Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung Quốc đều đối diện nguy cơ đình trệ.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung Quốc đều đối diện nguy cơ đình trệ.

Lo hiệu ứng trễ của lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những thảo luận xuất hiện trong khoảng một tháng gần đây là về hiệu ứng trễ của chính sách tiền tệ.

Thời điểm đánh đổi

CPI tháng 4 của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn so với mức dự đoán 5% của giới đầu tư và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Tuy vậy, CPI lõi, chỉ số giá đã loại trừ đi giá thực phẩm và năng lượng, vẫn tăng 5,5% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng trước, đúng với kỳ vọng của giới đầu tư. Trong khi đó, số người xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, lên mức 264.000 người trong tuần đầu tháng 5.

Các số liệu này một mặt cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục giảm xuống, nhưng giảm rất chậm và lạm phát lõi còn cách mục tiêu 2% khá xa, mặt khác cho thấy nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và thất nghiệp tăng sau 10 lần Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất liên tục, từ gần 0%/năm lên trên 5%/năm.

Nếu kết hợp với số liệu về giá sản xuất PPI tăng 0,2% so với tháng trước, có thể thấy, giá cả vẫn tăng so với năm ngoái, nhưng tốc độ tăng chậm lại. Giá sản xuất đầu vào vẫn tăng, lương sẽ còn tăng, trong khi lạm phát lõi vẫn cao hơn mục tiêu khá xa. Về nguyên tắc, Fed không thể lơ là với diễn biến này và có thể phải tăng lãi suất một lần nữa. Nhưng nếu như vậy, Mỹ có thể phải chấp nhận kịch bản có thêm khoảng 2 triệu người thất nghiệp để đẩy lạm phát về 2%.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Câu chuyện phức tạp ở chỗ không chỉ phải lo cho hai mục tiêu tối thượng là kiểm soát giá cả ổn định và tối ưu hóa việc làm, Fed còn phải hướng tới ổn định thị trường tài chính. Đã có ba ngân hàng Mỹ đổ vỡ từ đầu năm và thông tin gần đây cho thấy một ngân hàng đã tiến hành gia cố bảng cân đối và giảm rất nhiều khoản kinh doanh rủi ro là PacWest vẫn bị rút 9,5% khoản tiền gửi trong một tuần.

Nếu mức độ rút tiền đó tiếp diễn, không một ngân hàng nào trên thế giới có thể tồn tại được, cho dù là ngân hàng có nguồn lực khổng lồ như JP Morgan - ngân hàng vừa mua lại First Republic Bank. Đây là lúc cần phải có chính sách bình ổn thị trường tài chính.

Một trong những thứ giúp tâm lý thị trường ổn định nhất là dừng tăng lãi suất, đó những tài sản đầu tư của ngân hàng và định chế tài chính có giá tỷ lệ nghịch với mặt bằng lãi suất như trái phiếu bớt giảm.

Ngoài ra, lãi suất dừng tăng thì rủi ro vỡ nợ khi điều chỉnh lãi suất (re-rate) với các khoản vay từ dưới 1,5%/năm của năm trước lên 5 - 7% năm nay dễ thở hơn. Khi những lời than thở như "lãi vay năm nay của tôi tăng lên 30.000 USD hay hơn", hoặc lời tuyên bố phải đóng cửa công ty sau nhiều năm kinh doanh tràn ngập trên mạng xã hội được giảm bớt thì người ta sẽ lạc quan hơn.

Nhiều ngân hàng đang đẩy nhanh tốc độ hạ lãi suất.

Nhiều ngân hàng đang đẩy nhanh tốc độ hạ lãi suất.

Thế nhưng, lại có một phản biện là, việc dừng tăng lãi suất liệu có đẩy lạm phát tăng trở lại hay không? Kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp về lạm phát có thể sẽ rất khác khi họ thấy Fed dừng tăng lãi suất. Kỳ vọng Fed sẽ phải giảm lãi suất trong quý III/2023 có thể lại nổi lên, khiến kỳ vọng lạm phát bị neo cao - điều mà Fed không muốn.

Nói tóm lại, ở thời điểm này, đề xuất đẩy lãi suất USD lên 6%/năm của một số nhà kinh tế hồi đầu năm ít có khả năng được thực thi. Nhưng tăng thêm 0,5%/năm nữa để tiệm cận mức đó vẫn có thể xảy ra nếu Fed rất lo lắng về lạm phát. Dù vậy, trước khi làm việc đó, nhiều khả năng Fed sẽ dừng lại một nhịp và quan sát.

Robert Armstrong và Ethan Wu, hai cây bút của tờ Financial Times nhận định, đây là thời điểm phải đánh đổi (“trade-off time”) và đây không phải lựa chọn dễ dàng.

Cùng tăng lãi suất với Fed trong tháng 5 vừa qua là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhưng sức ép lên họ rất khác. Họ chắc chắn sẽ còn phải tăng lãi suất nữa, vì lạm phát ở khu vực này vẫn neo cao và chưa có tín hiệu giảm rõ ràng, đặc biệt lạm phát Anh đã quay lại mức trên 10% và giá nhà tăng trở lại. Thị trường nhà đất và chi tiêu tiêu dùng “vững” hơn dự đoán, trong khi tăng trưởng kinh tế quý I chỉ được 0,1%. Điều này tạo ra một tình thế gọi là phân hóa trong chính sách tiền tệ ở những nền kinh tế chủ chốt.

Sự phân hóa đó thể hiện ở chỗ trong khi lãi suất tại Mỹ được dự đoán sắp đạt đỉnh, thậm chí còn có dự đoán là Fed sẽ quay lại cắt giảm lãi suất vào cuối quý III/2023 thì ECB và BoE có thể còn phải tăng lãi suất thêm mấy lần nữa và duy trì mức lãi suất ở mức cao sang tận năm sau.

Điều này sẽ tạo ra sức ép hạ giá lên đồng USD so với các đồng tiền chính ở một giai đoạn nào đó trong năm. USD hạ giá có thể sẽ tạo ra những dịch chuyển trong dòng vốn quốc tế sang những nơi có tỷ suất sinh lợi tốt hơn và đó có thể là “thời điểm biến động” của thị trường mà nhiều người chờ đợi.

Những nỗi lo về tác động trễ của chính sách tiền tệ

Một trong những thảo luận xuất hiện trong khoảng một tháng gần đây là về hiệu ứng trễ của chính sách tiền tệ. Mặc dù Mỹ và châu Âu liên tục tăng lãi suất và có những tác động tiêu cực nhất định như ba ngân hàng Mỹ cũng như UBS ở Thụy Sỹ lâm vào tình trạng đổ vỡ thì tình hình kinh tế chung của các khu vực này vẫn không tệ như kịch bản xấu nhất đã tính đến.

Tiêu dùng tăng chậm lại, sản xuất suy giảm, lợi nhuận công ty niêm yết công bố có kém đi, nhưng tất cả đều tốt hơn dự đoán hoặc ngang với dự đoán. Nói cách khác, suy thoái kinh tế mà nhiều người dự đoán chưa diễn ra.

Chính sách tiền tệ toàn cầu đang đứng trước thời điểm đánh đổi quan trọng. Những nước tăng lãi suất mạnh đang dần đi vào cuối giai đoạn tăng lãi suất và bắt đầu có sự phân hóa.

Anh - nền kinh tế bị dự đoán gần như chắc chắn sẽ suy thoái - vẫn công bố tăng trưởng GDP quý I/2023 là con số dương, dù chỉ 0,1%. Chi phí lãi vay mua nhà tăng hơn 3 lần không có vẻ gì là làm thị trường nhà ở Anh “sụp đổ” như một số người mong đợi.

Một số người cho rằng đó là tín hiệu đáng lạc quan và các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang rất “kiên cường” trước cơn bão lãi suất tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đó là vì lãi suất tăng quá nhanh, thực tế nó chưa có cơ hội thẩm thấu vào nền kinh tế và người ta chưa thật sự cảm nhận được tác động thực sự của nó.

Bản thân Fed cũng lưu ý điều này trong thông cáo sau quyết định tăng lãi suất gần nhất. Theo đó, cơ quan này nhấn mạnh rằng, để đi tới quyết định có tiếp tục tăng lãi suất hay không, họ sẽ phải theo dõi “tác động trễ của chính sách tiền tệ lên hoạt động kinh tế, lạm phát và thị trường tài chính”. Đây là một điểm khác biệt đáng chú ý so với thông cáo của kỳ họp trước đó.

Điều này đặc biệt đáng quan tâm và có hàm ý quan trọng trong việc theo dõi chính sách tiền tệ của các nước. Các ngân hàng trung ương lúc này phải chú ý không chỉ là diễn biến số liệu lạm phát, thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế, mà còn phải dự đoán các khả năng có thể xảy ra cho nền kinh tế vài tháng tiếp theo khi mà lãi suất cao sẽ dần phát huy tác dụng của nó, cả mặt tích cực và tiêu cực.

Lấy ví dụ, mặc dù lãi suất ở Anh đã tăng nhanh từ gần 0%/năm lên 4,5%/năm thì thực tế, đa số người mua nhà ở Anh chưa bị tác động bởi lãi suất mới, trừ những người mua nhà gần đây và phải đến vài tháng nữa, một lượng đáng kể người Anh mới bắt đầu phải trả lãi vay trên mặt bằng lãi suất mới. Một con số cho thấy điều này là số người không trả được tiền lãi vay mua nhà chỉ là 7,3% tổng số đã vay trong tháng 4 vừa rồi, tương đương với con số của năm ngoái. Có nhiều nhân tố có thể dẫn đến điều đó, trong đó có độ trễ của tác động chính sách tiền tệ. Nhiều mức lãi suất sẽ chỉ thật sự đi vào áp dụng kể từ sau năm tài khóa mới (tháng 4) và phải mất một thời gian nữa mới thấy hết tác động của nó.

Tương tự, tại Việt Nam, những mức giảm lãi suất sẽ chỉ phát huy tác dụng sau một khoảng thời gian nữa nếu phần giảm đi của lãi suất chính sách có thể chuyển thành chi phí thấp hơn cho ngân hàng để ngân hàng có thể giảm lãi suất đầu ra. Nói cách khác, tác động của chính sách tiền tệ cần thời gian và không phải cứ giảm hay tăng 1% lãi suất thì toàn bộ phần đó sẽ chuyển hết sang nền kinh tế. Tùy vào mức độ nhạy cảm với lãi suất mà mỗi ngành nghề kinh doanh sẽ có tác động khác nhau.

Lời kết

Chính sách tiền tệ toàn cầu đang đứng trước thời điểm đánh đổi quan trọng. Những nước tăng lãi suất mạnh đang dần đi vào cuối giai đoạn tăng lãi suất và bắt đầu sẽ có những phân hóa. Một số nước có thể đã đi đến cuối chu kỳ tăng lãi suất, hoặc ít ra tạm dừng để quan sát ví dụ Mỹ. Trong khi đó, một số nước vẫn phải tiếp tục tăng vì lạm phát cao. Có những nước đã cắt giảm lãi suất nhưng phải cân nhắc liều lượng, như Việt Nam hay Trung Quốc.

Nhưng bất kể ra sao, các chính sách tiền tệ này có thể chưa tác động ngay vào nền kinh tế và cần thời gian để phát huy tác dụng. Nếu ngân hàng trung ương nào đó vội vã “bơm thuốc quá liều”, dù là tăng hay giảm lãi suất, thì đều là rủi ro cho nền kinh tế thế giới lúc này.

Tin bài liên quan