Hệ thống điện đến cuối tháng 3 không còn dự phòng.

Hệ thống điện đến cuối tháng 3 không còn dự phòng.

Lo thiếu điện mùa khô, "đến hẹn lại lên"

Theo tính toán trong năm 2008, mùa khô năm nay, hệ thống điện có thể có dự phòng 3,04 tỷ kWh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, hệ thống điện hầu như không còn dự phòng và sẽ căng thẳng trong quí 2 này.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho biết như vậy tại cuộc họp về cung cầu điện mùa khô năm 2009 tại Bộ Công thương hôm 2/4.

 

Theo cân đối về cung cầu điện của EVN cập nhật đến cuối tháng 3, dự kiến phụ tải 6 tháng mùa khô sẽ là 40,8 tỷ kWh, trong đó, phụ tải 3 tháng từ tháng 4 - 6 là 22,27 tỷ kWh, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2008. Đây là cao điểm của giai đoạn mùa khô nên hệ thống điện sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng.

 

Nguyên nhân đầu tiên là do hệ thống điện miền Bắc đang trong tình trạng thiếu công suất  từ 17,2 - 20,3%, nên phải nhận công suất cao từ 900 - 1.200MW qua đường dây 500kV đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh. Do vậy, EVN cho biết nếu đường dây này bị sự cố thì việc cung ứng điện miền Bắc sẽ bị ảnh hưởng theo.

 

Khí cung cấp cho sản xuất điện trong tháng 4 cũng sẽ bị giảm sút. Từ ngày 3 - 9/4, lượng khí cấp miền Đông Nam Bộ sẽ chỉ đạt 13,8 triệu m3/ngày; từ 23 - 26/4, lượng khí chỉ đạt 14,3 triệu m3/ngày; các ngày 13/4, 27 và 28/4, lượng khí cũng sẽ chỉ đạt 16,5 triệu m3 ngày, nhưng theo kế hoạch, mỗi ngày cần 18,1 triệu m3 khí để phát điện.

 

EVN cho biết, gay go nhất là trong 2 tuần đầu tháng 5, sẽ có 13 ngày ngừng hoàn toàn lượng khí cấp cho cụm nhà máy điện Cà Mau. EVN và chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã chuẩn bị dầu DO để chạy phát điện, song theo đánh giá của EVN, việc chạy dầu ở các tổ máy tua bin khí Cà Mau còn kém tin cậy, phát sinh chi phí lớn.

 

Một lý do khác khiến hệ thống điện căng thẳng là thời tiết những tháng cuối mùa khô thường không thuận lợi. Nắng nóng ở miền Bắc sẽ làm phụ tải điện tăng cao. Mực nước các hồ thuỷ điện sẽ xuống thấp, lượng nước về giảm thấp.

 

Nếu lũ tiểu mãn không về hoặc về muộn thì tình hình cung ứng điện cả nước sẽ đặc biệt căng thẳng. Ngoài ra, do vận hành nhiều vào mùa khô nên các tổ máy nhiệt điện than cũng hay xảy ra sự cố.

 

Trước tình hình này, EVN cho biết, sẽ cố gắng đưa các nhà máy mới vào vận hành đúng tiến độ đề bù đắp công suất điện. Trong tháng 3, Tổ máy số 1 thủy điện Buôn Kuốp (110MW) đã hoà lưới thành công, nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 đã chạy thử nghiệm đạt công suất 275M.

 

Dự kiến tháng 4 và tháng 5, nhiệt điện Ô Môn 1 sẽ đạt được công suất 300MW. 4 nhà máy mới sẽ hòa lưới gồm: Thuỷ điện Pleikrong, tổ máy số 1 thủy điện sông Ba Hạ, tổ máy 1 của nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh và nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. Cùng với đó, nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 sau khi khắc phục sự cố cũng sẽ vận hành trở lại vào ngày 15/4.

 

Ngoài ra, đường dây mua điện của Trung Quốc đi qua Hà Giang - Thái Nguyên đã được tăng năng lực truyền tải từ 120MW lên thành 200MW. Dự kiến, EVN sẽ mua thêm của Trung Quốc từ 10 triệu kWh/ngày lên 12 triệu kWh/ngày.