Lạm phát: Nguy cơ rình rập nền kinh tế Nga năm 2008

Phát biểu tại phiên họp của Chính phủ Nga mới đây, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2008 là giảm lạm phát. Tờ Gazeta (Nga) dẫn lời Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Alexei Ylyukayev dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2008 sẽ cao hơn 1-2% so với dự tính trước đây (6-7%).

 

Bóng dáng của nạn lạm phát có thể nhìn thấy từ năm 2007. Cơn trượt giá hàng tiêu dùng mùa Thu năm ngoái đã giáng một đòn đau vào dân thường. Nhưng đó chỉ là phần nhìn thấy được của tảng băng chìm, bên cạnh giá hàng tiêu dùng tăng, năm 2007 còn chứng kiến sự nhảy vọt giá của ngành công nghiệp, trong một số trường hợp lên tới mức 80%/năm. Trong nhiều lĩnh vực, giá nội địa ở Nga đã vượt giá thế giới. Dự báo, làn sóng lạm phát có thể ập lên đầu những người tiêu dùng vào đầu quý II/08.

 

Trước phiên họp của nội các, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và thương mại Nga, ông Andrei Beloysov tuyên bố chính phủ sẽ cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 8,5% năm 2008 và 6% năm 2010. Theo ông, vấn đề lạm phát hiện gói gọn trong mặt hàng thực phẩm và xi măng. Cuối tháng 11/07, giá thực phẩm tối thiểu ở Nga trung bình là 1.754 rúp (hơn 70 USD)/tháng/người. Tính từ đầu năm 2007, mức giá này đã tăng 19%. Đặc biệt, chỉ trong thời gian từ tháng 11/06-11/07, dầu hướng dương tăng 51,4%, bơ tăng 39,1%.

 

Mọi tấm huân chương đều có mặt trái. Giá nhiên liệu cao nuôi dưỡng ngân sách của Nga nhưng đồng thời cũng đẩy lạm phát lên, bởi cùng với sự nhảy vọt của giá thế giới thì giá trong nước cũng tăng. Cũng trong 1 năm từ tháng 11/06, mức tăng giá ở các hãng khai thác nhiên liệu của Nga là 48%. Có thể nói rằng cơn bùng nổ lạm phát năm 2008 đang chín muồi trong lòng thị trường nhiên liệu Nga. Giá các loại nhiên liệu phổ biến tăng nhanh hơn cả, như xăng A-92 (tháng 11/07 tăng 9,9% và cả năm là 26,3%), dầu điêden (tháng 11/07 tăng 11,3% và cả năm tăng 21,5%). Sau một năm, giá dầu thô ở Nga tăng 40,3%, từ 4.434 rúp (gần 1.800 USD)/tấn lên 6.223 rúp/tấn.

 

Trung bình giá xăng tiêu dùng chỉ tăng 4,7%/năm. Đó là kết quả của chính sách kìm hãm giá bán lẻ nhiên liệu trong giai đoạn tiền bầu cử do các hãng dầu mỏ đưa ra. Tuy nhiên, sau tháng 3/08, khả năng việc kìm hãm này sẽ bị bãi bỏ và sự tụt hậu của giá bán lẻ so với giá buôn sẽ được bù đắp. Năm 2007, giá khí đốt đối với các cơ sở sản xuất tăng 15%, giá điện tăng 10%. Năm 2008, mức tăng biểu giá khí đốt đối với các cơ sở sản xuất được ấn định là 25%. Theo lộ trình này, đến năm 2011, mức giá nội địa sẽ bằng giá xuất khẩu sau khi đã trừ thuế quan và phí vận chuyển. Năm 2007, khí đốt trên thị trường Nga có giá trung bình gần 52 USD/1.000 m3, còn các nhà nhập khẩu châu Âu phải mua khí đốt của Nga với giá khoảng 250 USD/1.000 m3. Nếu giá khí đốt không được (nhà nước) điều chỉnh, thì sau khi trừ thuế quan và phí vận chuyển, người tiêu dùng Nga sẽ phải trả khoảng 120-130 USD/1.000 m3 trong năm nay.

 

Chuyên gia phân tích của hãng Phinam, ông Vladislav Kochetkov dự báo, trong năm 2008 giá khí đốt, điện và phương tiện giao thông sẽ tăng đáng kể, ước khoảng 20%. Giá thực phẩm cũng sẽ tăng tương ứng. Có thể nói chắc rằng giá nhiên liệu cao đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của nhiều ngành kinh tế và cho việc đa dạng hóa nền kinh tế.

 

Theo số liệu của Ủy ban Thống kê Nga, mức tăng giá tối đa thuộc về than cốc (83%). Giá của than cốc trong tháng 11/07 được đẩy lên tương đương 3.200 rúp (hơn 1.300 USD)/tấn (chưa tính thuế giá trị gia tăng), trong khi hồi tháng 1/07, con số này là 1.900 rúp/tấn. Mức tăng giá than vượt tốc độ lạm phát khiến cho mọi kế hoạch phát triển trở nên hoàn toàn phi hiện thực, trong đó có việc tăng số lượng các nhà máy điện chạy than. Tổng giám đốc tổ hợp TGK-9 Andrei Makarov khẳng định. ngành than sẽ hành động theo cơ chế thị trường: Khí đốt tăng giá thì than cũng tăng.

 

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nga đang rất cần tiền. Tuyệt đại đa số các ngành đều đòi hỏi phải hiện đại hóa các quỹ đầu tư, tín dụng đã lỗi thời. Gom tiền chỉ có thể bằng hai cách: Thu hút đầu tư thông qua thị trường chứng khoán hoặc đi vay. Thị trường chứng khoán Nga mấy năm gần đây phát triển thật ấn tượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo năm 2008 có thể không thuận lợi như trước. Các quan chức của các cơ quan tài chính nhắc đi nhắc lại rằng cơn khủng hoảng tín dụng ở Mỹ không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Nga. Tuy nhiên, để chống khủng hoảng thanh toán, Ngân hàng Trung ương Nga đã tung tiền ra thị trường, bất chấp các chỉ số lạm phát đáng lo ngại (ví dụ, hồi tháng 8/07, Ngân hàng Trung ương cho các ngân hàng vay 650 tỷ rúp). Tóm lại, cơn khủng hoảng thanh toán cũng như sự tăng giá nhiên liệu trước hết giáng một đòn vào tiến trình đa dạng hóa nền kinh tế, đánh vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh ít lợi nhuận nhất.

 

Khoản chi của nhà nước tăng 24% năm 2007, và dự kiến tăng 15-18% trong 3 năm tới. Mối lo ngại đặc biệt nảy sinh từ việc chi phí cho quốc phòng, an ninh và các vấn đề toàn quốc tăng vượt mọi chỉ số. Đó là các khoản chi để nuôi đội quân công chức ngày càng phình ra và tiền lương cho họ tăng 2-3 lần. Đây chính là yếu tố làm tăng lạm phát. Tính chất thiếu hiệu quả của các khoản đầu tư nhà nước cũng là một nguyên nhân khiến lạm phát phi mã.

 

Thứ trưởng Andrei Belousov khẳng định vẫn có thể kiềm chế lạm phát trong năm 2008. Còn Phó giám đốc Cơ quan Chống độc quyền liên bang Anatoly Golomolzin khẳng định: "Gần 80% vi phạm trên thị trường lương thực Nga có liên quan tới các vụ móc ngoặc của các tập đoàn, có nghĩa là nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình để kiếm chác thêm, thậm chí cả bằng cách vi phạm luật chống độc quyền.

 

Còn các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thì cho rằng lạm phát bao giờ cũng xuất phát từ chính sách tiền tệ và cần phải hiểu là khi không chỉ một số mặt hàng riêng rẽ tăng giá mà giá tăng chung thì nó báo hiệu chính phủ đang áp dụng một chính sách tiền tệ mềm mỏng. Năm 2008 chính sách tiền tệ của Nga còn mềm hơn: Có sự điều chỉnh ngân sách tại phiên họp của chính phủ trong tháng Giêng, theo đó lương của người hưởng ngân sách và lương quân nhân sẽ tăng. Do đó, nếu năm 2008 tỷ lệ lạm phát không cao hơn năm 2007 (12%) thì đó đã là thành công của chính sách kinh tế rồi.