Loài gấu gây ra nhiều vụ tấn công con người nhất thế giới bị đàn hổ "giải quyết" trong chớp mắt

Loài gấu gây ra nhiều vụ tấn công con người nhất thế giới bị đàn hổ "giải quyết" trong chớp mắt

(ĐTCK) Không phải lúc nào hổ cũng đi săn mồi theo đàn!

Gấu lợn (hay còn gọi là gấu lười) sinh sống ở những cánh rừng thấp ở Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và Nepal.

Chúng là loài động vật chuyên ăn đêm, thường sống ở những khu rừng thấp của Ấn Độ. Chúng sở hữu ngoại hình khá dễ nhận ra khi có lớp lông dài, xù, và mõm trắng đen tuy nhiên, chỉ cao khoảng 1,8 m, nặng 80-140 kg, khiêm tốn hơn nhiều nếu so sánh với các "anh em họ" như gấu trắng, gấu nâu hay gấu xám...

Tuy không có lợi thế về hình thể nhưng loài động vật này có tính tình lại rất dễ bị kích động, những lúc như vậy chúng trở nên vô cùng đáng sợ, kể cả đối với con người. Trong quá khứ, từng có trường hợp 1 cá thể gấu lười bỗng chốc điên loạn và tấn công, giết hại con người.

Gấu lợn cái thường sinh một đến 2 con mỗi lần mang thai. Gấu con sẽ sống với mẹ khoảng 2 đến 3 năm tuổi, cho đến khi trưởng thành mới tách ra sống độc lập. Gấu mẹ nuôi dưỡng và chăm sóc con một mình mà không có sự tham gia của gấu đực.

Gấu lợn là một trong những loài gấu nguy hiểm và gây ra nhiều vụ tấn công con người nhất thế giới. Theo số liệu thống kê từ chính phủ Ấn Độ, gấu lợn đã tấn công hàng nghìn người và khiến hàng trăm người thiệt mạng tính riêng tại Ấn Độ trong 2 thập kỷ qua. Năm 2017, một con gấu lợn đã tấn công 11 người, khiến một người tử vong, chỉ trong vòng một ngày tại Ấn Độ.

Cùng sinh sống trong môi trường của gấu lợn còn có rất nhiều loài động vật săn mồi đáng gờm khác, trong đó phải kể đến hổ.

Hổ (hay cọp, hùm...) là một loài động vật có vú thuộc Họ Mèo được xếp vào một trong năm loài "mèo lớn" thuộc chi Panthera, tiến hóa từ khoảng 4 triệu năm trước, được đại diện bởi Panthera blytheae - giống loài khi ấy đóng vai trò như nhánh đầu tiên của dạng động vật ăn thịt mới.

Danh hiệu “chúa sơn lâm” luôn dành cho hổ do loài thú này có sức mạnh tuyệt đối và phải chăng bắt nguồn từ việc chúng luôn ở những vị trí cao, thích sống ở những vùng cao. Mặc dù hổ sống ở nhiều sinh cảnh khác nhau nhưng thích hợp nhất là rừng thứ sinh, rừng ven bãi cỏ, rừng thường xanh đất thấp nhiệt đới, rừng gió mùa, rừng gai khô, rừng cây sồi và bạch dương, rừng cỏ cao và đầm lầy ngập mặn.

Hổ là loài có cơ thể lớn nhất trong thú họ Mèo và là loài thú ăn thịt lớn thứ ba sau gấu nâu và gấu Bắc cực. Đây cũng là loài bơi giỏi và không sợ nước, có thể bơi 29 km trong một ngày và có thể vừa bơi vừa tấn công người hoặc các loài động vật khác. Trên cạn, hổ chỉ xếp sau báo gấm khi tốc độ chạy đạt 65 km/h. Đặc biệt, hổ là loài thú có hàm răng lớn với răng nanh của cá thể trưởng thành dài 9 cm. Đây cũng là loài ăn khoẻ nhất với 29 kg thịt hằng ngày cho một cá thể hổ có kích thước trung bình. Ngược lại, do ăn khỏe nên hổ có thể nhịn đói 3 ngày.

Thông thường, hổ và gấu lợn rất hiếm khi xảy ra xung đột bởi chúng thừa hiểu nếu lao vào cuộc chiến vô nghĩa sẽ khiến hao tổn rất nhiều sức lực. Tuy nhiên, trong trường hợp số lượng hổ vượt trội, đồng nghĩa với việc sức mạnh tăng lên thì gấu lợn không còn là đối thủ của hổ nữa. Giống như trong đoạn clip, đàn hổ đã dễ dàng hạ gục gấu lợn trong chuyến đi săn. Thực tế, hổ là loài động vật thích hoạt động một mình do đó sự xuất hiện của một đàn hổ đi săn cùng nhau cũng là điều rất hiếm khi xảy ra.

Tin bài liên quan