Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong phiên làm việc sáng 7/11

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong phiên làm việc sáng 7/11

Làm rõ vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ Luật Đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay 7/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này. So với Luật Đấu thầu 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.

Nội dung của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật.

Nhóm 1, các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu.

Nhóm 2, các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

Nhóm 3, các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

Nhóm 4, các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu

Nhóm 5 các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.

Trong nhóm 1, theo Bộ trưởng, Luật này tiếp tục quy định về hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, đồng thời bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 1).

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đã được quy định thống nhất theo hướng. Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai, đồng thời quy định phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và các yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường của dự án đầu tư sử dụng đất.

Luật Đất đai quy định về trường hợp, điều kiện xác định khu đất được lựa chọn để đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về giao đất, cho thuê đất; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án có sử dụng đất.

Cũng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật đã xác định rõ phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Cụ thể, tiếp tục áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (điểm b khoản 1 Điều 1).

Không áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng (bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013).

Đồng thời, để phù hợp với phạm vi điều chỉnh nêu trên của Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Luật (khoản 32 Điều 4) đã sửa đổi khái niệm “Vốn nhà nước”. Theo đó, vốn nhà nước gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ngoài vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, tránh xung đột, mâu thuẫn giữa Luật Đấu thầu và các Luật có liên quan trong quá trình thực hiện, khoản 3 Điều 1 của đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ các hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Cụ thể như thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất; xác định thành viên trong ban phân xử tranh chấp, hội đồng trọng tài để xử lý tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện 8 hợp đồng; lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài để thực hiện gói thầu ở nước ngoài; lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ).

Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật có nhiều thay đổi so với luật hiện hành, trong đó:

(i) Bổ sung quy định đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành (khoản 2 Điều 1);

(ii) bỏ quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng;

(iii) Bổ sung quy định về các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật (khoản 3 Điều 1).

Tin bài liên quan