Kỳ vọng cuộc đổ bộ của dòng vốn Mỹ vào thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Tôi thấy sự hăm hở, háo hức của các nhà đầu tư lớn”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc chia sẻ cảm nhận sau khi tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hoa Kỳ.

Những kỳ vọng

Ngay trong tuần trước, thông tin được giới đầu tư tích cực đón nhận là S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ; vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bất chấp gián đoạn do đại dịch là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng cho Việt Nam.

Triển vọng "Ổn định" thể hiện dự báo của S&P rằng trong vòng 12 - 24 tháng tiếp theo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.

Ông Đặng Thành Tâm và bà Trần Thị Khánh Hiền chia sẻ góc nhìn tích cực về triển vọng của dòng vốn Mỹ vào TTCK Việt Nam tại Talkshow “Chọn danh mục” kỳ 5, do Báo Đầu tư tổ chức.

Ông Đặng Thành Tâm và bà Trần Thị Khánh Hiền chia sẻ góc nhìn tích cực về triển vọng của dòng vốn Mỹ vào TTCK Việt Nam tại Talkshow “Chọn danh mục” kỳ 5, do Báo Đầu tư tổ chức.

Kinh tế ổn định và những quyết tâm, cam kết của Chính phủ Việt Nam được đánh giá là hai yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mạnh dạn giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn. Trong đó, quyết tâm nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi được nhìn nhận đồng nghĩa với quyết tâm nâng cao chất lượng thị trường, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và nhà đầu tư, thu hút thêm vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Ông Đặng Thành Tâm đã ghi nhận phản ứng tích cực từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ: “Họ nói với chúng tôi rằng chỉ trong vòng 3 năm nữa thì đầu tư Mỹ vào Việt Nam sẽ cao hơn con số 10 tỷ USD từ xưa đến nay. Dòng vốn từ Hoa Kỳ sắp tới sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Hệ số tín nhiệm của Việt Nam cũng rất lớn và có cam kết của Chính phủ”.

Ông Tâm cũng tiết lộ, rất nhiều quỹ đầu tư lớn của Mỹ đã xin gặp Thủ tướng để tham vấn về chính sách hiện tại và thể hiện sự quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự quan tâm này cũng được thể hiện qua những con số hợp tác được ông Tâm chia sẻ, Tập đoàn Kinh Bắc đã ký kết thỏa thuận đầu tư 8 tỷ USD, gần bằng nửa tổng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam hiện nay.

Họ cam kết đầu tư trong 2 năm và KBC sẽ phải xin giấy phép cấp phép đầu tư một số lĩnh vực như khu công nghiệp, lĩnh vực công nghệ cao khoảng 2,2 tỷ USD, còn bất động sản và lĩnh vực khác hơn 5 tỷ USD.

“Trong 3 năm tới đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tạo bước đột biến rất lớn. Đối với thị trường Việt Nam thì vài tỷ USD là rất lớn, nhưng với các quỹ đầu tư của Mỹ thì “chưa thấm tháp gì vì quy mô của họ là hàng nghìn tỷ USD”, ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, nếu trước đây, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải mua bảo hiểm rất lớn thì ngày nay chỉ còn rất nhỏ, vì thị trường Việt Nam hiện nay có hệ số rủi ro rất thấp. Vấn đề quan trọng là làm sao để hấp thụ được hết dòng tiền này. Từ trước đến nay, Việt Nam mới đang thu hút mạnh các dòng vốn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...

Ông Tâm nhìn nhận, nhiều tập đoàn Mỹ quan tâm đến thị trường Việt Nam nhưng chưa dám đầu tư, nay họ thấy so với thế giới nhiều bất ổn thì nếu họ đầu tư vào Việt Nam, họ có thể kiếm lời tốt.

“Nhiều nhà đầu tư lớn rất quan tâm và chia sẻ rằng khi đầu tư thì đầu tư lớn, vì dòng tiền và quỹ đầu tư đều lớn, họ không muốn quản lý những danh mục quy mô nhỏ. Do đó, bản thân tôi và các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng để khi họ đầu tư vào, chúng ta sẽ hấp thụ được dòng tiền và sử dụng hiệu quả dòng tiền thì họ mới yên tâm cộng tác lâu dài”, ông Tâm nói.

Cơ hội hút vốn ngoại nếu TTCK được nâng hạng

Trước các thông tin trên, giới đầu tư đang có một kỳ vọng mới tích cực hơn đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chú trọng nhiều đến việc nâng hạng thị trường - sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy, chuyển biến thành hành động để sớm nâng hạng.

Việc nâng hạng thị trường có thể đem lại thêm 1o tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp cho Việt Nam, riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD.

Theo dự báo của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), việc nâng hạng thị trường có thể đem lại thêm 10 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 - 5 tỷ USD.

Nói về dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, hai năm vừa qua, hầu như nhà đầu tư nước ngoài đều bán ròng trên thị trường Việt Nam, đây là xu thế chung với các thị trường trong khu vực, nhưng 4 tháng đầu năm nay chứng kiến động thái mua ròng trở lại dòng vốn ngoại, trong đó có dòng vốn từ Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, nguồn vốn Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn mua lại cổ phần là 22 triệu USD. Con số này có thể chưa phản ánh hết bức tranh thực tế, vì có một số các nhà đầu tư Hoa Kỳ thành lập quỹ ở Hồng Kông, Singapore để đầu tư vào Việt Nam.

Bà Hiền vẫn có một niềm tin là khi vốn FDI tăng mạnh, chắc chắn dòng vốn gián tiếp cũng theo “dấu chân người khổng lồ” vào Việt Nam. May mắn là ở thị trường Việt Nam cũng có sự hiện diện của các tên tuổi, quỹ đầu tư lớn bên Mỹ như KKR, Win, Piscus... họ đều có mặt khá lâu và đầu tư vào những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Masan,Vingroup, Becamex… gần đây họ có chuyển sang đầu tư ở các start-up lĩnh vực thương mại điện tử, ví điện tử, giáo dục…

Theo bà Hiền quan sát, hầu hết các thương vụ của nhà đầu tư Mỹ đều thành công, điều này sẽ tạo tiền đề thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trên lộ trình được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE. Việc được nâng hạng ở 2 bộ chỉ số này sẽ giúp thị trường có tiếng nói hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng sẽ thu hút lượng lớn dòng vốn đầu tư chủ động và bị động.

“Có một đặc điểm nữa, khi tôi có dịp trao đổi với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, họ rất thích câu chuyện về những mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam, vì thị trường chúng ta có 100 triệu dân, ngành hàng tiêu dùng là ngành quỹ đầu tư Hoa Kỳ yêu thích”, bà Hiền chia sẻ.

Tuy nhiên, đồng quan điểm với ông Tâm, bà Hiền cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối nhỏ, trong khi các thương vụ của quỹ đầu tư, cụ thể là các quỹ Hoa Kỳ có giá trị lớn hơn khá nhiều (khoảng 50%) so với các quỹ đầu tư đến từ nước khác.

“Tôi kỳ vọng khi được nâng hạng, thanh khoản được cải thiện, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn chủ động và bị động từ nước ngoài, trong đó có dòng vốn từ Hoa Kỳ”, bà Hiền nói.

Tin bài liên quan