Dư nợ tín dụng xanh tại OCB đến cuối năm 2024 chiếm 11% tổng dư nợ

Dư nợ tín dụng xanh tại OCB đến cuối năm 2024 chiếm 11% tổng dư nợ

Ngân hàng nỗ lực xanh hóa tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng thương mại đang tích cực đẩy mạnh tín dụng xanh, ưu tiên tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tín dụng xanh

Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh đã được nhấn mạnh. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Theo Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình phát triển xanh, phát thải thấp.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, các quốc gia - nhất là các nước đang phát triển - không thể tiếp tục trì hoãn hành động vì môi trường.

Chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là con đường tất yếu để hướng đến tương lai bền vững, bao trùm và thịnh vượng. Không chỉ đưa ra thông điệp, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết này qua hàng loạt chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể - từ Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, đến Kế hoạch hành động với 134 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành, địa phương.

Trọng tâm xuyên suốt là thúc đẩy tín dụng xanh, huy động các nguồn lực - đặc biệt từ khu vực tài chính. Ngành ngân hàng đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững trong chỉ đạo tín dụng, phát hành Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng xanh, yêu cầu tích hợp quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Sau gần 10 năm triển khai, đến quý I/2025 đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, với tổng giá trị hơn 704.244 tỷ đồng, tăng trung bình hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017 - 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Các khoản tín dụng xanh tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng ngày càng quan tâm đến đánh giá rủi ro môi trường - xã hội. Đến nay, đã có 57 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá, với tổng dư nợ lên tới 3,62 triệu tỷ đồng; số lượng khoản vay được thẩm định rủi ro môi trường - xã hội tăng gấp 15 lần so với năm 2017.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn như khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, công cụ thẩm định còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn thấp. Ngoài ra, năng lực của đội ngũ cán bộ ngân hàng trong lĩnh vực môi trường - xã hội - khí hậu vẫn là điểm yếu cần cải thiện mạnh mẽ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của ngành ngân hàng, Đề án phát triển ngân hàng xanh. Trong đó, ưu tiên một số giải pháp trọng tâm như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng, trong đó có tín dụng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn để thực hiện các dự án xanh; hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn hợp lý, tăng dần tỷ trọng vốn tín dụng cho các dự án xanh mang lại lợi ích môi trường.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính cũng cho rằng, dù lĩnh vực tài chính xanh đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, mới chiếm 4,4% tổng dư nợ; trái phiếu xanh cũng rất hạn chế. Việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc: thiếu khung pháp lý, chính sách về thuế, phí và vốn ưu đãi liên quan đến tài chính xanh và tài chính bền vững.

Ngân hàng hướng đến dòng vốn xanh

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, hiện chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng.

Về phía các ngân hàng, triển khai tín dụng xanh đang ngày càng được chú trọng.

Tại Techcombank, tín dụng xanh dành cho khách hàng doanh nghiệp đạt hơn 16.400 tỷ đồng trong năm 2024. Ngân hàng cũng đã phát hành thành công trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tài trợ cho các dự án xanh.

ACB cho biết, tính đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 273,3 tỷ đồng, tập trung vào các ngành trọng điểm như xử lý chất thải, phòng chống ô nhiễm, quản lý nước bền vững, năng lượng...

Theo định hướng của Chính phủ về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, ACB đang triển khai các hoạt động kinh doanh phù hợp với chương trình hành động phát triển bền vững của ngành ngân hàng. Ngân hàng đã công bố Khung tài chính bền vững, tạo nên các tiêu chuẩn cho hoạt động trong lĩnh vực tài chính xanh. Cuối tháng 9/2024, ACB đã nâng hạn mức gói tín dụng xanh/xã hội từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng đã giải ngân 73% gói tín dụng này.

HDBank vừa ký hợp đồng tín dụng hạn mức 2.000 tỷ đồng với Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP. Là ngân hàng dẫn đầu về tín dụng xanh, HDBank đang tiên phong tài trợ cho nhiều lĩnh vực có tác động tích cực đến môi trường và xã hội như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và các dự án LNG - nguồn năng lượng chuyển tiếp quan trọng. Tính đến nay, Ngân hàng đã giải ngân lũy kế khoảng 31.000 tỷ đồng từ năm 2019 cho các lĩnh vực xanh.

Năm 2024, OCB chính thức triển khai chiến lược “Ngân hàng Xanh - Green Bank”. Tổng giám đốc OCB, ông Phạm Hồng Hải cho hay, chiến lược này là dấu ấn khác biệt, hướng đến mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050. Ngân hàng đã đa dạng hóa danh mục tín dụng xanh bao gồm năng lượng tái tạo, cấp nước sạch, xử lý nước thải, công trình xanh và nông nghiệp thông minh. Dư nợ tín dụng xanh tại OCB đến cuối năm 2024 tăng hơn 30% so với năm 2023, chiếm 11% tổng dư nợ. Ngân hàng cũng nâng cấp quy trình đánh giá rủi ro môi trường - xã hội (ESMS), phát triển sản phẩm tín dụng căn hộ xanh, Green Deposit..., được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao. OCB đã hợp tác với IFC, PwC, DEG... và được IFC tài trợ 175 triệu USD để phát triển nguồn vốn xanh.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại nhà nước, ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, Ngân hàng đã dành 30.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án xanh trọng điểm, với lãi suất ưu đãi cố định đến 24 tháng chỉ từ 6,0%/năm (áp dụng đến hết 31/12/2025 hoặc đến khi hết quy mô chương trình).

Agribank còn triển khai chương trình tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm); chương trình cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng; gói tín dụng xanh 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 3,5%/năm.

Kết quả, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ của Agribank đã tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% vào năm 2024.

Tại BIDV, tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 80.870 tỷ đồng, chiếm hơn 12% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn ngành. Ngân hàng đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng với 1.982 dự án/phương án, trong đó dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 74% (gần 60.000 tỷ đồng), công trình xanh chiếm 8% (6.500 tỷ đồng), khu công nghiệp xanh chiếm 2% (1.736 tỷ đồng), nước sạch chiếm 1,5% (1.174 tỷ đồng). Ngoài ra, BIDV đã huy động thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững và 5.000 tỷ đồng tiền gửi xanh.

Tin bài liên quan