanh khoản mà vẫn thực hiện được các khoản cho vay thương mại màu mỡ thông qua cách tính mới đối với các luồng tín dụng và tiền gửi của doanh nghiệp.

Cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu, đặc biệt là các ngân hàng Pháp và Đức, đã tăng giá đột ngột từ 2 đến 5% sau sự kiện này. Đây là những ngân hàng được kỳ vọng sẽ chỉ phải đáp ứng các quy định về thắt chặt hoạt động sau năm 2015, thời hạn được đưa ra ban đầu.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế làm việc cho ING, gọi đó là một “cú hồi tạm thời” phản ứng với những quy định được nới lỏng bởi những người đã thấu hiểu khó khăn của các ngân hàng. “Những người soạn thảo không muốn thách đố sự phục hồi kinh tế bằng cách chất thêm gánh nặng lên các ngân hàng”, Brzeski nói.

Cổ phiếu của các ngân hàng bán buôn Anh Quốc và Thụy Sỹ cũng đã tăng giá. Dường như nhà đầu tư đang hy vọng rằng, các nhà chức trách địa phương sẽ nới lỏng các yêu cầu thanh khoản hiện tại để cập nhật với những thay đổi từ Basel . Tại Anh, cơ quan quản lý vừa hứa sẽ vận dụng ngay lập tức những quy chuẩn toàn cầu mới.

Tất cả ngân hàng lớn được dự đoán sẽ tăng khả năng sinh lời nhờ những thay đổi về quy chuẩn thanh khoản, nhưng điều này sẽ có tác động ít hơn ở những ngân hàng châu Á và Tây Bắc Âu hay các ngân hàng thuần về đầu tư ở Mỹ. Đây là những ngân hàng mà nhìn chung vẫn đang trong quá trình đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn.

Thông báo Basel đã phản ánh một cảm nhận ngày càng rõ trong giới lập quy rằng, trước đây, các nhà hoạt động ngân hàng đã không quá cường điệu và rằng, việc siết chặt quá nhanh đúng là có thể làm hỏng các cơ hội tăng trưởng kinh tế thật.

Theo các nhà phân tích, các quy định ban đầu về thanh khoản luôn có thể thay đổi hơn là các quy định về vốn đã được thông qua 2 năm trước. Bộ quy chuẩn Basel đã bao gồm các yêu cầu về vốn trong vòng hai thập kỷ, nhưng quy định “tỷ lệ đáp ứng thanh khoản” – yêu cầu các ngân hàng phải dự trữ một lượng tài sản có tính lỏng cao, đủ để đối phó với một đợt rút tiền kéo dài trong 30 ngày - là một thử nghiệm mới, mà con số đưa ra dựa trên các nhu cầu ước đoán hơn là các trải nghiệm đáng tin cậy.

Bức tranh kinh tế ảm đạm của châu Âu và cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro đã góp thêm trọng lượng cho quan điểm của các nhà hoạt động ngân hàng, khi các đại diện của cả Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu cùng viện dẫn nó trong các cuộc trao đổi chuyên môn.

Ngay cả ở Anh, nước được xem là có sự ủng hộ nhất nhất đối với yêu cầu về thanh khoản, cũng đã bắt đầu thay đổi cách nghĩ. Cuối tháng 9 năm ngoái, nhà chức trách Anh đã tuyên bố sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới nới lỏng các quy định về thanh quản. Ngài Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, cũng là người đứng đầu cơ quan giám sát của Basel , đã nói công khai về nhu cầu phải đảm bảo cho các quy định đó không cản trở sự phục hồi kinh tế.

Cuối cùng thì Ủy ban Basel cũng cho các ngân hàng yếu thêm 4 năm để đáp ứng yêu cầu về thanh khoản để họ cảm thấy ít bị áp lực hơn trước các quyết định cho vay. Basel cũng mở rộng khái niệm thanh khoản để cho phép các ngân hàng có thể sử dụng một số tài sản có lợi suất cao và cũng đã thay đổi cách tính tỷ lệ thanh khoản yêu cầu.

Cả Hiệp hội các nhà hoạt động ngân hàng Anh và Hiệp hội các thị trường tài chính toàn cầu đều ca ngợi quyết định của Ủy ban Basel sẽ cho phép các ngân hàng được sử dụng một số cổ phiếu và các chứng khoán có thế chấp để đưa vào lớp đệm thanh khoản của họ. Các nhà phân tích cho rằng, việc này có thể giúp kích thích nhu cầu ở các thị trường, đặc biệt là châu Âu.

Duy Hiệp hội các ngân hàng Đức phàn nàn rằng, những thay đổi như vậy là không đủ, bởi các ngân hàng sẽ vẫn phải sử dụng trái phiếu công và dự trữ của ngân hàng trung ương trong ít nhất là 60% đệm thanh khoản của mình.