Lấy phiếu tín nhiệm thực chất để “chữa bệnh” sợ trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
Khi căn bệnh sợ trách nhiệm được tranh luận sôi nổi trên nghị trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm một cách thực chất sẽ góp phần quan trọng vào việc chữa trị căn bệnh đó.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường.

Tuần qua, chủ đề được tranh luận sôi nổi nhất tại nghị trường là giải pháp chữa trị căn bệnh sợ sai, né trách nhiệm. Cùng lúc, quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (người được lấy phiếu) cũng được trình Quốc hội sửa đổi để chuẩn bị cho hoạt động này vào kỳ họp tháng 10 năm nay. Việc lấy phiếu có ý nghĩa thế nào trong việc đẩy lùi căn bệnh trên, thưa ông?

Lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND là hoạt động rất quan trọng, là dịp để các đại biểu dân cử đại diện cho cử tri đánh giá về năng lực, trách nhiệm của những người được bầu và phê chuẩn xem họ có xứng đáng với tín nhiệm của cử tri hay không. Đây cũng là dịp để những người được lấy phiếu tiếp tục hoàn thiện mình để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tốt hơn.

Việc đánh giá tín nhiệm không chỉ diễn ra ở Quốc hội, mà còn ở cả HĐND các cấp, chắc chắn có tác động không nhỏ đến tâm lý sợ sai, né trách nhiệm như nhiều đại biểu nói. Bởi vì, nếu số phiếu tín nhiệm thấp nhiều quá (quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND), thì dẫn đến hệ quả cho từ chức hoặc bị bỏ phiếu tín nhiệm.

Có lẽ vì ý nghĩa đó mà Chính phủ đề nghị lần sửa đổi này, cần nghiên cứu về tiêu chí, cách thức, mẫu phiếu lấy tín nhiệm sao cho việc lấy phiếu tín nhiệm trở nên thực chất và hiệu quả hơn. Thế nhưng, các mức độ đánh giá tín nhiệm ở dự thảo trình Quốc hội lại không có gì thay đổi so với các lần trước, vẫn ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Vậy làm thế nào để kết quả lấy phiếu thực chất nhất có thể?

Để thực chất, mỗi đại biểu đều cần đánh giá hết sức khách quan, công tâm, không nên để tình cảm cá nhân chi phối lá phiếu, mà phải nhìn vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người được lấy phiếu như thế nào. Muốn vậy, mỗi đại biểu phải tận tâm nghiên cứu kỹ, nghiên cứu sâu về lĩnh vực phụ trách của những người được lấy phiếu, nhìn nhận đầy đủ cả mặt được và hạn chế.

Đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử nói chung có nhiệm vụ quan trọng giám sát cơ quan hành pháp và việc thực thi pháp luật. Đương nhiên, qua hoạt động đó, bắt buộc phải có nhận xét, nhận định về những người thực thi, đã có nhận biết và có hiểu biết về những người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thực thi quyền hạn của mình như thế nào, hạn chế yếu kém ra sao rồi.

Bên cạnh đó, có nhiều chỉ số đánh giá mức độ hài lòng với các bộ, ngành mà đại biểu có thể tham khảo. Rồi qua giám sát, chất vấn, những lần người được lấy phiếu báo cáo, giải trình trước Quốc hội về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực của họ cũng là căn cứ quan trọng. Chưa kể, nếu có thông tin gì mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết phải làm rõ hơn, thì hoàn toàn có thể trực tiếp gửi văn bản yêu cầu họ giải thích, hoặc gửi văn bản chất vấn, chứ không phải chờ họ đến tận phòng Diên Hồng (nơi Quốc hội họp) để giải trình.

Khi nhận được văn bản trả lời, nhiều đại biểu công khai luôn trên các phương tiện truyền thông. Như thế vừa minh bạch, vừa để các đại biểu khác cũng có thể tham khảo, để nhân dân giám sát. Điều đó làm cho việc trả lời của các vị được lấy phiếu không thể hời hợt, qua loa cho xong, mà phải trả lời rất trách nhiệm.

Đại biểu có quyền yêu cầu cung cấp thông tin và chất vấn cả trực tiếp và bằng phiếu, quan trọng là đại biểu có sử dụng quyền đó và sử dụng có hiệu quả hay không. Như vậy là hoàn toàn có cơ chế, quan trọng là các đại biểu có sử dụng cơ chế đó hay không thôi.

Tóm lại, nếu chịu khó tìm hiểu và lắng nghe, thì có thể hiểu được rằng, nếu người được lấy phiếu chưa làm tốt công việc của họ, nguyên nhân có thể do năng lực hay do nguyên nhân khác. Nhưng dù gì thì tự đánh giá vẫn ít nhiều có sự chủ quan, để sâu sát hơn nữa, người đại diện cho cử tri phải nghiên cứu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, thông tin báo chí để đánh giá khách quan, công tâm hơn.

Tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có ý kiến đề nghị cần cơ chế để bảo đảm quyền được giải trình của người được lấy phiếu. Làm thế nào để đảm bảo quyền này?

Một hạn chế trong lĩnh vực nào đó có nguyên nhân khách quan, do cơ chế chính sách và có những nguyên nhân từ chủ quan. Khi đánh giá tín nhiệm, cần phải xem người được lấy phiếu ở lĩnh vực đó có khắc phục được hạn chế hay không, cách khắc phục như thế nào. Có thể có những hạn chế chưa chắc đã do nguyên nhân chủ quan, nên để họ được giải trình là rất quan trọng.

Nhưng như đã nói ở trên, bên cạnh giải trình trước Quốc hội, người được lấy phiếu có thể giải trình bằng cách gửi văn bản cho đại biểu. Cơ chế đó hoàn toàn có thể thực hiện được.

Một trong những căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm là sự liêm chính. Trước kỳ họp này, qua giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập tại nơi cư trú của người kê khai để nhân dân giám sát. Ông nghĩ sao về kiến nghị này?

Theo tôi, đó là kiến nghị hợp lý, nhưng cần tính toán xem công khai ở đâu, mức độ nào, như thế nào. Khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng, cũng có rất nhiều tranh cãi về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, nếu công khai thì liên quan đến quyền tài sản và cả việc bảo vệ những tài sản đó nữa.

Ở một số nước, người ta bắt buộc công khai tài sản với một số vị trí lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, công dân truy cập vào mạng là có thể tìm thấy hồ sơ này. Nhưng muốn làm được như thế, thì có quy định rất cụ thể về việc mã hóa địa điểm, đặc điểm của tài sản.

Còn nếu công khai một vị lãnh đạo có bao nhiêu nhà, bao nhiêu tiền, vàng, địa chỉ thế nào, thì liên quan đến quyền bảo đảm bí mật tài sản của cá nhân. Vì thế, bản kê khai tài sản hiện nay vẫn công khai, nhưng ở mức độ nhất dịnh, ví dụ ở nơi làm việc thì toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức đều tiếp cận được. Hoặc khi một người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, vẫn có công khai tài sản tại nơi cư trú.

Tin bài liên quan