Lên sàn là khoa học

Lên sàn là khoa học

(ĐTCK)  Việt Nam hiện còn trên 30 ngân hàng cổ phần chưa đưa cổ phiếu vào niêm yết. Trừ những ngân hàng không đủ điều kiện, những ngân hàng có đủ điều kiện niêm yết tại sao lại không lên sàn?

Cuộc họp tổng kết Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán cuối năm 2013 có sự hiện diện của nhiều chuyên gia và các lãnh đạo đầu ngành chứng khoán.

Một trong những chủ đề nóng hổi được bàn thảo giữa nhà báo - chuyên gia và nhà quản lý là về thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các ngân hàng phải niêm yết trên TTCK, để thực thi sự minh bạch.

Dẫn câu chuyện MB đã lên sàn trong thời điểm TTCK khó khăn nhất (năm 2011), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng cho rằng, đó là minh chứng cho sự minh bạch, sự dũng cảm, nơi mà Ban lãnh đạo thực sự vì quyền lợi của cổ đông và vì sự phát triển bền vững của Ngân hàng.

Hoan nghênh thông điệp của Thủ tướng!

Câu hỏi đầu tiên được nhiều nhà báo đặt ra để cùng bàn luận là thực tế, các ngân hàng có muốn lên sàn hay không?

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chắc chắn không phải tất cả các ngân hàng mong muốn và sẵn sàng niêm yết, nhưng việc buộc ngân hàng lên sàn là cần thiết, vì sự phát triển chung của ngành.

"Tôi bất ngờ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng phải lên sàn, nhưng tôi hoan nghênh quyết định đó, hoan nghênh Nghị định 108 của Chính phủ, với những chế tài cụ thể buộc DN phải lên sàn", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, việc các ngân hàng huy động vốn từ đại chúng phải thực hiện nghĩa vụ niêm yết là bình thường, là theo thông lệ quốc tế. Việt Nam đặt vấn đề này bây giờ là hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không.

"Nếu ngân hàng chỉ có một vài đối tác góp vốn, có thể không cần niêm yết, nhưng nếu bán cho nhiều nhà đầu tư mà lại không chịu niêm yết, không công bố thông tin để chỉ ít người biết về sức khỏe thật của ngân hàng, thì chính là ngân hàng đã đi rất chậm, rất lạc hậu so với chuẩn mực quốc tế", ông Hiếu nói. Ở Mỹ, tất cả các ngân hàng, dù lớn, hay nhỏ, đều phải công bố thông tin tài chính hàng tháng ra công chúng.

"Ở Việt Nam, nếu may thì tìm được báo cáo tài chính hàng quý của ngân hàng, còn tìm báo cáo hàng tháng thì quá hiếm", ông Hiếu nói.

Tại sao ngân hàng lại cần minh bạch hơn các ngành khác? Với ngành nghề kinh doanh đặc thù, kinh doanh tiền tệ, nơi niềm tin có giá trị cao nhất, nhưng tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo nghiêm trọng đã và đang xảy ra tại nhiều ngân hàng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân vào cả hệ thống. "Buộc các ngân hàng niêm yết là cơ hội để tao dựng niềm tin của dân chúng", chuyên gia Vũ Đình Ánh nhận định.

Nếu Việt Nam thực thi việc minh bạch này sớm hơn 3 - 5 năm, chắc chắn tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo sẽ không nghiêm trọng như hiện nay. Ông Hiếu chia sẻ quan điểm và cho rằng, thêm cấp giám sát "tận chân" từng giao dịch, từng sự thay đổi về sở hữu tại các ngân hàng là UBCK, ngành ngân hàng sẽ minh bạch hơn rất nhiều, đàng hoàng hơn rất nhiều khi niêm yết.

Niêm yết là quyền, là trách nhiệm của DN với cổ đông

Hoan nghênh thông điệp của Thủ tướng, nhưng để buộc các ngân hàng lên sàn, thì phải bắt đầu từ đâu? Câu hỏi tiếp theo được các nhà báo đặt ra để cùng thảo luận.

Theo Chủ tịch UBCK, có nên buộc các ngân hàng niêm yết hay không từng là chủ đề được tranh luận rất nhiều trong Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, niêm yết là quyền cổ đông, không thể "bắt" thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính. Nhưng nhiều ý kiến khác khẳng định, nếu không niêm yết, chúng ta phải tiếp tục chấp nhận tình trạng kém minh bạch, thiếu thông tin trong quản lý ngân hàng.

Sự kém minh bạch không những dẫn đến tình trạng không kiểm soát được rủi ro hệ thống, mà quan trọng hơn là không tạo ra động lực, không buộc các ngân hàng phải tăng cường quản trị, phải đổi mới để có sức cạnh tranh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ buộc các ngân hàng phải lên sàn được đưa ra trong cuộc họp tổng kết năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước, tức là sau hơn 1 tháng, kể từ ngày Nghị định 108/2013/NĐ-CP có hiệu lực.

Nghị định này quy định, các DN đại chúng, bao gồm cả các ngân hàng, phải đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung sau 1 năm, kể từ ngày huy động vốn từ công chúng. Nếu không, pháp luật cho phép nhà đầu tư quyền đòi DN trả lại khoản tiền họ đã đóng góp mua cổ phần.

"Thông điệp của Thủ tướng không những đúng về logic, mà còn thể hiện chủ trương của Chính phủ trong nỗ lực minh bạch hóa nền kinh tế", Chủ tịch UBCK Vũ Bằng nói.

MB - lên sàn là khoa học

"Không minh bạch, sẽ không thể có niềm tin nơi công chúng". Cách đây hơn 2 năm, Tổng giám đốc MB ông Lê Công đã nói như vậy với Báo ĐTCK trong lần gặp ông để phỏng vấn về sự kiện lên sàn của MB.

Ông nói, trong kinh doanh, DN nào cũng có bí quyết, nhưng tất cả những số liệu có liên quan đến quyền lợi của cổ đông thì MB sẵn sàng minh bạch.

"Cái đích lớn nhất của MB là phải quản trị tốt rủi ro, kinh doanh hiệu quả, đạt được các mục tiêu chiến lược mà HĐQT đã định. Không minh bạch, không thể thực hiện được mục tiêu này", Tổng giám đốc MB nói trước dấu mốc cổ phiếu MBB niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM, ngày 1/11/2011.

Từ khi lên sàn, MBB ghi tên mình trong TOP 30 cổ phiếu tốt nhất Sở GDCK TP. HCM và 1 năm sau đó, MBB lọt vào TOP 50 DN có Báo cáo thường niên tốt nhất trong tổng số 700 DN niêm yết trên 2 Sở.

Ở quy mô của một ngân hàng lớn (vốn điều lệ trên 11.000 tỷ đồng), cổ phiếu MBB không có những đợt tăng giá quá mạnh, hay xuống giá quá sâu do tác động từ trào lưu đầu cơ ngắn hạn.

MBB là một trong số các cổ phiếu vững giá, được nhà đầu tư dài hạn ưa chuộng và có mức độ giao dịch khá sôi động, thường xuyên nằm trong TOP 30 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất, tính trên cả 2 sàn.

Hơn 2 năm niêm yết, phần thưởng với MB không chỉ là những con số thể hiện sự tăng trưởng liên tục về khách hàng, về thị phần, về hiệu quả hoạt động, sự vững tiến về thứ bậc trong hệ thống các ngân hàng cổ phần Việt Nam trên mọi phương diện.

Niêm yết, còn mang đến một giá trị vô hình rất đáng quý với MB, đó là uy tín, hình ảnh của Ngân hàng đã trở nên gần gũi hơn rất nhiều với công chúng đầu tư, với người dân.

"Trước đây, đến MB như đến Kho bạc, nhưng nay chúng tôi đều cảm nhận MB thân thiện và gần gũi hơn nhiều", ông Dương Quốc Nghĩa, một khách hàng của MB, một nhà đầu tư chứng khoán chia sẻ.

Bên cạnh những nỗ lực vượt bậc của Ban lãnh đạo MB, việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một DN niêm yết, việc cổ phiếu của MBB được giao dịch hàng ngày, hàng giờ trên Sở, được hàng vạn nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, hàng chục cơ quan báo đài thường xuyên đăng tải thông tin…, đã khiến hình ảnh MB thấm vào lòng dân, bền chắc trong lòng dân tự bao giờ.

Dẫn câu chuyện MB lên sàn hơn 2 năm trước, Chủ tịch UBCK nói, không phải không có những trăn trở từ chính Ban lãnh đạo Ngân hàng, nhất là khi MB là ngân hàng mang thương hiệu Quân đội, nhưng sự phát triển liên tục và vững vàng của MB hơn 2 năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho quyết định đúng đắn này.

"Khi Ngân hàng quyết tâm và sẵn sàng minh bạch thì niêm yết là con đường tốt nhất để công tác quản trị được thực thi tốt hơn, hướng đến việc phát triển bền vững hơn", người đứng đầu UBCK nói.

Việt Nam hiện còn trên 30 ngân hàng cổ phần chưa đưa cổ phiếu vào niêm yết. Những ngân hàng thua lỗ, yếu kém đương nhiên không đủ điều kiện để niêm yết, nhưng những ngân hàng có đủ điều kiện niêm yết thì tại sao lại không lên sàn để hướng đến một ngày mai chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn?

Tin bài liên quan