​Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group Việt Nam

​Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group Việt Nam

Làm gì để giữ chân nhân tài?

(ĐTCK) Mặc dù chưa phải là sự dịch chuyển ồ ạt, nhưng sự dịch chuyển nhân sự giỏi người Việt tại một số ngành nghề sang các doanh nghiệp ở nước ngoài đang có dấu hiệu tăng lên.

“Chảy máu chất xám” trong lĩnh vực công nghệ và kế toán/kiểm toán

Từ nửa cuối năm 2016, Navigos Search quan sát thấy tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài ngày càng nhiều trong lĩnh vực công nghệ và kế toán/kiểm toán.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập cuối năm 2015, trong đó tự do lưu chuyển lao động có tay nghề, đã tạo thêm rất nhiều cơ hội làm việc trong khu vực Đông Nam Á đối với nhân sự thuộc hai lĩnh vực trên.

Nhiều kỹ sư công nghệ của Việt Nam giỏi chuyên môn, thành thạo tiếng Anh và có kỹ năng quản lý đã ra nước ngoài làm việc, đáng kể nhất là Singapore (ngoài khối AEC là thị trường Hồng Kông).

Có một mẫu số chung ở những doanh nghiệp thành công trong việc giữ chân nhân tài là tìm những giải pháp linh hoạt để đáp ứng những nhu cầu khác nhau của đội ngũ quản lý cấp trung

Tương tự, không ít nhân sự người Việt trong ngành kế toán, kiểm toán có kinh nghiệm đã xuất ngoại, làm việc chủ yếu tại Singapore và Malaysia.

Đây thực sự là một tín hiệu tích cực đối với những nhân sự giỏi khi họ được thử sức ở môi trường làm việc tại nước ngoài, nhất là ở những nước có nền kinh tế phát triển mạnh. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến một số những khó khăn khi chúng tôi tuyển nhân sự giỏi cho doanh nghiệp trong nước. Có những thời điểm, chúng tôi không tìm được người phù hợp cho khách hàng vì ứng viên mà doanh nghiệp muốn mời về làm việc đã sang Singapore làm việc.

Một cuộc khảo sát mà Navigos Search thực hiện năm 2016 cho thấy, có 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam chọn Singapore là điểm đến tốt nhất để làm việc. Theo họ, làm việc tại Singapore sẽ có mức lương, thưởng cao hơn, cũng như cơ hội nghề nghiệp phát triển tốt hơn. Thực tế đã chứng minh, mặc dù chưa phải là sự dịch chuyển ồ ạt, nhưng đã có những dịch chuyển đáng kể các nhân sự giỏi người Việt tại một số ngành nghề.

Nhân sự cấp trung có vai trò quan trọng

Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến vai trò của nhân sự cấp trung. Quản lý cấp trung đóng vai trò rất quan trọng trong việc là cầu nối giữa lãnh đạo cấp cao và tập thể nhân viên trong công ty. Họ chính là người giúp truyền tải thực tiễn nhất các chủ trương, chính sách của lãnh đạo cao nhất tới các nhân viên cấp thấp nhất trong công ty. Quản lý cấp trung chịu trách nhiệm về hiệu quả làm việc của nhân viên do mình quản lý. Họ chính là mắt xích trung tâm trong một chuỗi các mắt xích vận hành trong một tổ chức.

Do vậy, vai trò của người quản lý đòi hỏi họ không chỉ là người hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp, giỏi chuyên môn, mà còn là những người phải có kỹ năng quản lý và lãnh đạo tập thể nhân viên trong khuôn khổ trách nhiệm của mình.

Quản lý cấp trung cũng thường được coi là lực lượng kế thừa cho những vị trí cấp cao trong tương lai. Một doanh nghiệp chỉ được coi là mạnh nếu có một đội ngũ quản lý cấp trung giỏi chuyên môn và cơ động để có thể tiếp nhận những vị trí mới tạo ra do mở rộng sản xuất - kinh doanh hoặc tái cấu trúc.

… nên dễ bị “câu kéo”

Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ quản lý cấp trung cũng là đối tượng dễ bị tác động bởi những cơ hội đưa đến từ ngoài doanh nghiệp. Có ba trường hợp thường xảy ra.

Thứ nhất, trong điều kiện nguồn cung nhân lực chất lượng cao không theo kịp nhu cầu tuyển dụng của ngày càng nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hoặc công ty trong nước cần tái cơ cấu và mở rộng kinh doanh, các doanh nghiệp luôn nhắm đến việc mời nhân sự cấp trung về làm việc với chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Thứ hai, quản lý cấp trung thường mong muốn được thăng tiến dù chưa đạt chất lượng thật sự cho vị trí cao hơn, nên khi có lời mời về làm việc cho một công ty khác thì dễ xiêu lòng.

Thứ ba, đôi khi quản lý cấp trung đạt được độ chín về kinh nghiệm, chuyên môn và khả năng lãnh đạo, nhưng doanh nghiệp không thể xáo trộn bộ máy quản lý nhằm tạo ra một vị trí trống để cất nhắc họ lên vị trí cao hơn.

Làm gì để giữ chân nhân tài? ảnh 1

Việc để mất những nhân sự quản lý cấp trung sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, bảo vệ và gìn giữ đội ngũ này luôn được các doanh nghiệp coi là nhiệm vụ trọng tâm của mình.

Theo một khảo sát của Navigos Search liên quan đến suy nghĩ của các nhân sự cấp trung tại Việt Nam về công việc hiện tại của họ, rất nhiều ý kiến cho thấy, đội ngũ này có nhiều trăn trở trong công việc. Những trăn trở đó liên quan đến lộ trình thăng tiến, chính sách đào tạo, sự gắn kết với tổ chức và sức khỏe tại nơi làm việc.

Tại những doanh nghiệp không có lộ trình thăng tiến rõ ràng, không có chính sách đào tạo và phát triển, không có chương trình gắn kết với tổ chức thì thường không giữ chân được nhân sự giỏi. Những nhân sự thuộc phân khúc này không dễ chuyển việc chỉ vì lương, mà vì những yếu tố phi tài chính liên quan đến sự phát triển của cá nhân, trong đó bao gồm sự nghiệp, môi trường làm việc. Mối quan hệ với lãnh đạo và đồng nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng để nhân sự quản lý cấp trung thêm gắn bó với tổ chức.

“Mẫu số chung” để giữ nhân tài

Giữ chân nhân tài, đặc biệt là nhân tài quản lý cấp trung, là một câu chuyện dài nhiều tập mà chúng ta khó có thể nói tường tận trong một bài viết. Có một mẫu số chung ở những doanh nghiệp thành công trong vấn đề này là tìm những giải pháp linh hoạt để đáp ứng những nhu cầu khác nhau của đội ngũ quản lý cấp trung.

Ví dụ, tại một công ty công nghệ (tạm gọi là công ty X), sự công nhận về mặt chuyên môn có ý nghĩa rất lớn với cả nhân viên và quản lý. Do vậy, ban giám đốc quyết định sáng tạo ra nhiều hình thức động viên tinh thần và ghi nhận sự đóng góp của nhân viên thuộc các cấp khác nhau.

Chẳng hạn, với quản lý cấp cao, đó là cơ hội được tham dự các hội thảo, khóa đào tạo chuyên ngành ở nước ngoài. Họ được vinh danh trong các cuộc họp thường niên dành cho quản lý cấp cao từ các quốc gia trong mạng lưới toàn cầu của công ty, hoặc đại diện công ty tại các diễn đàn công nghệ của khu vực và thế giới.

Với quản lý cấp trung, đó là cơ hội được đào tạo, được trang bị những kiến thức chuyên môn và kiến thức về quản lý. Đặc biệt, quản lý cấp trung luôn mong muốn được có cơ hội đóng góp ý kiến và nhìn thấy những sáng kiến của họ thực sự đóng góp vào sự phát triển của công ty. Do đó, công ty X thường xuyên tổ chức những cuộc họp hàng tuần, hàng tháng của đội ngũ quản lý và khuyến khích họ đưa ra ý kiến đóng góp cho hoạt động của công ty.

Quan trọng hơn, ban giám đốc công ty chú trọng đến việc thực hiện theo những ý kiến mang tính thực tiễn, sau khi có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và môi trường làm việc cụ thể.

Công ty X cũng áp dụng sáng kiến “CEO chat”, là thời gian 1 giờ dành riêng vào đầu giờ chiều mỗi ngày để từng nhân sự quản lý cấp trung có thể luân phiên thoải mái trò chuyện với tổng giám đốc về bất kỳ đề tài nào, từ công việc đến vấn đề cá nhân. Thông qua việc luôn lắng nghe và quan tâm đến sự phát triển của từng người thuộc nhóm quản lý cấp trung, công ty X đã thực sự ổn định được đội ngũ cấp quản lý của mình.

Đề xuất của Navigos Search

Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp sẽ có những thách thức khác nhau về sự gắn kết của nhân viên đối với công ty cũng như làm thế nào để có thể giữ chân được nhân tài. Đồng thời, mỗi nhân viên là một cá nhân khác nhau và doanh nghiệp khó có thể có một chính sách nhân sự làm hài lòng tất cả nhân viên của mình.

Navigos Search đề xuất một số hoạt động sau nhằm mục đích giúp doanh nghiệp tham khảo và áp dụng, nếu thấy phù hợp.

Một là, tạo ra môi trường làm việc tích cực. Ví dụ, lãnh đạo cư xử tôn trọng với nhân viên, lắng nghe ý kiến của họ, cắt bỏ một số hình thức kiểm soát gắt gao về giờ làm việc, thực hiện kỳ nghỉ phép linh hoạt… khiến nhân viên cảm thấy mình là một phần của công ty.

Hai là, xây dựng tinh thần đội nhóm. Xây dựng tinh thần đội nhóm tốt giữa các thành viên trong công ty khiến nhân viên cảm thấy gần gũi và muốn gắn bó hơn.

Ba là, có lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng và mang tính khả thi. Có rất nhiều phàn nàn từ khảo sát của Navigos Search cho thấy, việc không có lộ trình thăng tiến rõ ràng và mang tính khả thi khiến họ cảm thấy không hứng thú với công việc.

Bốn là, cảm ơn và tưởng thưởng những nhân viên xuất sắc. Những lời cảm ơn đúng lúc từ cấp trên là điều giản dị nhất mà người nhân viên trân trọng.

Năm là, giúp nhân viên cảm thấy khỏe mạnh hơn. Doanh nghiệp cung cấp các chương trình thể thao miễn phí, tạo điều kiện về thời gian có thể nghỉ ngơi dài hơn vào buổi trưa, làm việc trong môi trường sạch và xanh…, sẽ giúp nhân viên thu nạp năng lượng tích cực và giúp họ cảm thấy khỏe hơn.

Tin bài liên quan