Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 7 với mức tăng 8,5%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát đã giảm nhẹ vào tháng 7 nhưng vẫn giữ ở mức gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ ngay cả khi giá khí đốt giảm và chuỗi cung ứng được cải thiện.
Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 7 với mức tăng 8,5%

Ngày 10/8, Bộ Lao động Mỹ công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với dự báo 8,7% của các chuyên gia kinh tế theo thăm dò của Bloomberg trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn còn ở mức cao, gần với mức đỉnh 40 năm vừa thiết lập trong tháng trước (9,1%).

CPI cốt lõi (không bao gồm các giá thực phẩm và năng lượng) vẫn ổn định với mức tăng 5,9%, không thay đổi so với con số của tháng 6.

Diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ qua các tháng
Diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ qua các tháng

Giá xăng giảm mạnh trong tháng 7 và sang tháng 8/2022, với giá xăng Mỹ giảm xuống chỉ còn 4,03 USD/gallon, rẻ hơn 1 USD so với thời điểm giữa tháng 6/2022. Đà giảm mạnh của giá xăng, cùng với giá thực phẩm và các hàng hóa liên quan tới năng lượng khác, cho thấy áp lực giá đã hạ nhiệt phần nào.

Xu hướng giảm giá xăng trong hơn 50 ngày liên tiếp đã giúp người tiêu dùng Mỹ giảm bớt phần nào áp lực lạm phát sau khi chi phí năng lượng kỷ lục đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất vào tháng 6, nhưng áp lực lạm phát vẫn mạnh mẽ trên các thành phần khác của báo cáo.

"Việc giảm giá xăng là rất đáng hoan nghênh, nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề lạm phát. Người tiêu dùng đang thoải mái hơn ở trạm bơm xăng, nhưng không phải ở cửa hàng tạp hóa”, Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate cho biết.

Ngay cả với những con số thấp hơn dự kiến, áp lực lạm phát vẫn mạnh mẽ. Các con số cho thấy áp lực lạm phát đang giảm bớt phần nào nhưng vẫn ở gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.

Chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu hàng hóa quá mức so với nhu cầu dịch vụ và hàng nghìn tỷ đô la trong các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ liên quan đến đại dịch đã kết hợp lại để tạo ra một môi trường giá cả cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu.

Dù lạm phát hạ nhiệt, song nhiều chuyên gia cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt.

“Ngay cả khi lạm phát tổng thể giảm tốc nhờ đà lao dốc giá năng lượng, thì lạm phát lõi vẫn còn rất cao. Fed có khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ vì họ lo ngại lạm phát cao sẽ ‘bén rễ’ vào kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng”, Blerina Uruci, Chuyên gia kinh tế tại T. Rowe Price Group Inc, cho hay.

Mặc dù Fed cũng nhắm tới lạm phát tổng thể, nhưng họ xem lạm phát lõi mới là chỉ báo đáng tin cậy về lạm phát tương lai. Các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách đang theo dõi lạm phát lõi để ước tính về thời điểm Fed đạt mục tiêu lạm phát 2%. Trong năm nay, Fed đã tăng lãi suất lên 2,25% tính tới thời điểm hiện tại và các quan chức hoạch định chính sách đã đưa ra những dấu hiệu mạnh mẽ rằng sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa.

Có một số tin tốt vào đầu tuần này khi một cuộc khảo sát của Fed ở New York chỉ ra rằng, người tiêu dùng đã giảm bớt kỳ vọng lạm phát trong tương lai. Nhưng hiện tại, chi phí sinh hoạt tăng cao vẫn là một vấn đề nan giải.

Tin bài liên quan