Cập nhật sinh trắc học giúp tăng tính an toàn, bảo mật cho giao dịch của khách hàng tại ngân hàng

Cập nhật sinh trắc học giúp tăng tính an toàn, bảo mật cho giao dịch của khách hàng tại ngân hàng

Loại bỏ tài khoản “rác”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau quá trình sàng lọc, làm sạch dữ liệu khách hàng, ngành ngân hàng sẽ đóng những tài khoản “chết” cũng như “chặn đứng” những tài khoản có dấu hiệu bị kẻ xấu lợi dụng vào hoạt động lừa đảo.

Hàng triệu tài khoản “rác” được loại khỏi ngân hàng

Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra cho thấy, hiện có khoảng 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt cao gấp 26 lần GDP. Trong năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,68% về số lượng và tăng 32,79% về giá trị so với năm 2023; thanh toán qua kênh Internet tăng 49,73% về số lượng và 33,12% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 54,08% về số lượng và 34,03% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 104,65% về số lượng và 97,14% về giá trị.

“Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là một phương thức giao dịch mà là nền tảng chiến lược kết nối mọi thành phần trong kinh tế số, giúp hệ sinh thái số gắn kết chặt chẽ, vận động trơn tru và ngày càng hoàn thiện, từ đó, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến một nền kinh tế hiện đại, minh bạch”, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN nhận xét và cho biết thêm, trong quý I/2025, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 81.468.633 tỷ đồng, tăng 36,81% so với cùng kỳ 2024; giao dịch qua Napas đạt 14.972.645 tỷ đồng, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2024); giao dịch qua POS đạt hơn 292.241 tỷ đồng, giảm 0,48% so với cùng kỳ năm 2024)…

Ông Tuấn cho biết, theo thống kê, cả nước có 200 triệu tài khoản ngân hàng nhưng sau khi NHNN yêu cầu xác thực sinh trắc học thì số tài khoản còn lại là 113 triệu tài khoản cá nhân và trên 711.000 tài khoản của tổ chức. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng đạt 86,9%, thấp hơn so với năm 2023. Con số này là kết quả của quá trình sàng lọc, làm sạch dữ liệu mà ngành ngân hàng đã làm suốt năm qua. Gần 86 triệu tài khoản không đối chiếu thông tin sinh trắc học thì có thể là tài khoản “chết”, “ngủ đông”, hay gian lận đã được mở trong thời gian qua và hiện nay không thể hợp thức hóa được. Dự kiến tháng 9/2025 tới, các ngân hàng sẽ đóng hết những tài khoản chưa xác thực sinh trắc học để phòng tội phạm lợi dụng để lừa đảo.

Một điểm mới nữa đó là từ 1/7/2025, ví điện tử sẽ được xem như phương tiện thanh toán, tương tự như tài khoản, thẻ, tiền mặt, tạo điều kiện cho ví điện tử có nhiều dư địa để thâm nhập vào thị trường cũng như triển khai cung cấp dịch vụ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cũng đưa ra cảnh báo rằng, các hành vi gian lận đang ngày càng tinh vi và có tổ chức, với thủ đoạn luân chuyển tài sản qua nhiều tài khoản khác nhau để gây khó khăn cho khâu truy vết. Về phía người dùng, ông nhấn mạnh, cần sử dụng đồng thời nhiều biện pháp bảo mật như sinh trắc học, mật khẩu, mã OTP. Bởi, không có giải pháp nào là tuyệt đối an toàn, nhưng nếu phối hợp nhiều lớp bảo mật sẽ tăng cường hiệu quả bảo vệ.

Dừng cung cấp dịch vụ với “tài khoản đen”

NHNN đã ban hành nhiều quy định mới nhằm kiểm soát rủi ro. Trong đó, có yêu cầu các tổ chức tín dụng phải gửi thông tin về tài khoản nghi ngờ gian lận về NHNN để xây dựng kho dữ liệu chung. Các ngân hàng xây dựng kho dữ liệu gồm tài khoản nghi ngờ lừa đảo, giúp ngăn chặn hàng trăm tỷ đồng nguy cơ bị mất của khách hàng. NHNN sẽ đưa ra quy định yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính phải đáp ứng tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, nếu không sẽ bị dừng cung cấp dịch vụ trên môi trường trực tuyến.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN đã triển khai dự án kho dữ liệu tài khoản, thẻ, ví điện tử... nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo do các tổ chức tín dụng gửi về. Hiện kho dữ liệu có 350.000 tài khoản nghi ngờ (tài khoản đen) và được chia sẻ cho các tổ chức tín dụng đóng góp tiếp. BIDV là ngân hàng đầu tiên được chia sẻ.

Từ ngày 1/4/2025, BIDV đã triển khai tính năng cảnh báo khách hàng trước khi họ chuyển tiền vào tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ. Qua hơn một tháng triển khai, tính năng này giúp hơn 40.000 khách hàng của BIDV dừng chuyển tiền, ngăn chặn thiệt hại trên 160 tỷ đồng. Trong tháng 6 - 7/2025, có thêm 4 ngân hàng sẽ triển khai tính năng này gồm: Vietcombank, MB, VietinBank và Agribank. Sau đó, NHNN sẽ mở rộng triển khai toàn ngành, chia sẻ với các đơn vị có nhu cầu.

“Chúng ta dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để phát triển sản phẩm thì tội phạm cũng lợi dụng AI vào các hoạt động phạm tội. Cuộc chiến với tội phạm mạng là cuộc chiến không điểm dừng, do vậy đòi hỏi các tổ chức cung ứng phải hết sức quan tâm”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay, tài khoản tổ chức vẫn được mở tương đối dễ, thông qua người uỷ quyền, nên nhiều kẻ gian tận dụng cho việc nhận tiền lừa đảo. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đang sửa đổi quy định, trong đó yêu cầu đích thân chủ doanh nghiệp phải trực tiếp tới chi nhánh ngân hàng để mở tài khoản, là một trong các biện pháp nhằm ngăn chặn kẻ gian lừa đảo trực tuyến.

Đáng chú ý, khi gần đây, công an lần đầu tiên phát hiện đường dây sử dụng công nghệ AI làm giả sinh trắc học nhằm giao dịch rửa tiền hơn 1.000 tỷ đồng cho một trang web đánh bạc trực tuyến. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, việc xác minh tính chính chủ trong giao dịch chuyển và rút tiền tại ngân hàng cũng như tính xác thực của người đứng đầu doanh nghiệp khi mở tài khoản ngân hàng là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh tồn tại những lỗ hổng khiến kẻ gian lợi dụng, lừa đảo. Hiện với người đến rút tiền tại ngân hàng, không có quy định bắt buộc về việc xuất trình dữ liệu sinh trắc học, nhưng vẫn phải xuất trình giấy tờ tùy thân hợp lệ.

ACB cũng có thông báo về việc đăng ký sinh trắc học và bổ sung hồ sơ mở tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức. Cụ thể, nhằm tuân thủ Thông tư 17/2024/TT-NHNN, để không bị gián đoạn giao dịch, khách hàng tổ chức cần hoàn tất đăng ký sinh trắc học trước ngày 1/7/2025 và bổ sung hồ sơ mở tài khoản thanh toán trước 1/1/2026. Nếu người đại diện hợp pháp của tổ chức là người Việt Nam, khách hàng chuẩn bị thẻ căn cước/căn cước công dân gắn chip còn hiệu lực. Đối với người đại diện hợp pháp của tổ chức là người nước ngoài, khách hàng chuẩn bị hộ chiếu còn hiệu lực. Khách hàng mở tài khoản thanh toán và ký hợp đồng ACB online của người đại diện hợp pháp (nếu chưa có). Sau đó, khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt trên ứng dụng ACB ONE, tại ACB gần nhất…

Trong tất cả các giao dịch tại quầy, ngân hàng - tổ chức cung ứng dịch vụ phải xác minh danh tính người giao dịch là đúng người xuất trình. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, giao dịch viên chủ yếu dùng phương pháp quan sát bằng mắt thường để đối chiếu giấy tờ tùy thân từ người xuất trình. Điều này đặt áp lực rất lớn lên nhân viên, khiến họ gần như phải kiêm luôn vai trò của lực lượng chức năng - công an.

Để giải quyết vấn đề này, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho biết, trong tương lai gần, việc xác minh danh tính khách hàng sẽ dựa trên công nghệ - so sánh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thay vì chỉ dựa vào cảm quan. Khách hàng vẫn có thể dùng thẻ căn cước công dân điện tử (VNeID) để thực hiện các giao dịch trực tiếp tại quầy một cách an toàn, chính xác hơn. Tuy nhiên, theo NHNN, quy định sắp tới sẽ siết chặt hơn: không tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, không chấp nhận ủy quyền, phải xác minh rõ tổ chức đó có đăng ký kinh doanh hợp pháp hay không… Nếu không có thông tin xác thực, tài khoản sẽ không được mở. Mục tiêu là tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với tài khoản tổ chức, đảm bảo người đến giao dịch phải xuất trình đúng giấy tờ tùy thân hợp lệ, xác thực, ngừa rủi ro, gian lận và lạm dụng tài khoản.

Tin bài liên quan