Lãi suất tăng báo trước kỷ nguyên mới cho thị trường tài chính Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ vài tuần sau khi chứng khoán Nhật Bản phá vỡ mức cao nhất trong ba thập kỷ, thị trường tài chính nước này đang gặp thách thức trước một hiện tượng khác chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, đó là lãi suất tăng.
Lãi suất tăng báo trước kỷ nguyên mới cho thị trường tài chính Nhật Bản

Tại Nhật Bản, các nhân viên ngân hàng đang tham gia các khóa học khắc phục về những việc cần làm khi lãi suất thay đổi và các phòng trading đang được thiết lập để điều tiết các thị trường phái sinh.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ chấm dứt lãi suất âm vào tháng 6, hoặc thậm chí có khả năng sẽ tăng lãi suất lên mức 0 trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Một động thái với mức tăng lãi suất 10 điểm cơ bản sẽ là nhỏ, nhưng sẽ khiến các nhà giao dịch phải tập trung vào các tín hiệu rộng hơn: như liệu có bất kỳ thay đổi nào được thực hiện ngay lập tức hay muộn hơn hay không và liệu BOJ có kết thúc chương trình mua tài sản khổng lồ đối với các tài sản từ trái phiếu chính phủ Nhật Bản đến các quỹ đầu tư niêm yết hay không.

Điều này cũng mang tính biểu tượng nặng nề khi Nhật Bản tìm cách bỏ lại những năm tháng “mất mát” được đánh dấu bằng giảm phát và đánh thức nền kinh tế lớn thứ tư thế giới như một điểm đến đầu tư – một sự thay đổi đã lan truyền khắp các doanh nghiệp Nhật Bản và thị trường toàn cầu.

Keita Matsumoto, người đứng đầu bộ phận giải pháp và bán hàng tổ chức tài chính tại Citigroup Global Markets Japan cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ rằng đây sẽ là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới… Đó là một sự thay đổi căn bản trong tư duy của người dân, một sự thay đổi có thể mất 5 hoặc 10 năm để điều chỉnh khi nền kinh tế thay đổi”.

Một số tác động lớn nhất có thể là thị trường nợ chính phủ quy mô 1,3 triệu tỷ yên (8.700 tỷ USD) của Nhật Bản.

Nhà phân tích Keita Matsumoto cho biết, các nhà đầu tư đã có cơ hội hưởng lợi từ việc bán trái phiếu ngắn hạn vì lãi suất tiền gửi ngân hàng trung ương tăng sẽ nhanh chóng rút vốn của ngân hàng ra khỏi trái phiếu và chuyển sang tiền mặt.

Nếu một sự thay đổi chính sách lớn hơn khiến lãi suất dài hạn tăng mạnh, các nhà đầu tư Nhật Bản - sở hữu khoảng 2.200 tỷ USD nợ nước ngoài - cũng có thể không còn hứng thú với các trái phiếu nước ngoài, điều này sẽ kéo thị trường trái phiếu toàn cầu xuống.

Các nhà đầu tư cổ phiếu đang tăng mua cổ phiếu ngân hàng nhờ đặt cược vào các khoản cho vay và tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng lên, mặc dù trong vài ngày qua, giao dịch đã trở nên lo lắng khi sự thay đổi chính sách tiềm năng đang đến gần.

Sau khi đạt mức cao kỷ lục trên 40.000 điểm vào tuần trước, chỉ số Nikkei đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng vào thứ Hai (11/3).

Niraj Athavle, Giám đốc điều hành của JPMorgan cho biết: “Có một mức độ phấn khích khá lớn về việc nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Nhật Bản…đang trở nên bình thường hơn và giống như các quốc gia khác”.

"Thị trường chứng khoán, do thực tế là người Nhật đang thoát khỏi tình trạng giảm phát lâu dài... đang bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý - thị trường trái phiếu và thị trường hoán đổi sẽ theo sau khi Nhật Bản có xu hướng trở thành một nền kinh tế bình thường hơn”, ông cho biết.

Chu kỳ tăng lãi suất sẽ diễn ra như thế nào?

Các chu kỳ tăng lãi suất trước đây ở Nhật Bản diễn ra trong những hoàn cảnh khác nhau đến mức khó có thể so sánh được.

Vào những năm 1989-1990, Nhật Bản đã tăng lãi suất lên hơn 300 điểm cơ bản, làm vỡ bong bóng bất động sản và đè bẹp nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong suốt một thập kỷ. Năm 2006, nỗ lực chấm dứt chính sách lãi suất bằng 0 đã thất bại do lạm phát không thể duy trì được.

Lần này, các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách đều nhìn nhận mức lương cao hơn và những thay đổi trong thái độ của các công ty là những yếu tố mới. Dữ liệu đàm phán tiền lương diễn ra trước cuộc họp chính sách vào tuần sau của BOJ có thể tác động đến thị trường.

Ales Koutny, người đứng đầu tỷ giá quốc tế tại Vanguard – quỹ đang tăng cường bán khống trái phiếu chính phủ Nhật Bản cho biết: “Thị trường vẫn định giá thấp bất kỳ thay đổi dài hạn nào ở Nhật Bản… Mức lương đủ cao để hỗ trợ tiêu dùng có thể khiến tâm lý tập trung vào một chu kỳ tăng lãi suất dài hơn có thể xảy ra”.

Ông cho rằng các trái phiếu kỳ hạn 5 đến 10 năm dễ bị tổn thương nhất nếu BOJ rút lại hỗ trợ và lợi suất 10 năm có thể vượt quá 1% nếu tiền lương, tiêu dùng và lạm phát bắt đầu củng cố lẫn nhau.

Sau khi đạt mức gần mức rẻ kỷ lục tính theo tỷ giá thực tế, đồng yên đã tăng 2% trong tuần qua và ghi nhận mức tăng hàng tuần mạnh nhất so với đồng đô la trong 8 tháng khi những người bán khống giảm vị thế.

Trong khi đó, hành trình thoát khỏi chính sách tiền tệ không chính thống kéo dài như vậy sẽ còn nhiều khó khăn và những biến dạng gây ra cho nền kinh tế sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết. Các doanh nghiệp nhỏ hơn đặc biệt phải đối mặt với những thách thức từ chi phí vay cao hơn.

Byron Gill, đối tác quản lý tại Indus Capital Partners cho biết: “Vào năm 2024, Nhật Bản không có thị trường bất động sản quá nóng cũng như không bị sa lầy vào tình trạng giảm phát. Và lãi suất thực vẫn có khả năng duy trì ở mức dưới 0. Nếu đồng thời, tăng trưởng tiền lương có thể vượt qua tỷ lệ lạm phát…, Nhật Bản có thể thấy mình đang ở vị trí thuận lợi thực sự cho cả nền kinh tế và tài sản rủi ro”.

Tin bài liên quan