Linh hồn làng Việt

“Đâu rồi vẻ thâm nghiêm cổ kính thuở nào!”, đó là cảm xúc của tôi khi trở lại làng quê ấy, nơi đã từng thấm đẫm và bồi đắp tâm hồn cho những người sinh ra từ làng hay chỉ là kẻ đi qua làng như tôi.

Linh hồn làng Việt

Ngày ấy

Một ngày cách nay ngót ba chục năm, tôi cùng vài người bạn học phổ thông đạp xe về thăm nhà một người bạn ở Đan Phượng, một huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Ấn tượng đầu tiên với tôi ở làng quê ấy là bạt ngàn dừa như đứng ở Bến Tre vậy. Dừa xiêm thấp lùn, dừa lửa trái ánh nâu đo đỏ... Con đường đất chạy ngoằn nghoèo trong làng và men theo ao hồ phủ đầy bèo tấm xanh biếc như chiếc thảm xanh ai trải dưới những rặng dừa.

Nhà bạn tôi có nghề chăn tằm cho người ta ươm tơ. Tằm được nuôi trong một trái nhà riêng, bạn gọi đó là nhà tằm, muốn vào phải nghiêng người lách qua cái mành tre chống ruồi. Những nong tằm rất lớn xếp kín các giá tre. Tôi theo bạn thả lá dâu vào nong và thích thú nghe tằm ăn rào rào, rả rích như tiếng mưa vậy. 

Như tất cả mọi nhà trong làng, nhà bạn tôi có hàng rào ô rô bao quanh. Lá ô rô nhỏ, xanh bóng, ken nhau dày đặc nên người đi ngoài đường không nhìn vào trong nhà được, nhưng bọn gà vẫn thoải mái chui qua chân rặng cây chạy đuổi nhau suốt ngày. Dẫn chúng tôi đi chơi một vòng quanh làng, bạn tự hào giới thiệu về chùa làng, đình làng và những ngôi nhà cổ tới hàng trăm năm tuổi.

Tôi đặc biệt ấn tượng về những chiếc cổng làng, cổng ngõ tuyệt đẹp được xây dựng rất cầu kỳ với những họa tiết hoa lá cách điệu, chữ nho đắp nổi mềm mại. Những chiếc cổng, bờ tường, đầu hồi, đầu đao của các kiến trúc ấy luôn xạm đen vì bụi và rêu phong thời gian, càng tôn lên vẻ thâm trầm, cổ kính.

Buổi chiều, chúng tôi lên mặt đê sông Đáy đầu làng chơi. Từ trên đê có thể nhìn thấy thấp thoáng mái cong của mấy ngôi chùa trên núi. Nép dưới những tán cây muỗm, cây thị cổ thụ, các kiến trúc trầm mặc uy nghiêm là phần cốt lõi tạo nên hình hài và linh hồn làng xã.

Từ lần đi chơi ấy, làng quê Việt Nam có một sức cuốn hút thân thương lạ kỳ đối với tôi, để hễ có ai rủ về làng là tôi sẵn sàng thu xếp công việc đi ngay. Càng ngày, tôi càng thấy cảm giác sinh ra từ làng là một đặc ân, một niềm tự hào không hề nhỏ. 

Bây giờ

Hôm nay, trở lại nơi đã gieo vào lòng tôi kỷ niệm đẹp tuyệt vời năm ấy, Đan Phượng đã trở thành huyện ngoại thành đầu tiên của Hà Nội đạt danh hiệu nông thôn mới cấp huyện. Điện, đường, trường trạm, nhà văn hóa đủ đầy, khang trang. Đường nhựa, nhất là đường bê tông đã đến cửa từng hộ gia đình, chia ô bàn cờ trên khắp cánh đồng, trời mưa gió không còn lo lầy lội.

Hàng rào ô rô bao quanh nhà và ngõ xóm năm xưa đã bị phá bỏ, thay vào đó là tường gạch quét xi măng xám xanh hay vôi trắng vội vàng. Trong làng chẳng còn cây dừa nào nữa. Đất có giá và dân cư phát triển, người ta phải hạ dừa đi để lấy đất xây nhà. Trong làng rất nhiều nhà cao tầng đồ sộ, mái lợp tôn mạ màu xanh, màu đỏ. Nhiều nhà xây sát ra mép ngõ để bán hàng, nhất là những nơi đầu làng thì trông khang trang, sầm uất chẳng khác gì phố xá.

Đi loanh quanh trong làng trên những con đường bê tông phẳng lừ, tôi chủ ý tìm xem các cổng làng, cổng ngõ giờ thế nào rồi thì thấy chúng gần như đã biến mất. Họa hoằn mới thấy một vài chiếc, nhưng chúng chủ yếu nằm lọt thỏm giữa 2 tòa nhà ba bốn tầng mới cứng, không còn vẻ uy nghiêm như xưa.

Ngôi chùa cổ trong làng giờ đã được tu tạo khang trang. Sân chùa được lát gạch sạch sẽ chứ không còn là sân đất ngày xưa. Các đầu hồi được đắp lại rồng phượng cho mới, với nhiều màu sắc sặc sỡ. Hình khối rồng phượng không còn vẻ tao nhã đã thành truyền thống nghìn năm mà thay vào đó là những đường nét hình hài có nhiều phần vụng về, thô kệch… Đâu rồi vẻ thâm nghiêm cổ kính thuở nào?!

Trên đường về thành phố, trên đê sông Đáy, xung quanh bờ bãi vẫn mênh mang, ruộng đồng mùa nào thức ấy xanh tốt chẳng khác xưa, nhưng ngoái nhìn bộ mặt nông thôn đã đổi mới giàu đẹp khác xưa mà thấy lòng man mác tiếc nuối.

Biết rằng phát triển là tất yếu, là phải hơn xưa, nhưng bỗng thấy tiếc nuối một khung cảnh làng xóm từng là nơi thấm đẫm và bồi đắp cho tâm hồn của những người sinh ra từ làng hay chỉ là kẻ đi qua làng như tôi?

Tin bài liên quan