Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng 0,2 - 0,3%/năm. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng 0,2 - 0,3%/năm. Ảnh: Dũng Minh

Lãi vay chịu áp lực tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí đầu vào tăng khi lãi suất tiết kiệm nhích dần, nên lãi suất cho vay không dễ được các ngân hàng điều chỉnh giảm theo định hướng của cơ quan quản lý.

Lãi suất tiết kiệm tăng

Nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng cao, trong khi các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản... thu hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân, nên mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng 0,2 - 0,3%/năm trong 2 tháng qua. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện là 7,6%/năm thuộc về SCB đối với kỳ hạn 13 tháng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng đầu năm 2022, lãi suất tiền gửi bằng VND tại các ngân hàng thương mại trong nước phổ biến từ 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 - 5 tháng, 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 13 - 24 tháng.

Lãi suất cho vay VND đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ phổ biến từ 7,8 - 9,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên là 4,3%/năm.

Nhiều yếu tố đầu vào của các ngân hàng có xu hướng tăng như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành…

Tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Trong tháng 1/2022, lượng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm hơn 68.000 tỷ đồng, tương đương giảm 1,21%, xuống còn hơn 5,57 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng tín dụng thì tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi tiết kiệm vẫn khá chậm. Tính đến ngày 25/2/2022, huy động vốn của ngành ngân hàng chỉ tăng 1,29% (VND tăng 1,3%, ngoại tệ tăng 1,24%) so với cuối năm 2021.

Trong khi đó, theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2022 của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/3/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,03%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Riêng tháng 1/2022, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất trong 10 năm qua (tăng 1,9% so với cuối năm 2021). Đến tháng 2/2022, tốc độ giảm nhẹ do yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán), nhưng tín dụng phục hồi trở lại trong tháng 3/2022.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước tăng 3,65% so với cuối năm 2021 và tăng 13,1% so với cùng kỳ.

Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, lãi suất huy động đang và sẽ thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021, dưới áp lực của tín dụng hồi phục.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất huy động đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế và diễn biến lạm phát.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Về lãi suất, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Lãnh đạo nhiều nhà băng chia sẻ, không lo thiếu vốn giá rẻ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, dù lãi suất tiền gửi đang dần nhích lên. Bởi lẽ, tỷ lệ huy động vốn không kỳ hạn (CASA) có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Dự báo, xu hướng CASA tăng sẽ tiếp tục diễn ra, bù đắp cho phần chi phí vốn tăng lên do lãi suất huy động tăng. Vì vậy, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tăng không đáng kể và biên lãi ròng (NIM) có thể đi ngang.

Nỗ lực giảm lãi vay

Agribank vừa công bố gói tín dụng tiêu dùng trị giá 25.000 tỷ đồng dành cho những khách hàng vượt qua dịch bệnh Covid-19 vay vốn với lãi suất 7,5%/năm qua hình thức phát hành thẻ. Theo đó, từ nay đến ngày 30/6/2022, người nhận lương qua tài khoản tại hệ thống Agribank sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi áp dụng đối với các khoản thấu chi.

Tương tự, ABBank dành hạn mức lên đến 4.500 tỷ đồng với lãi suất từ 7,29%/năm trong 12 tháng đầu cho các hồ sơ vay có kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Với khách hàng có mức vay từ 5 - 10 tỷ đồng, lãi suất sẽ được giảm 0,3%/năm, nếu trên 10 tỷ đồng sẽ giảm 0,5%/năm.

MSB cấp hạn mức tín dụng tín chấp đến 500 triệu đồng/khoản vay đối với các nhà xuất khẩu; lãi suất cho vay bằng ngoại tệ từ 2,5%/năm, bằng VND là 5,5%/năm.

Lãnh đạo Viet Capital Bank cho biết, Ngân hàng sẵn sàng cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo nợ vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song doanh nghiệp cần minh bạch tài chính để Ngân hàng có thể đánh giá đúng thực lực và có sự hỗ trợ phù hợp. Để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp cần rà soát lại lĩnh vực kinh doanh, bỏ bớt những lĩnh vực không còn phù hợp và bổ sung ngành hàng kinh doanh mới.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, các ngân hàng tiếp tục thực hiện hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ. Cho vay mới với lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh duy trì, ổn định và phục hồi phát triển sản xuất - kinh doanh. Đến nay, tổng giá trị hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đạt 3,2 triệu tỷ đồng, với 1.851.864 khách hàng.

Đồng thời, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và UBND Thành phố tiếp tục được ngành ngân hàng tổ chức triển khai thực hiện nhằm tập trung vốn và tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng và phát triển, tạo động lực tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, dư nợ cho vay của các chương trình tín dụng chính sách (được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM) đạt 7.186 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2021.

Tuy nhiên, với các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ, mặt bằng lãi suất khó có thể giữ nguyên. Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối cho vay khách hàng cá nhân Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có độ mở kinh tế cao nên khi các yếu tố bên ngoài như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng giá, tình trạng đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ chủ yếu tác động đến cung - cầu ngoại tệ và tỷ giá hối đoái, chứ không tác động nhiều đến lãi suất. Nhưng biến động tăng giá của các yếu tố bên ngoài này (về nguyên vật liệu nhập khẩu như xăng dầu) sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát trong nước (lạm phát do chi phí đẩy), theo đó, gián tiếp làm tăng lãi suất huy động do cơ chế lãi suất thực dương tác động, từ đó làm tăng lãi suất cho vay. Tùy thuộc vào mỗi thời điểm, lãi suất cho vay cá nhân của các ngân hàng tăng hoặc giảm phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào như chi phí vốn, chi phí vận hành, chi phí quản lý và các yếu tố đầu ra như lợi nhuận mục tiêu, trần tăng trưởng tín dụng.

“Như chúng ta đang thấy thì hiện nay, nhiều yếu tố đầu vào của các ngân hàng có xu hướng tăng như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành… Trong khi đó, áp lực về lợi nhuận và cơ chế trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn không thay đổi, nên theo quan điểm của chúng tôi, lãi suất cho vay cá nhân sẽ có xu hướng tăng trong năm 2022”, ông Vũ nói.

Tin bài liên quan