Công nhân trong một nhà máy ôtô ở Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Công nhân trong một nhà máy ôtô ở Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục yếu đi

Lần đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc co lại trong hơn 2 năm qua, cho thấy nhu cầu đang giảm và áp lực lên nền kinh tế ngày càng tăng.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Trung Quốc tháng 12 chỉ còn 49,4, theo số liệu vừa được Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất co lại.

Đây là lần đầu tiên PMI của Trung Quốc dưới 50 kể từ tháng 7/2016 và cũng là thấp nhất gần 3 năm qua. Nó cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục mất đà, làm tăng rủi ro cho cả nước này và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Giới quan sát lo ngại các ảnh hưởng lên đầu tư và thương mại sẽ rõ ràng hơn trong năm tới.

Số đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp do nhu cầu bên ngoài yếu đi. Chỉ số phụ đo tiêu chí này chỉ còn 46,6 trong tháng 12, thấp hơn so với 47 tháng trước.

Sản xuất rất quan trọng với việc làm và sức khỏe tổng thể nền kinh tế. Vì vậy, PMI liên tục yếu đi có thể khiến Trung Quốc phải công bố thêm biện pháp thúc đẩy nhu cầu nội địa, sau hàng loạt chính sách hỗ trợ năm nay.

Dù vậy, PMI ngành dịch vụ lại tăng lên 53,8 từ 53,4 tháng 11. Dịch vụ đóng góp nửa GDP Trung Quốc.

Thu nhập tăng giúp người dân nước này có khả năng chi tiêu nhiều hơn. Tuy vậy, nhu cầu và niềm tin tiêu dùng gần đây đi xuống là dấu hiệu cho thấy sức ép lên nền kinh tế ngày một tăng.

Tin bài liên quan