Với bancassurance, lợi thế nghiêng về nhà bảo hiểm có công ty mẹ là ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Với bancassurance, lợi thế nghiêng về nhà bảo hiểm có công ty mẹ là ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Kỳ vọng vào bancassurance

(ĐTCK) Mặc dù cạnh tranh gay gắt, nhưng bancassurance vẫn được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đặt nhiều kỳ vọng mang lại sự bùng nổ doanh thu khi đẩy mạnh bán lẻ.

Ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chia sẻ, bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm trọng tâm trong hoạt động bán lẻ hiện nay cũng như thời gian tới. Ngoài đẩy mạnh khai thác thông qua các nhân viên kinh doanh, PTI còn tập trung vào 2 kênh lớn là VNPost và bán qua tổ chức tín dụng (bancassurance).

“Tỷ lệ bồi thường xe cơ giới của PTI hiện khá ổn, tổng chi phí ở mức hơn 90% tổng doanh thu phí nghiệp vụ”, ông Thu tiết lộ.

Thực tế, cơ cấu tỷ trọng nghiệp vụ bảo hiểm số 1 này của PTI đang giảm dần. Nếu như năm 2016 tỷ trọng bảo hiểm xe cơ giới ở mức trên 70% thì nay giảm về dưới 50% trên tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm, trong khi tỷ trọng bảo hiểm con người và tài sản kỹ thuật tăng lên. Theo ông Thu, đây là mức “tỷ trọng vàng” trong các nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm.

“Những năm tới, song song với việc giữ vững bảo hiểm xe, PTI sẽ tiếp tục phát triển bảo hiểm con người và tài sản kỹ thuật”, ông Thu chia sẻ thêm.

Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), tăng tỷ trọng bảo hiểm con người và xe cơ giới cũng là mục tiêu trọng tâm trong năm 2022 và để hoàn thành mục tiêu này, xây dựng mô hình bancassurance chuyên trách là điều MIC nhắm tới. Theo đó, hãng bảo hiểm đang có tham vọng đạt vị trí thứ 3 về thị phần doanh thu bảo hiểm này sẽ kết hợp với nhiều đối tác, bao gồm cả những tổ chức có mạng lưới rộng như Vietel Post, VNPost… để phân phối sản phẩm. Năm qua, bên cạnh Ngân hàng mẹ MBBank, MIC đã mở rộng hợp tác với 10 ngân hàng khác và bancassurance đang mang lại hơn 20% doanh thu bảo hiểm cho nhà bảo hiểm này.

Tương tự, nhờ lợi thế là thành viên của BIDV - một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, Bảo hiểm BIDV (BIC) nằm trong nhóm công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường về bancassurance. Năm 2021, doanh thu từ kênh này tăng 33% so với năm 2020

Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC chia sẻ, với mức tăng trưởng theo kế hoạch của nhóm sản phẩm bán chéo qua các tổ chức tín dụng, năm 2022, BIC dự kiến doanh thu phí bảo hiểm đến từ kênh bancassurance sẽ đạt tỷ trọng trên 30% tổng doanh thu các nghiệp vụ.

“Doanh thu bảo hiểm con người của BIC năm 2021 có tỷ trọng lớn là phần doanh thu con người bán chéo qua các tổ chức tín dụng , tỷ lệ bồi thường của nhóm sản phẩm này được kiểm soát tốt, tổng doanh thu chiếm khoảng 27% trong tổng tỷ trọng doanh thu của BIC, trong đó sản phẩm chủ đạo là bảo hiểm người vay vốn”, ông An nói, đồng thời cho biết thêm, trong chiến lược phát triển đến năm 2025, BIC đặt mục tiêu lọt vào Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, Top 3 công ty có tỷ suất sinh lời cao nhất và Top 3 công ty dẫn đầu về doanh thu bancassurance.

Tại Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), bảo hiểm con người và xe cơ giới là các nghiệp vụ sẽ được chú trọng trong năm 2022 và đại lý, môi giới và bancassurance vẫn là các kênh phân phối chủ lực.

Trong năm qua, đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng doanh thu cho Bảo Minh đến từ nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe với mức tăng 19,7% so với năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường (2,7%) và các đối tác bancassurance ghi nhận sự tăng trưởng tốt phải kể tới là FE Credit, Easy Credit, TIMA, F88, VIB, MSB…

“Cuộc chiến” giành kênh phân phối đối với khối phi nhân thọ tuy không gay gắt và “hao tiền” như khối nhân thọ vì hầu hết các công ty phi nhân thọ đều không chủ trương hợp tác độc quyền với ngân hàng nào, nhưng riêng với bancassurance, lợi thế vẫn nghiêng về những hãng bảo hiểm có công ty mẹ là ngân hàng.

Tin bài liên quan