Lại chuyện bất bình đẳng thông tin giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức

(ĐTCK) Câu chuyện bất bình đẳng thông tin khi công ty niêm yết tổ chức gặp gỡ chuyên viên phân tích của các CTCK mà không có sự tham gia của các cơ quan truyền thông hoặc tiếp các tổ chức đầu tư lớn nhưng không công bố thông tin về các nội dung trao đổi, dù các nội dung đó là nội dung quan trọng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, vẫn đang diễn ra.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Điều này cho thấy sự bất bình đẳng thông tin giữa các NĐT tổ chức và NĐT cá nhân là một thực tế, dù nguyên nhân có thể chỉ là sự vô tình.

Sự kiện mới nhất minh chứng cho thực tế trên là việc Tập đoàn Kinh Đô (KDC) ký thoả thuận bán 80% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho nhà sản xuất thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ là Mondelez International với giá 370 triệu USD (7.846 tỷ đồng). Sáng 11/11, KDC tổ chức buổi họp báo để công bố sự kiện này, nhưng nội dung buổi họp báo được giữ kín trước khi họp.

Vì không biết trước nội dung nên các nhà báo không thể chuẩn bị sẵn câu hỏi để khai thác thông tin đầy đủ, nhất là đối với các báo tài chính phục vụ đối tượng đọc là NĐT. Chiều hôm đó, KDC lại tổ chức một buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích các CTCK để giải đáp các câu hỏi. Vậy là trong tình huống này, các CTCK, đại diện các tổ chức đầu tư lại có lợi thế hơn các NĐT cá nhân trong việc tiếp cận thông tin một cách đầy đủ bằng việc đặt câu hỏi trực tiếp với KDC.

Ngay tối cùng ngày, CTCK HSC trong bản tin của mình đã đề cập thông tin chi tiết của cuộc gặp. Tất nhiên, không phải NĐT nào cũng là khách hàng của HSC để đọc bản tin này.

Có ý kiến cho rằng, việc khai thác thông tin là nghiệp vụ của CTCK và hãy để CTCK làm việc này. Công ty nào làm chuyên nghiệp, cung cấp thông tin sớm nhất, chính xác nhất cho khách hàng thì công ty đó sẽ dành được sự tin tưởng. Điều này cũng diễn ra ở các thị trường phát triển khác.

Điều này không sai nhưng với đặc thù của thị trường Việt Nam thì sự tham gia của giới truyền thông vào các buổi gặp gỡ định kỳ hàng quý hay các buổi cung cấp thông tin của công ty niêm yết với các chuyên viên phân tích của tổ chức đầu tư, tư vấn đầu tư vẫn rất quan trọng. Nó đảm bảo xóa đi khoảng cách bất bình đẳng thông tin tương đối lớn hiện nay, vì khi tham dự họp, hầu hết các phóng viên đều viết bài đưa tin về cuộc gặp ngay lập tức trên các trang báo điện tử. Có những sự kiện lớn, báo điện tử còn tường thuật trực tiếp để mọi đối tượng NĐT theo dõi.

Vì vậy, các công ty niêm yết nên và cần tận dụng vai trò của báo chí truyền thông trong công tác quan hệ cổ đông. Bởi mục đích gặp gỡ chuyên viên phân tích CTCK là để thông qua các công ty này cập nhật thông tin cho NĐT cá nhân, cổ đông của công ty. Nhưng thực tế thời gian qua, không phải CTCK nào cũng cập nhật thông tin tức thời đầy đủ cho NĐT mà thông tin qua nhiều tầng lớp trung gian trước đó. Thậm chí, có CTCK gặp gỡ công ty niêm yết là để lấy tin phục vụ đội tự doanh của đơn vị mình, rồi mới qua môi giới thông tin đến NĐT.

Trong một cuộc trao đổi mới đây với ĐTCK, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) thừa nhận, NĐT cá nhân có bị thiệt thòi hơn so với NĐT tổ chức trong việc đến trực tiếp Công ty để tìm hiểu thông tin. Đấy là lý do các cuộc tiếp xúc của CII với chuyên viên phân tích luôn có mặt phóng viên của ĐTCK và các đồng nghiệp khác. CTCP Thế giới di động (MWG), Chứng khoán HSC cũng luôn định kỳ gặp gỡ chuyên viên phân tích CTCK cùng phóng viên báo chí để cập nhật thông tin hàng quý… 

Tuy nhiên, không phải công ty niêm yết nào cũng nhận thức được vấn đề này, nên nhiều cuộc tiếp xúc riêng vẫn diễn ra, tạo ra sự bất bình đẳng nhất định trong việc tiếp nhận thông tin DN giữa các NĐT trên thị trường. Không thể đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối, nhưng nếu thay đổi cách làm một chút, thông tin từ DN sẽ đến với NĐT nhanh hơn, bình đẳng hơn.

Tin bài liên quan