Lo ngại xung đột quân sự, giới đầu tư tiếp tục lựa chọn bán ra

Lo ngại xung đột quân sự, giới đầu tư tiếp tục lựa chọn bán ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall thêm một phiên giảm trong ngày thứ Hai (14/12), do tình hình căng thẳng tại Ukraine chưa thể hạ nhiệt và thêm vào sự diều hâu từ quan chức Fed khiến thị trường chịu thêm sức ép.

Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken ngày thứ Hai đã ra lệnh cho Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev đóng cửa và nhân viên sứ quán phải chuyển đến thành phố Lviv ở phía tây Ukraine, một dấu hiệu cho thấy có thể xảy ra về một cuộc tấn công quân của Nga sắp xảy ra đã khiến giới đầu tư thêm lo ngại.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vọt lên gần mức cao nhất trong phiên vào buổi chiều, tích tắc dao động quanh mốc 31. Chỉ số này khép phiên trên mức 28 điểm.

Thêm vào những áp lực đến phố Wall, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, nói với CNBC rằng, uy tín của Fed đang bị đe dọa và ngân hàng trung ương cần quyết liệt chống lạm phát mạnh mẽ hơn nữa, lặp lại những nhận định mà ông đã đưa ra hồi tuần trước.

Phiên này, 10 trong số 11 lĩnh vực chính trong S&P 500 đóng cửa giảm điểm, với cổ phiếu năng lượng giảm sâu nhất, với ExxonMobil và ConocoPhillips giảm lần lượt 1,5% và 2,1%.

Mặt khác, mùa thu nhập quý IV đang đi đến những chặng cuối gần với 358 công ty trong S&P 500 đã báo cáo. Hai ông lớn Nvidia Corp và Walmart là những công ty đáng chú ý sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.

Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Dow Jones giảm 171,89 điểm (-0,49%), xuống 34.566,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,97 điểm (-0,38%), xuống 4.401,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,24 điểm (-0,00%), xuống 13.790,92 điểm.

Chứng khoán châu Âu bị bán mạnh và giảm xuống mức thấp nhất trong 20 ngày, với cổ phiếu du lịch, ngân hàng và ô tô dẫn đầu đà lao dốc, khi các nhà đầu tư lo lắng về những rủi ro địa chính trị, sau cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.

Chỉ số STOXX 600 trên toàn châu Âu giảm 1,92%, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 25/1. Tất cả các phân ngành chính đều chìm trong sắc đỏ, trong đó du lịch & giải trí, ngân hàng và các nhà sản xuất ô tô giảm sâu nhất.

Cổ phiếu ngành năng lượng chỉ giảm 0,5%, mức giảm thấp nhất trong các ngành chính nhờ do giá dầu đạt mức cao nhất trong hơn bảy năm.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã bán các tài sản rủi ro hơn và chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ, sau khi Mỹ cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc.

Ở những nơi khác, cổ phiếu Clariant giảm 16,5% do tập đoàn hóa chất của Thụy Sĩ trì hoãn công bố kết quả năm 2021 do một cuộc điều tra về các vấn đề kế toán.

Kết thúc phiên 14/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 129,43 điểm (-1,69%) xuống 7.531,59 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 311,15 điểm (-2,02%), xuống 15.113,97 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 159,40 điểm (-2,27%), xuống 6.852,20 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, do ảnh hưởng lớn từ đà lao dốc của cổ phiếu công nghệ, cũng như căng thẳng leo thang xung quanh Ukraine và rủi ro lạm phát gia tăng tại Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do các công ty tài chính và bất động sản kéo lùi, sau khi ngân hàng trung ương cho biết sẽ không sử dụng bất động sản như một phương pháp ngắn hạn để kích thích nền kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các cổ phiếu công nghệ lớn và tài chính kéo xuống do cảnh báo rằng Nga có thể hành động quân sự với Ukraine bất cứ lúc nào.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư lo lắng về căng thẳng leo thang xung quanh Ukraine và rủi ro lạm phát ở Mỹ.

Kết thúc phiên 14/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 616,49 điểm (-2,23%), xuống 27.079,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 34,07 điểm (-0,98%), xuống 3.428,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 350,09 điểm (-1,41%), xuống 24.556,57 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 43,23 điểm (-1,57%), xuống 2.704,48 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Hai tiếp tục nhích lên nhờ lực mua trú ẩn gia tăng bởi căng thẳng địa chính trị xung quanh Ukraine.

Kết thúc phiên 14/2, giá vàng giao ngay tăng 12,3 USD lên 1.871 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng gần 4 USD lên 1.873,3 USD/ounce.

Giá dầu thô vẫn đang rất nhạy cảm với các diễn biến về Nga-Ukraine. Nga là một trong những nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, với công suất sản lượng đạt khoảng 11,2 triệu thùng ngày.

Bên cạnh đó nguồn cung dầu từ OPEC cũng đang bị hạn chế bởi các cuộc tấn công nhỏ lẻ tại một số quốc gia trong khối.

Kết thúc phiên 14/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,36 USD (+2,47%), lên 95,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,04 USD (+2,11%), lên 96,48 USD/thùng.

Tin bài liên quan