Các đại biểu ấn nút phát động Giải thưởng ảnh và video clip “Công nghệ từ trái tim - Technology with heart”.

Các đại biểu ấn nút phát động Giải thưởng ảnh và video clip “Công nghệ từ trái tim - Technology with heart”.

Lần đầu tiên có giải thưởng ảnh và video clip về công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 25/1, Thông tấn xã Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp tổ chức Lễ phát động Giải thưởng ảnh và video clip “Công nghệ từ trái tim - Technology with heart”.

Bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết, công nghệ thông tin giờ đây đã có mặt ở mọi phương diện của đời sống, làm cho nhiều hoạt động của xã hội trở nên thuận tiện hơn, minh bạch hơn và cũng giúp mỗi người có thể vượt qua được giới hạn của chính mình. Hơn thế, với những ứng dụng của trí tuệ thông minh, công nghệ còn giúp chúng ta hiểu được mong muốn và nhu cầu của công chúng, đối tác và những người xung quanh chúng ta thông qua dữ liệu hàng ngày. Điều này giúp các cơ quan, tổ chức có thể hiểu hơn được đối tượng mà mình phục vụ để tạo ra những sản phẩm vừa hữu ích vừa gần với mong muốn và sở thích của công chúng

"Với mong muốn truyền đi thông điệp con người là trung tâm, là giá trị cốt lõi mà mọi sản phẩm công nghệ hay truyền thông hướng tới và tất cả mọi người dân đều có quyền và cơ hội tiếp cận công nghệ cũng như thông tin, Thông tấn xã Việt Nam và Viettel phối hợp tổ chức Giải thưởng ảnh và video clip với chủ đề “Công nghệ từ trái tim – Technology with heart”. Giải thưởng mong muốn khích lệ các tác giả bằng ống kính và nhiệt huyết của mình ghi lại những khoảnh khắc, những hành động có ý nghĩa, những điều tuyệt vời mà công nghệ mang lại cũng như lan tỏa mạnh mẽ những giá trị nhân văn và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên đáng sống hơn mỗi ngày", bà Trang cho biết.

Chia sẻ tại sự kiện phát động Giải thưởng, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, từ khi smart phone và các thiết bị hiện đại trở nên phổ biến thì vai trò của ảnh báo chí phần nào đó đã giảm sút. Thậm chí cách đây vài năm có một số cơ quan báo chí còn giảm tải phóng viên ảnh vì cho rằng những bức ảnh đến từ điện thoại là đủ. Nhưng bây giờ, sau một thời gian họ đã nhận sai lầm. Nhất là khi giờ đây thể loại Visual Story telling kể chuyện bằng thị giác đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trước đây chúng ta có thể kiên nhẫn đọc hàng chữ trong một bài báo. Nhưng bây giờ cách tiếp nhận thông tin đã thay đổi hoàn toàn, không nhiều người còn chịu khó đọc dài mà chuyển sang xem hình, video.

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện báo chí Reuter thì trong tương lai, xu hướng chuyển sang audio và video sẽ ngày càng quan trọng. Các cơ quan báo chí lớn của thế giới cũng nhận ra rằng ảnh và video chuyên nghiệp vẫn là thế mạnh của báo chí và báo chí trong lĩnh vực này càng phải chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, công nghệ nay hiện diện khắp nơi và đã đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và hỗ trợ chúng ta rất nhiều. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Rõ ràng trong báo chí, công nghệ ngày càng quan trọng. Trước kia báo chí chỉ là tờ giấy, cây bút, chiếc máy ảnh, nhưng giờ đây công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu của báo chí và nếu thiếu công nghệ, báo chí không thể phát triển được

"Trong những nghiên cứu mới về báo chí, chúng tôi nhận thấy một số xu thế đang gây nhiều lo ngại. Đó là việc đọc giả đang chán nản vì đọc quá nhiều nội dung tiêu cực. Vì vậy,nếu chúng ta không dùng công nghệ để viết ra những câu chuyện, chụp ra những bức hình, làm những video clip hấp dẫn; dùng công nghệ để đưa những nội dung phù hợp, cá nhân hoá đến từng người dân thì rất khó giữ chân bạn đọc. Và nếu không giữ chân được bạn đọc thì đừng nói đến chuyện tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước", ông Minh chia sẻ.

Theo Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, các tác phẩm tham dự giải thưởng có thể thể hiện nội dung Chính phủ Số để người dân được phục vụ tốt hơn, bao gồm: Tư vấn chiến lược, xây dựng khung kiến trúc và triển khai chính phủ điện tử, đô thị thông minh, việc cung cấp dịch vụ công trên Môi trường Số, đổi mới mô hình hoạt động, quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong quản lý và phát triển kinh tế-xã hội…

Ngoài ra, các tác giả có thể khai thác đề tài Kinh tế Số để người dân giàu có hơn, bao gồm: Hạ tầng Số, Chuyển đổi Số doanh nghiệp, Tài chính Số, Giao thông Số, Nội dung Số…; Xã hội Số để người dân hạnh phúc hơn, gồm: Y tế Số, Giáo dục Số, Truyền thông Số…; An ninh mạng để người dân sống và làm việc an toàn hơn trên môi trường số.

Thể lệ giải thưởng:

Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Từ khi tổ chức lễ phát động đến hết ngày 30/4/2024.

Lễ tổng kết và trao giải: Dự kiến vào cuối tháng 5/2024.

Nơi tiếp nhận ảnh và video clip: https://congnghetutraitim.com/.

Giải thưởng cho các tác phẩm ảnh: 02 bộ giải cho ảnh đơn và ảnh bộ

Giải Nhất: 02 giải, mỗi giải 50 triệu đồng (01 giải cho ảnh đơn và 01 ảnh bộ).

Giải Nhì: 04 giải mỗi giải 40 triệu đồng (02 giải cho ảnh đơn và 02 giải cho ảnh bộ).

Giải Ba: 06 giải mỗi giải 30 triệu đồng (03 giải cho ảnh đơn và 03 giải cho ảnh bộ).

Giải Khuyến khích: 10 giải khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng (05 giải cho ảnh đơn và 05 giải cho ảnh bộ).

Giải thưởng cho các tác phẩm video clip:

Giải Nhất: 01 giải, mỗi giải 50 triệu đồng.

Giải Nhì: 02 giải, mỗi giải 40 triệu đồng.

Giải Ba: 03 giải, mỗi giải 30 triệu đồng.

Giải Khuyến khích: 5 giải, mỗi giải 10 triệu đồng.

Tin bài liên quan