Kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều sóng gió trong giai đoạn cuối năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào quý cuối cùng của năm 2021 với vô số những yếu tố đe dọa làm chậm sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều sóng gió trong giai đoạn cuối năm 2021

Biến thể delta tiếp tục lây lan tới các trường học và văn phòng làm việc. Các nhà lập pháp Mỹ đang tranh cãi về mức trần nợ và kế hoạch chi tiêu. Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng và đang đưa ra các quy định để kiểm soát một số lĩnh vực, trong khi thị trường tài chính vẫn lo ngại về rủi ro vỡ nợ tiềm tàng của Evergrande.

Chi phí nhiên liệu và thực phẩm đang tăng cao trên toàn thế giới, kết hợp với tình trạng tắc nghẽn tại các cảng và chuỗi cung ứng căng thẳng làm tăng áp lực giá. Tình trạng thiếu lao động tiếp tục xảy ra với một số doanh nghiệp.

Bối cảnh vĩ mô hiện tại đang làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế yếu hơn và lạm phát tăng nhanh, đe dọa làm phức tạp thêm những nỗ lực mới của các ngân hàng trung ương để thu hồi lại các gói kích thích mà không gây xáo trộn thị trường tài chính.

Frederic Neumann, đồng Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings cho biết: “Kỳ vọng về một lối thoát nhanh chóng khỏi đại dịch luôn bị đặt sai chỗ. Sự phục hồi hoàn toàn sẽ được tính bằng năm chứ không phải quý”.

Các nhà kinh tế học tại Ngân hàng Barclays Bank Plc cũng cảnh báo về “những cơn gió ngược mà cuối cùng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế”.

Các rủi ro chính

Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc

Khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đã buộc các nhà sản xuất phải hạn chế sản xuất và khiến các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Bloomberg Economics cho rằng, tình trạng thiếu điện sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến việc kinh tế tiếp tục hồi phục kể từ khi phong tỏa toàn quốc khi đại dịch bùng phát lần đầu.

Các khu vực bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng năng lượng đại diện cho khoảng 2/3 nền kinh tế, trong đó có 5 tỉnh đóng góp hàng đầu vào GDP của Trung Quốc là Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang và Hà Nam. Theo đó, hoạt động của nhà máy đã thu hẹp lần đầu tiên vào tháng 9 kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp trong tháng 9

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp trong tháng 9

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn đối mặt với cuộc khủng hoảng từ Evergrande và sự suy thoái lớn hơn trong lĩnh vực nhà ở. Ngoài ra, việc Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát đối với các ngành công nghiệp, bao gồm cả công nghệ cũng đang khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao

Các vấn đề của Trung Quốc cũng có nguy cơ gây ra sự gia tăng mới trong giá lương thực và nông nghiệp thế giới. Trong năm qua, Bắc Kinh đã nhập khẩu một lượng nông sản kỷ lục do sự thiếu hụt trong nước, khiến giá cả và chi phí lương thực toàn cầu lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Liên Hợp quốc đã tăng 33% trong vòng 12 tháng qua. Đồng thời, một số chỉ số giá về khí đốt, than, carbon và điện cũng đang đạt kỷ lục.

Giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong 3 năm và khí đốt tự nhiên tăng cao nhất trong 7 năm đã đẩy Chỉ số giao ngay hàng hóa Bloomberg lên mức cao nhất trong 1 năm. Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành của TotalEnergies SE cho biết, cuộc khủng hoảng khí đốt đang ảnh hưởng đến châu Âu có thể sẽ kéo dài cả mùa Đông.

Tình hình này thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn. Các nhà phân tích của Bank of America nhận định rằng, có khả năng giá dầu đạt 100 USD/thùng và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu mỏ đã tăng vọt trong năm nay
Giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu mỏ đã tăng vọt trong năm nay

Nguồn cung thắt chặt

Tình trạng tắc nghẽn đang gia tăng tại các cửa khẩu quan trọng đối với thương mại quốc tế, từ các cảng ở Thượng Hải và Los Angeles, đến các bãi đường sắt ở Chicago và các nhà kho ở Anh.

Các nhà bán lẻ bao gồm Costco đang đặt hàng mọi thứ có thể để đảm bảo các kệ hàng luôn có hàng, đặc biệt là để tăng cường mua sắm vào dịp lễ vào cuối năm.

Trong khi đó, các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng các bộ phận quan trọng như chất bán dẫn, hóa chất và thủy tinh.

DP World, một trong những nhà khai thác cảng toàn cầu lớn nhất kỳ vọng, những tắc nghẽn đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục ít nhất trong hai năm nữa.

Các vấn đề về chính sách

Chính sách kinh tế của Mỹ là đầu tàu cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong khi Tổng thống Joe Biden đã ngăn chặn việc đóng cửa của chính phủ liên bang thông qua dự luật tài trợ tạm thời, các cuộc đàm phán rạn nứt vẫn tiếp tục về chương trình nghị sự kinh tế trị giá 4.000 tỷ USD với sự chia rẽ sâu sắc giữa các đảng viên Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn là vấn đề đáng chú ý.

Thỏa hiệp về việc đóng cửa được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng, bộ này sẽ cạn kiệt tiền mặt vào khoảng ngày 18/10 trừ khi Quốc hội đình chỉ hoặc tăng mức trần nợ, còn không, sẽ gây ra suy thoái và khủng hoảng tài chính. Trên toàn cầu, hỗ trợ chính sách tài khóa sẽ chậm lại vào năm 2022 sau khi các chính phủ gánh khoản nợ lớn nhất kể từ những năm 1970.

Chính sách tiền tệ

Tổng thống Biden và Bộ trưởng Tài chính Yellen cũng phải quyết định xem có giao nhiệm kỳ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thứ hai cho ông Jerome Powell hay không và đây là một quyết định cũng có thể làm chao đảo thị trường.

Hiện tại, ông Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đang bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng lạm phát sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang đặt câu hỏi về điểm nào thì tính nhất thời trở nên dai dẳng hơn.

Điều này sẽ khiến kế hoạch giảm dần chương trình mua trái phiếu hoặc tăng lãi suất trở thành một đề xuất rủi ro. Nhiều ngân hàng trung ương Mỹ Latinh và một số ngân hàng ở Đông Âu đã tăng lãi suất, Na Uy vừa trở thành quốc gia phát triển đầu tiên tăng lãi suất và Fed đang báo hiệu rằng họ sẽ rút lại dần chương trình mua trái phiếu ngay từ tháng 11/2021.

Chiến lược gia Jim Reid của Deutsche Bank AG cho rằng, nền kinh tế thế giới có thể đang đối mặt với thời kỳ diều hâu nhất đối với chính sách tiền tệ trong một thập kỷ.

Tin bài liên quan