Kỳ vọng hạ nhiệt xung đột Nga - Ukraine, các thị trường chứng khoán tăng vọt

Kỳ vọng hạ nhiệt xung đột Nga - Ukraine, các thị trường chứng khoán tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tăng vọt trong phiên ngày thứ Sáu (25/2), nhờ tâm lý giới đầu tư được cải thiện sau khi Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Ukraine.

Theo đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo, Nga sẵn sàng cử một phái đoàn tới thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với Ukraine về tình trạng trung lập, trong đó bao gồm việc phi quân sự hóa.

Phiên này, cổ phiếu 3M và Johnson&Johnson là điểm sáng của Dow Jones khi tăng hơn 4%. Cổ phiếu Etsy dẫn đầu S&P 500 với mức tăng 16,2% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý vượt dự báo của giới phân tích.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Beyond Meat giảm 9,2%, và Foot Locker cắm đầu giảm gần 30% sau khi dự báo doanh số 2022 sẽ giảm do bán ít sản phẩm Nike hơn.

Thông tin đáng chú ý khác là việc Mỹ báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi, thước đo lạm phát chủ yếu của Fed tăng 5,2% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự báo tăng 5,1% từ các nhà kinh tế.

Dù có hai phiên tăng điểm liên tiếp, nhưng Dow Jones vẫn ghi nhận tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,8% và 1,1%.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Dow Jones tăng 834,92 điểm (+2,51%), lên 34.058,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 95,95 điểm (+2,24%), lên 4.384,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 221,04 điểm (+1,64%), lên 13.694,62 điểm.

Các chỉ số chứng khoán chính của châu Âu đã tăng trở lại vào thứ Sáu, với cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng, khi các nhà đầu tư săn lùng các mã bị bán tháo gay gắt sau khi Nga xung đột vũ trang với Ukraine.

Hy vọng về ngoại giao cũng đã tiếp sức cho thị trường, sau khi Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng cử một phái đoàn tới Minsk để đàm phán với các đại diện của Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 3,26% lên 453,26 điểm, nhưng trong tuần qua, chỉ số này đã mất 1,6% và giảm khoảng 8% so với mức đỉnh vào tháng 1.

Nhóm cổ phiếu các ngân hàng đã tăng 4,3% để lấy lại một nửa số điểm đã mất của phiên trước đó.

Dù vậy, tâm lý giới đầu tư vẫn rất mong manh, thể hiện rõ ràng bởi hoạt động mua phòng thủ với cổ phiếu công nghiệp, tiện ích, chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng là những nhóm thúc đẩy mạnh nhất đối với STOXX 600.

Với việc giá dầu và khí đốt tăng cao trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, các nhà đầu tư lo ngại lạm phát sẽ thậm chí còn nóng hơn và phá vỡ sự phục hồi kinh tế trong khu vực đồng euro do phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Nhà kinh tế trưởng của ECB cho biết, xung đột tại Ukraine có thể làm giảm GDP của khu vực đồng euro từ 0,3 - 0,4% trong năm nay.

Kết thúc phiên 25/2: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 282,08 điểm (+3,91%), lên 7.489,46 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 515,13 điểm (+3,67%), lên 14.567,23 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 231,38 điểm (+3,55%), lên 6.752,43 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh, với các cổ phiếu công nghệ lớn dẫn đầu đà tăng, khi thị trường theo chân đà phục hồi mạnh mẽ trên Phố Wall đêm qua.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đã thúc đẩy cổ phiếu các công ty chăm sóc sức khỏe, năng lượng mới và hàng tiêu dùng.

Chứng khoán Hồng Kông vẫn suy giảm, do chịu tác động của nhóm cổ phiếu tài chính và dầu khí.

Chứng khoán Hàn Quốc phục hồi, mặc dù chỉ số chuẩn đánh dấu tuần tồi tệ nhất trong 4 tuần qua, do những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Kết thúc phiên 25/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 505,68 điểm (+1,95%), lên 26.476,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,45 điểm (+0,63%), lên 3.451,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 134,38 điểm (-0,59%), xuống 22.767,18 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 27,96 điểm (+1,06%), lên 2.676,76 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu tiếp tục bị bán mạnh, khi thông tin có thể Nga sẽ đàm phán với Ukraine khiến dòng tiền trú ẩn suy giảm.

Kết thúc phiên 25/2, giá vàng giao ngay giảm 14,5 USD xuống 1.899 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm hơn 36 USD xuống 1.890 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm cũng do khả năng hạ nhiệt xung đột quân sự Nga - Ukraine sau khi hai bên có những động thái đầu tiên về việc ngồi vào bàn đàm phán.

Trong tuần, dầu Brent tăng khoảng 4,7%, trong khi WTI tăng khoảng 0,6%.

Kết thúc phiên 25/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,22 USD (-1,33%), xuống 91,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,15 USD (-1,17%), xuống 97,93 USD/thùng.

Tin bài liên quan