Liên doanh ô tô: Lo ngại bị truy thu hàng ngàn tỷ đồng

Liên doanh ô tô: Lo ngại bị truy thu hàng ngàn tỷ đồng

Cơ quan tài chính đang tính tới việc truy thu hàng ngàn tỷ đồng từ một số liên doanh ô tô.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có kiến nghị gửi Chính phủ và các cơ quan hữu trách đề cập các hướng dẫn về xuất xứ ASEAN (C/O form D) và vận đơn chở suốt/vận đơn thông thường, bởi cơ quan tài chính đang tính tới việc truy thu số tiền cỡ hàng ngàn tỷ đồng từ một số liên doanh ô tô.

Theo VAMA, để được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), tại thời điểm mở tờ khai hải quan, các công ty thành viên của VAMA đã xuất trình C/O form D và hồ sơ hải quan đầy đủ theo quy định về thủ tục hải quan và đã được cơ quan hải quan chấp nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ở mức 0-5%.

 

Tuy nhiên, nhiều diễn biến gần đây cho thấy, cơ quan hữu trách đang rà soát lại hồ sơ nhập khẩu hàng hóa của các liên doanh ô tô liên quan đến C/O form D và mẫu vận đơn. Thậm chí, cơ quan này đã tính tới khả năng truy thu tới cả ngàn tỷ đồng tiền thuế chênh lệch, bởi cho rằng, các giấy tờ mà doanh nghiệp nộp chưa đủ điều kiện để hưởng thuế suất ưu đãi ATIGA. Trong số các doanh nghiệp (DN) ô tô nằm trong tầm ngắm này có Toyota , Ford, Mitsubishi…

 

Công văn 554/GSQL (ngày 17/8/2012 của Tổng cục Hải quan) có dẫn chiếu các công văn số 4819/BCT-XNK (ngày 1/6/2011), số 3715/BCT-XNK (ngày 2/5/2012) và số  6960/BCT-XNK (ngày 2/8/2012) nêu rõ: “Người nhập khẩu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan phải nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu, tại thời điểm làm thủ tục hải quan vận đơn chở suốt được cấp trên lãnh thổ của nước nhập khẩu”.

 

Tuy nhiên, VAMA không đồng ý với đề nghị này, bởi cho rằng, như vậy là không đúng như quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BCT, phụ lục 7, điều 13 (ngày 17/5/2010) về việc thực hiện quy tắc xuất xứ trong ATIGA. Đó là, để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, người nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu tờ khai, C/O kèm các chứng từ chứng minh (như hóa đơn thương mại và vận đơn chở suốt được cấp trên lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu khi được yêu cầu) và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật nước thành viên nhập khẩu.

 

Theo kiến nghị do ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA ký, qua tìm hiểu của các DN, bản chất của quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BCT là bên cạnh C/O form D và các giấy tờ chứng minh (như hợp đồng và hóa đơn), nhà nhập khẩu phải xuất trình vận đơn để chứng minh hàng hóa đã được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu sang Việt Nam (không quá cảnh ở nước thứ 3) hoặc nếu quá cảnh thì vẫn nguyên số chì niêm phong như đã ghi trên vận đơn. Đây cũng là quy định chung của ASEAN. “Như vậy, nếu các thành viên VAMA sử dụng hình thức vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu sang Việt Nam , không quá cảnh tại nước thứ 3, thì chúng tôi không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi phần mở ngoặc trong điều 13, Phụ lục 7, Thông tư 21/2010/TT-BCT. Khi đó người nhập khẩu chỉ phải nộp vận đơn thông thường, không cần phải do nước xuất khẩu cấp”, kiến nghị nêu rõ.

 

Vẫn theo VAMA, trong vận tải đường biển, ngoài loại hình vận đơn thường, còn có vận đơn đặc biệt khi có quá cảnh tại nước thứ 3 và có sự tham gia của 2 nhà vận chuyển bằng đường biển trở lên. Trong trường hợp này, vận đơn chở suốt phát hành tại nước xuất khẩu là căn cứ để chứng minh hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Vì lý do này, nên trong Thông tư 21/2010/TT-BCT, yêu cầu xuất trình vận đơn chở suốt do nước xuất khẩu cấp chỉ áp dụng khi cần thiết và được đưa vào trong ngoặc, không phải áp dụng cho tất cả các trường hợp.

 

Giải thích với phóng viên Báo Đầu tư, một thành viên của VAMA cho hay, điều quan trọng nhất đối với các lô hàng nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt theo ATIGA là có C/O form D (tức là có hàm lượng giá trị sản xuất tại khu vực ASEAN từ 40% trở lên) và container hàng hóa được chở thẳng từ nơi xuất khẩu tới nơi nhập khẩu, không có sự sang dỡ, tháo bỏ niêm phong kẹp chì trong quá trình vận chuyển.

 

“Hiện nay, các hãng ô tô lớn trên thế giới đang tổ chức hoạt động theo mô hình toàn cầu theo hướng văn phòng khu vực điều phối các hoạt động chung và là đầu mối thực hiện các hoạt động thương mại, xuất các hóa đơn bán hàng chung cho các lô hàng, còn các nhà máy trong tập đoàn ở các nước khác nhau làm nhiệm vụ sản xuất, theo điều phối của tập đoàn. Như vậy, theo cách hiểu của cơ quan chức năng Việt Nam là phải có vận đơn được phát ra từ nước xuất khẩu hàng hóa, thì DN sẽ phải tăng thêm chi phí để có thêm người ở từng nước xuất khẩu làm việc này cho riêng Việt Nam. Trong khi đó, về bản chất, thì vận đơn của các lô hàng này chỉ là loại vận đơn thông thường, chứ không phải là vận đơn chở suốt qua nước thứ 3 như các cơ quan đang hiểu”, chuyên gia này cho biết.

 

Được biết, các DN ô tô cũng đã có những cuộc tiếp xúc với Bộ Công thương, nơi ban hành Thông tư 21/2010/TT-BCT để làm rõ tinh thần của quy tắc xuất xứ trong ATIGA đã được các nước thành viên ASEAN thông qua, để có những hướng dẫn rõ ràng, chính xác trong việc tính thuế nhập khẩu ưu đãi với các liên doanh ô tô.