Lắng nghe cổ đông MB

Lắng nghe cổ đông MB

(ĐTCK) 551 người, đại diện cho 17.000 cổ đông MB đã tham dự ĐHCĐ thứ 20 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Không ít cụ ông, cụ bà tuổi 70-80, tóc đã bạc trắng, mua cổ phiếu từ ngày đầu phát hành vẫn cố gắng đến dự Đại hội này.

Sự trung thành và trách nhiệm của các cổ đông MB, như lời bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội, là một nét đẹp, một niềm vinh dự riêng có của MB. Nhưng cũng chính cơ cấu cổ đông như vậy, đã luôn đặt lên vai người lãnh đạo MB một áp lực rất lớn: làm thế nào để hoạt động hiệu quả và cân bằng các lợi ích (cổ đông, người lao động, MB và xã hội), để tạo nên sự phát triển hài hòa và vững mạnh của MB?

 

Cuộc thảo luận nóng bỏng

Bắt đầu Đại hội từ 8h sáng, nhưng đến 14h chiều 24/4/2013, cuộc thảo luận về mức chia cổ tức 2012 giữa các cổ đông MB với HĐQT vẫn chưa đi đến thống nhất. Các ý kiến cổ đông phát biểu tại Đại hội đều đề xuất MB phải chia cổ tức năm 2012 tối thiểu 15% , chứ không thể chia ở mức 12% như tờ trình của HĐQT, với lý do nhiều năm nay, MB chia cổ tức 17-18%/năm và năm 2012, MB đạt lợi nhuận cao nhất khối ngân hàng TMCP (không tính các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối). Ở phía HĐQT, kiên định với định hướng chiến lược đã vạch ra, trong bối cảnh nền kinh tế năm 2013 còn nhiều thách thức, MB rất cần sự hợp sức, chia sẻ của cổ đông để vững vàng vượt khó, cả Chủ tịch MB, Thượng tướng Lê Hữu Đức và Phó chủ tịch thứ nhất HĐQT MB, ông Lê Văn Bé, đã dành nhiều thời gian để tìm sự đồng thuận của các cổ đông. Cuộc thảo luận về cổ tức vẫn nóng bỏng đến tận phút cuối cùng.

“HĐQT hãy thêm lửa cho chúng tôi”, bác Thành, cổ đông đã mua cổ phiếu MB từ ngày đầu phát hành, hiện sống tại TP. HCM, phát biểu khi đề xuất nâng cổ tức lên 15%. Anh Sơn, một cổ đông khác, sau nhiều ý kiến chất vấn MB, cũng bày tỏ không đồng ý với mức cổ tức 12%, với lý do TTCK đang rất khó kiếm lời, các cổ đông chỉ trông chờ vào cổ tức. “MB kinh doanh có lãi”, anh nói. 

Cổ đông mang phiếu 15745 phát biểu, rất nhiều người góp vốn vào MB là cán bộ đã nghỉ hưu, năm nay, đời sống kinh tế khó khăn hơn, trong khi MB đứng đầu về lợi nhuận so với các ngân hàng khác, nên MB cần trả cổ tức cho cổ đông tối thiểu 15%. Có cổ đông (Nguyễn Tuấn Việt, Trần Huy Quyết) đề xuất HĐQT nâng mức cổ tức lên đến 20%. Duy nhất 1 cổ đông nữ, khoảng 70 tuổi, đã phát biểu không đồng tình với việc chia cổ tức nhiều. Theo bà, trong lúc cả xã hội khó khăn thì “nhà giàu cũng cần cho con mặc bình thường, không nên mặc đẹp”. Cũng theo ý kiến cổ đông này thì MB nên chọn cách chia một phần cổ tức bằng tiền, một phần bằng cổ phiếu, thay vì chia bằng tiền xong, lại chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ đông sẽ thiệt hơn do phải nộp khoản thuế từ cổ tức.

Lắng nghe cổ đông MB ảnh 1

Năm 2013, cùng với kế hoạch lợi nhuận 3.400 tỷ đồng, MB còn đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, lên 15.000 tỷ đồng

Trả lời các đề xuất tăng cổ tức của cổ đông, HĐQT MB chia sẻ, mong đợi này là rất chính đáng, nhưng trong bối cảnh kinh doanh ngân hàng rất khó khăn, lãi suất liên tục giảm, MB cần “dự trữ lương thực”, tích tụ vốn chủ sở hữu để thực hiện mục tiêu dài hạn. Hơn nữa, HĐQT MB cho rằng, cổ đông hãy chia sẻ với Ban lãnh đạo Ngân hàng, bởi mức cổ tức 12% nếu so với chính MB các năm trước là không bằng, nhưng so với mặt bằng cổ tức năm qua của các ngân hàng cổ phần thì đây vẫn là mức chia cao.

Nếu như các cổ đông nhỏ kiên trì với mong muốn mức cổ tức cao hơn thì các cổ đông lớn lại đồng nhất với việc HĐQT chia cổ tức 12%, phần lợi nhuận chưa phân phối sẽ cần thiết để MB tích tụ nội lực để vượt mọi khó khăn, phát triển bền vững trong thời điểm nền kinh tế còn “khó khăn hơn cả năm 2012”. Chốt kết quả biểu quyết, ĐHCĐ MB đã thống nhất thông qua mức chia cổ tức 12% như đề xuất ban đầu của HĐQT.

 

Áp lực người lãnh đạo

Quý I/2013, Tổng giám đốc MB, ông Lê Công cho biết, MB đạt 808 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 24% kế hoạch năm. Không nằm ngoài xu hướng chung, trong quý này, tăng trưởng tín dụng của MB âm 1%, nợ xấu có dấu hiệu tăng nhẹ. Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Công cho biết, ông đề xuất HĐQT 2 kịch bản cho MB năm 2013, kịch bản 1 là nền kinh tế sẽ tốt hơn năm 2012 và kịch bản 2 là triển vọng kinh tế không như kỳ vọng. Tuy nhiên, ông  cũng bày tỏ tin tưởng, với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, kịch bản 1 sẽ diễn ra, nền kinh tế sẽ sáng dần vào cuối năm 2013 và khi đó, MB sẽ thực hiện được mục tiêu lợi nhuận 3.400 tỷ đồng, cùng với việc kìm giữ nợ xấu ở 2,5%.

Nhưng nếu kịch bản 2 xảy ra thì sao? Nếu nền kinh tế diễn biến khó khăn hơn, MB phải làm thế nào để vững bước? Không một cổ đông nào đặt ra câu hỏi này tại Đại hội, nhưng ở vai trò chủ trì, phương án dự phòng về khả năng nền kinh tế gặp khó khăn hơn đã được Ban lãnh đạo MB tính đến, trong đó, việc giữ lại một phần lợi nhuận năm 2012 để tăng tính an toàn cho MB, là cách mà MB phải thực hiện.

Một cổ đông bày tỏ sự tự hào của ông về MB khi nói, trong khó khăn, nhiều ngân hàng khác liên tục xuất hiện sự cố, xuất phát từ con người, từ đạo đức hành nghề, nhưng tại MB, không có vấn đề gì xảy ra. Ông kể, có lần ông đến  MB “phỏng vấn” một cô nhân viên mới, sao lại chọn làm việc tại MB trong khi ở đây lương thấp hơn một số ngân hàng khác? Câu trả lời là tại MB, cô được hưởng lương thấp hơn, nhưng chỉ cần mang thương hiệu “Quân đội”, là cô tin mình sẽ được đào tạo để trở thành nhân sự tốt và cô yên tâm vào sự ổn định công việc.

Đó là người ngoài MB cảm nhận, còn ở cương vị Tổng giám đốc, ông Lê Công từng chia sẻ, MB mang thương hiệu Quân đội, đó là vinh dự, nhưng cũng là một áp lực rất lớn. “Hai tiếng Quân đội đã thấm đẫm vào nhân dân, là niềm tự hào của cả dân tộc, nên trong mọi trường hợp, MB phải giữ gìn và phát triển xứng đáng với thương hiệu này”, ông nói. Cũng theo Tổng giám đốc MB, MB tự hào là từ cán bộ cấp cao đến nhân viên, không có lợi ích nhóm trong Ngân hàng, tất cả chung một mục tiêu vì sự phát triển bền vững của Ngân hàng.

Năm 2013, cùng với kế hoạch lợi nhuận 3.400 tỷ đồng, MB còn đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, lên 15.000 tỷ đồng. Rất nhiều cổ đông thắc mắc, tại sao MB không tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong khi nhiều ngân hàng khác tìm được? Liệu các nhà đầu tư chiến lược trong nước có sẵn sàng tăng đầu tư vào MB nữa không trong bối cảnh Chính phủ muốn hạn chế việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước? Trước các câu hỏi rất thẳng thắn này của cổ đông, HĐQT MB cho biết, nhiều đối tác ngoại đã đến với MB, nhưng những tiêu chuẩn khắt khe mà Ngân hàng TMCP Quân đội đặt ra khi chọn lựa đối tác ngoại, đã khiến MB chưa quyết được đối tác. Về cổ đông chiến lược trong nước, nhiều cổ đông chiến lược sẵn sàng rót thêm vốn vào MB, nhưng cái khó là quy trình thủ tục để chính thức hóa quyết định này.

Trong việc tìm đối tác chiến lược, ông Lê Văn Bé trở lại câu chuyện cổ tức khi chia sẻ, lợi nhuận để lại cũng là một điều kiện quan trọng khi đàm phán với đối tác. “Cơm chưa ăn gạo vẫn còn. Lúc dư giả cần dự phòng lương thực cho lúc đói”. Đó là “của để dành”, để tăng sức mạnh tài chính cho MB trong mục tiêu quan trọng nhất là giúp MB luôn vững bước.

ĐHCĐ MB khép lại với tất cả các tờ trình của HĐQT được thông qua, dù tỷ lệ không trọn vẹn. Có thể, nhiều cổ đông ra về đã không thật hài lòng khi mong đợi cổ tức cao hơn 12% của họ chưa được thực hiện. Nhưng nếu tính lại, trải qua một năm 2012 quá khó khăn, MB dù đạt lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng, nhưng cũng chỉ đạt trên 80% kế hoạch ĐHCĐ giao phó. Với kết quả này, MB quyết chia cổ tức bằng 80% mức cổ tức dự kiến (80% của 15%) là 12%, là rất sòng phẳng và hợp logic chứ? Hơn nữa, nếu đặt mình vào vị trí người lãnh đạo của Ngân hàng sẽ thấu hiểu, năm 2013 nền kinh tế có thể còn khó khăn hơn năm 2012, để tăng trưởng lợi nhuận 12% năm nay, hơn bao giờ hết, MB cần sự ủng hộ của cổ đông để tích tụ nội lực, vượt khó và vươn lên.

ĐHCĐ MB khép lại, nhưng cuộc thảo luận nóng bỏng giữa cổ đông đại chúng và Ban chủ tọa tạo nên những ấn tượng khó quên với tất cả người dự họp. Nhiều tràng vỗ tay đã vang lên trong gần 6 tiếng liên tục của cuộc họp để cổ vũ những phân tích sắc sảo, thuyết phục của các cổ đông “gạo cội” và đầy trí tuệ của MB. Nhưng việc tạo nên một không gian đối thoại cởi mở, kiên nhẫn lắng nghe cổ đông, kiên định thuyết phục cổ đông hãy chia sẻ và chung sức giúp MB vượt mọi khó khăn, phát triển bền vững của HĐQT cũng là một điểm cộng tại Đại hội này. Cuộc đối thoại trở nên ấn tượng và đáng nhớ hơn, bởi Chủ tọa MB là một vị tướng, một Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Lắng nghe cổ đông MB để hiểu, bối cảnh kinh tế khó khăn khiến việc DN làm ra lợi nhuận đã rất khó, nhưng phân phối lợi nhuận như thế nào để vẫn theo đuổi được mục tiêu chiến lược và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, còn khó hơn nhiều. Để giải bài toán này, đòi hỏi cả cái Tâm, cái Tầm của người lãnh đạo. Và cuối cùng, thời gian sẽ mang đến câu trả lời tốt nhất cho tất cả những thắc mắc còn đọng lại của hôm nay.