Lãi suất huy động tăng giảm trái chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi một số ngân hàng tư nhân bắt đầu tăng lãi suất huy động thì một số ngân hàng có vốn nhà nước tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm. Dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng trở lại kể từ cuối quý II/2024.
Lãi suất huy động tăng giảm trái chiều

Diễn biến trái chiều của lãi suất tiết kiệm

Tại VPBank, từ ngày 27/3, nhà băng này tăng lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,2% tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đối với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 2,3%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng tăng lên 2,6%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng tăng lên 4,1%/năm, kỳ hạn từ 12-18 tháng tăng lên 4,4%/năm; kỳ hạn từ 24 tháng trở lên áp dụng 4,8%/năm.

Tương tự, tại Eximbank, từ ngày 22/03, lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lên 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,3%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm.

Trước đó, ngày 19/3, Saigonbank cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 18 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3% lên 5,7%/năm và lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng thêm 0,4%, lên mức 5,8%/năm.

Ở chiều ngược lại, ngày 01/04, Vietcombank tiếp tục thông báo giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm 0,1% các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Theo đó, đối với tiền gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 1,6%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm về 1,9%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng áp dụng 2,9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng giảm còn 4,6%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được giữ nguyên ở mức 4.7%/năm.

Ngày 22/3, VietinBank và BIDV cũng giảm lãi suất tiền gửi về mức tương đương nhau. Đối với tiền gửi tại quầy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 1,7%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm về 2,0%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng áp dụng 3,0%/năm, kỳ hạn từ 12-18 tháng ở mức 4,7%/năm, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên ở mức 4,8%/năm.

Nguyên nhân chính khiến lãi suất tiền gửi tiết kiệm bắt đầu có động thái tăng nhiều hơn một phần do tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng giảm, trong khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2,17%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến ngày 25/3 đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%).

Các chuyên gia phân tích của SSI nhận định, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh, đồng thời đưa ra dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 sẽ khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5-1% trong nửa đầu năm 2024.

Ngoài ra, SSI còn cho rằng, NHNN vẫn có dư địa để thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất chính sách nữa trong năm 2024 khi hoạt động kinh tế chưa thể quay lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng, bởi hiện lãi suất tiền gửi ở mức khá thấp, đặc biệt là tại 4 ngân hàng lớn Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank. Trong đó, Vietcombank và Agribank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng chỉ 1,7%/năm, thấp nhất hệ thống; kỳ hạn 3-5 tháng là 2%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 3%/năm…

Sẽ tăng trở lại khi tín dụng cải thiện dần

PGS TS Nguyễn Hữu Huân – Trường đại học kinh tế TP.HCM dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng 0,26% trong 3 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Ngân hàng UOB đánh giá, áp lực lạm phát đã giảm bớt, mặc dù NHNN có thể sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong quý đầu tiên tăng 3,77% so với cùng kỳ từ mức 3,54% trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp lạm phát toàn phần đã tăng tốc. Ngược lại, CPI lõi (không tính đến giá thực phẩm và năng lượng) đã chậm lại trong quý thứ tư liên tiếp, xuống 2,81% so với cùng kỳ trong quý I/2024 từ mức 3,19% trong quý IV/2023.

UOB cho rằng, NHNN đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%. Tuy nhiên, với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn.

Theo các chuyên gia phân tích của UOB, tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. "Vì vậy, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%. Thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế", báo cáo của UOB nhấn mạnh.

Một lĩnh vực trọng tâm cũng được UOB nêu ra là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vốn khá mờ nhạt vào đầu năm nay, với tổng tăng trưởng tín dụng đạt 0,26% tính đến ngày 25/3, theo Tổng Cục Thống kê (GSO), tụt lại so với tốc độ 1,99% cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15% với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm. UOB cho rằng, nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian trở lại trạng thái bình thường.

Tin bài liên quan