Kỳ vọng doanh thu tỷ đô từ cửa hàng miễn thuế

0:00 / 0:00
0:00
Khi du lịch quốc tế có tín hiệu khởi sắc, cũng là lúc thị trường kinh doanh cửa hàng miễn thuế sôi động trở lại, hứa hẹn doanh thu khủng, bắt đầu từ những thương vụ hợp tác chiến lược giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài.
Trong chiến lược tăng đầu tư và mở rộng ra nước ngoài, Lotte Duty Free đã hợp tác với IPPG mở cửa hàng miễn thuế và kỳ vọng lớn vào tăng trưởng doanh số.

Trong chiến lược tăng đầu tư và mở rộng ra nước ngoài, Lotte Duty Free đã hợp tác với IPPG mở cửa hàng miễn thuế và kỳ vọng lớn vào tăng trưởng doanh số.

Những cú bắt tay “được mong đợi”

Năm 2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn “bắt tay” với Lotte Duty Free để mở cửa hàng miễn thuế dưới phố (downtown duty free) đầu tiên của miền Bắc ở Tràng Tiền Plaza (Hà Nội). Theo kế hoạch mà hai bên đưa ra khi đó, cửa hàng miễn thuế này sẽ khai trương vào quý III/2021.

Sau đó, IPPG triển khai một cửa hàng miễn thuế dưới phố khác tại Đà Nẵng và cửa hàng miễn thuế này lại “về đích” trước (mở cửa vào ngày 12/11/2022).

“Dự kiến, 6 tháng tới, downtown duty free ở Tràng Tiền Plaza sẽ mở cửa. Theo quy trình, chúng tôi vẫn đang chờ giấy phép kinh doanh bán lẻ từ Bộ Công thương”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn thông tin.

Với diện tích rộng trên 2.000 m2, vốn đầu tư hàng chục triệu USD, cửa hàng miễn thuế ở Đà Nẵng quy tụ hơn 200 nhãn hàng nước hoa, mỹ phẩm, đồ uống có cồn, trang sức, đồng hồ và những mặt hàng miễn thuế khác, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng Hàn Quốc như Whoo, Sulwhasoo, Cheong Kwan Jang và các thương hiệu quốc tế như Christian Dior, Y.S.L, Gucci…

Đặc biệt, lần đầu tiên giới thiệu với thị trường miễn thuế toàn cầu và lĩnh vực bán lẻ du lịch, các thương hiệu nội địa nổi tiếng như Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), trang sức ngọc trai Long Beach Pearl, nước hoa Miss Saigon, cà phê Trung Nguyên G7, Cochine Vietnam... sẽ chính thức được bày bán.

Bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2017 với cửa hàng miễn thuế đầu tiên ở sân bay Đà Nẵng, Lotte Duty Free tiếp tục mở cửa hàng thứ hai ở sân bay Cam Ranh vào tháng 6/2018 và cửa hàng thứ ba ở sân bay Nội Bài vào tháng 5/2019. Lotte Duty Free kỳ vọng doanh số mỗi năm của cửa hàng miễn thuế ở Đà Nẵng có thể đạt đến 40 triệu USD khi ngành du lịch Việt Nam khởi sắc như thời kỳ trước Covid-19.

Theo ông Lee Kap, Giám đốc điều hành Lotte Duty Free, cửa hàng miễn thuế tại Đà Nẵng sẽ là nền móng vững chắc cho Lotte Duty Free duy trì vị thế dẫn đầu của mình tại thị trường Đông Nam Á. Lotte Duty Free sẽ không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh với việc tiếp tục đầu tư và mở rộng ra nước ngoài.

Ngoài “ông lớn” Hàn Quốc nhanh tay hợp tác với doanh nghiệp trong nước, hồi tháng 7 năm nay, Tập đoàn Miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS) cũng mở lại các cửa miễn thuế tại sân bay Nội Bài. Ông Andrea Crippa, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của DFS chia sẻ, đây là sự kiện “đã được mong đợi từ lâu” của Tập đoàn.

Với 7 cửa hàng trên tổng diện tích 1.700 m2 ở ga đi và ga đến - sân bay Nội Bài, DFS cung cấp hơn 200 thương hiệu cao cấp hàng đầu, gồm các thương hiệu làm đẹp như Jo Malone, SK-II, Chanel, Dior, Prada, Gucci, Tiffany; rượu mạnh, như Macallan phiên bản giới hạn; thương hiệu đồng hồ cao cấp như Longines; ẩm thực, quà lưu niệm và đặc sản của Việt Nam.

Thành lập tại Hồng Kông vào năm 1960, DFS là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ, du lịch, với 750 thương hiệu được phân phối thông qua mạng lưới 54 cửa hàng miễn thuế đặt tại 13 sân bay lớn trên toàn cầu và 23 địa điểm nằm tại trung tâm thành phố lớn, các khu nghỉ dưỡng...

DFS thuộc sở hữu phần lớn của Tập đoàn Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH), cùng người đồng sáng lập và cổ đông Robert Miller.

Trong lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế hiện nay tại Việt Nam, IPPG đang chiếm phần lớn thị phần (có thể lên tới 80 - 90%). IPPG cũng được bán hàng chính quy (được quyền phân phối sản phẩm cao cấp tại Việt Nam), trong khi các tên tuổi còn lại hầu hết nhỏ lẻ.

Được biết, hiện 2 hệ thống cửa hàng miễn thuế của DFS và Lotte đều “bắt tay” với IPPG.

Ông Johnnthan Hạnh Nguyễn chia sẻ: “Các đối tác chọn liên kết vì chúng tôi có đến 108 thương hiệu lớn được quyền phân phối và các công ty con khác không được quyền bán hàng đó ở Việt Nam nữa”.

Bên cạnh đó, ông chủ IPPG cũng khẳng định, sự liên kết với các đối tác khác không làm doanh nghiệp bị mất thế độc quyền.

Bài toán kinh doanh khi thời thế thay đổi

Các cửa hàng miễn thuế là nguồn lãi lớn cho các sân bay. Chỉ có những sân bay quốc tế, có quy mô đón trên 2 triệu khách mới được mở cửa hàng miễn thuế.

Nhìn lại gần 3 năm qua, hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhiều mặt hàng không bán được phải bán giảm giá, khuyến mãi; hàng bánh kẹo, hàng hóa hết hạn sử dụng buộc phải tiêu hủy… với giá trị lên tới vài chục triệu USD. Con số cụ thể không được tiết lộ, nhưng lỗ là điều không tránh khỏi.

Ông Johnnthan Hạnh Nguyễn cho biết, với kỳ vọng Việt Nam đón 20 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, nếu doanh thu của cửa hàng miễn thuế ở sân bay đạt 1 triệu USD, thì cửa hàng miễn thuế trong khu trung tâm có thể đạt 50 triệu USD và tỷ suất lợi nhuận có thể gấp chục lần. Nếu mỗi lượt khách quốc tế chi 100 USD, thì cửa hàng miễn thuế thu về 2 tỷ USD.

Nhưng tình hình hiện tại rất khác. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ du lịch lưu trú và ăn uống trong 9 tháng năm 2022 tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, quy mô doanh thu chỉ mới bằng 74% và doanh thu du lịch lữ hành cũng mới chỉ bằng 42% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra Covid-19. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận cũng không tăng được như tính toán trước đây.

Vì dịch bệnh, nên muốn kéo khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải trả chi phí quảng cáo, tổ chức các sự kiện quốc tế, hợp tác với các công ty du lịch trong và ngoài nước, chưa kể phải duy trì lượng tiền hàng tồn kho rất lớn, phải có mặt bằng rộng và đủ nhân viên để phục vụ khách…

“Doanh thu tăng, nhưng chi phí sẽ phát sinh rất nhiều. Nhà đầu tư phải có khả năng ‘chịu đựng’, vì chưa có đủ lượng khách để hòa vốn trong thời gian đầu mở cửa. Sau đó, chúng tôi sẽ thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế để phát triển du lịch Việt Nam”, ông Johnnthan Hạnh Nguyễn bày tỏ.

Thực tế hiện nay, nhiều du khách cũng đã nhận ra sự chênh lệch giá cả hàng hóa giữa mua tại sân bay và mua ngoài, nên doanh số các cửa hàng miễn thuế trong những năm gần đây không khả quan, dù lượng người đi du lịch được dự báo sẽ sớm tăng mạnh trở lại. Thêm vào đó, chi phí cho những cửa hàng ở sân bay ngày càng cao, khiến nhiều công ty bắt đầu chuyển hướng kinh doanh.

Đại dịch đã thúc đẩy các xu hướng mới, định hình lại ngành kinh doanh hàng miễn thuế. Trước tiên, là đa dạng mặt hàng được bán miễn thuế. Rượu, đặc biệt là thuốc lá, giảm dần.

Trong khi đó, các thương hiệu sang trọng trở thành nhãn hiệu chính hiện diện trong các nhà ga sân bay, bởi đây chính là địa điểm rất tốt để giới thiệu sản phẩm đến những người giàu có, đặc biệt là hành khách châu Á. Các mặt hàng xa xỉ, nước hoa và mỹ phẩm hiện chiếm ưu thế trong lĩnh vực bán lẻ du lịch, có thể chiếm 2/3 doanh thu.

Đáng chú ý, những năm gần đây, hoạt động mua sắm miễn thuế đã mở rộng ra các địa điểm xa hơn ngoài nhà ga sân bay, thậm chí đã có sự dịch chuyển cửa hàng miễn thuế khỏi các sân bay. Chi tiêu của mỗi hành khách tại các sân bay có xu hướng giảm từ trước khi Covid-19 bùng phát.

Đồng thời, các cửa hàng chuyên biệt tại trung tâm thành phố ở các “điểm nóng” du lịch cũng thu hút du khách đủ điều kiện có thể mua hàng miễn thuế mang về. Những địa điểm này, đặc biệt phổ biến ở châu Á, hiện chiếm gần 40% tổng doanh thu. Các quy tắc tùy thuộc vào mỗi quốc gia, nhưng một số quốc gia cho phép mua sắm đối với những khách hàng có kế hoạch du lịch từ trước.

Ở Trung Quốc, các cửa hàng miễn thuế đang mọc lên khắp nơi trên phố nhằm phục vụ du khách trong nước vừa trở về từ nước ngoài và sắp tới là những người có kế hoạch du lịch đến Trung Quốc. Nếu như người dân Trung Quốc tiếp tục mua sắm những món đồ xa xỉ, trang sức ở trong nước, thì sẽ thu hút nhiều hoạt động kinh doanh hơn từ các nhà khai thác hàng miễn thuế từng thống trị các sân bay không phải của Trung Quốc, chẳng hạn như Dufry (Thụy Sĩ) và DFS (thuộc “đế chế” hàng xa xỉ LVMH).

Tháng 5/2019, China Duty Free Group (CDFG) đã xin phép và mở được cửa hàng downtown duty free đầu tiên cho khách hàng trong nước ở Bắc Kinh. Sau đó, CDFG cũng mở thêm 3 cửa hàng tương tự ở các thành phố khác.

Vậy nên, có thời điểm, ông chủ IPPG đề xuất với SCIC và UBND TP. Hà Nội tạo điều kiện cho nhà đầu tư có được khu đất lớn hơn để đầu tư một trung tâm thương mại đẳng cấp tương đương Tràng Tiền Plaza tại Thủ đô. Cùng với đó, IPPG cũng muốn thực hiện kế hoạch tương tự tại TP.HCM. Thậm chí, về đối tượng được mua hàng miễn thuế, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang xúc tiến đề xuất chính sách để người Việt cũng có thể vào mua sắm.

Du lịch Việt Nam đang rất cần nhiều mô hình mua sắm, vui chơi giải trí đa dạng nhằm thu hút và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Những mô hình như cửa hàng miễn thuế dưới phố, khu mua sắm cao cấp hàng hiệu, khu mua sắm giảm giá (factory outlet) và các khu vui chơi giải trí đẳng cấp có thương hiệu quốc tế… là những sản phẩm luôn hấp dẫn và thu hút du khách.

Theo dự báo của Adroit Market Research, thị trường kinh doanh hàng hóa miễn thuế trên toàn cầu sẽ đạt giá trị 112,75 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,5%.

Báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) ước tính, 16% dân số Việt Nam sẽ trở nên giàu có vào năm 2030 so với 5% của năm 2018. BCG nhận định, khái niệm “người tiêu dùng giàu có” là đối tượng có sức mua tốt và sẵn sàng tiếp nhận nhiều sản phẩm, dịch vụ cao cấp và xa xỉ.

Tin bài liên quan