Mỹ siết thuế quan với Nga
![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2017. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đưa tin, ông Trump vào ngày 14/7 tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế lên đến 100% đối với hàng hóa Nga, nếu Moskva không đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 50 ngày tới. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời nhấn mạnh rằng mức thuế này sẽ thuộc diện thuế quan thứ cấp.
Theo kênh CNBC (Mỹ), thuế quan thứ cấp của Tổng thống Trump sẽ áp đặt lên các quốc gia và thực thể mua hàng xuất khẩu của Nga. Chúng có thể gây thiệt hại đặc biệt nặng nề cho các quốc gia nhập khẩu nhiều nhiên liệu hóa thạch của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn của Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào đầu năm 2022, và lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng trong cùng kỳ. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ coi việc tăng cường mua dầu là một hình thức hỗ trợ cho Nga, giúp nâng đỡ nền kinh tế quốc gia và làm suy giảm tác động của các lệnh trừng phạt.
Đây không phải là lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng Trump đe dọa áp đặt thuế thứ cấp đối với Moskva do xung đột Nga - Ukraine. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump đưa ra lời cảnh báo như vậy. Hồi tháng 3, ông Trump tuyên bố các quốc gia mua dầu khí từ Venezuela sẽ phải đối mặt với mức thuế 25%, và vào tháng 5, ông cũng đe dọa áp đặt mức thuế tương tự đối với các quốc gia nhập khẩu dầu của Iran.
Thị trường toàn cầu vốn ngày càng hoài nghi về những lời đe dọa áp thuế gần như hàng ngày của Tổng thống Trump do đó gần như không mấy sốt sắng về thông tin này và dự đoán không có nhiều lo ngại về tác động tiềm tàng đối với dòng chảy dầu thô. Các nhà phân tích thương mại lập luận rằng các khoản thuế được đề xuất sẽ khó kiểm soát và nếu được hiện thực hóa, rất có thể sẽ gây tác động ngược trở lại Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Trung - Ấn
![]() |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp năm 2019 khi ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ảnh tư liệu: ANI/TTXVN |
Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – ông Matt Whitaker đánh giá động thái này thực chất là một biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia mua dầu từ Nga. Ông Whitaker nhấn mạnh với các phóng viên: “Vấn đề nằm ở việc áp thuế đối với các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc đang mua dầu của Nga”.
Bà Deborah Elms, người đứng đầu bộ phận chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich ở Singapore, cho biết: "Điều này sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa, khiến các quốc gia này hoài nghi về việc nhận được một thỏa thuận từ Tổng thống Trump".
Đáng chú ý, Tổng thống Trump lại tung lời đe dọa về thuế thứ cấp giữa thời điểm đàm phán với hai quốc gia châu Á bước vào giai đoạn quan trọng.
Ấn Độ đang tiến gần đến một thỏa thuận trong đó Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 20% đối với hàng hóa từ quốc gia đông dân nhất thế giới này và sau đó là khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng vào mùa Thu năm nay.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Mỹ trong những tuần gần đây. Các quan chức ở New Delhi ngày 15/7 chia sẻ với Bloomberg rằng vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Trump có thực hiện lời đe dọa hay không và nếu có, ông sẽ thực hiện điều đó bằng cách nào. Theo họ, việc trừng phạt các thực thể giao dịch hoặc mua dầu thô của Nga sẽ khó thực hiện và có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đang trên đà cải thiện sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại vào tháng 5.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tiết lộ khả năng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp gỡ vào cuối năm nay. Và vào ngày 14/7, Nvidia cho biết Mỹ sẽ tạo điều kiện duy trì bán chip AI H20 cho Trung Quốc. Theo Bloomberg, đây là dấu hiệu lớn nhất từ trước đến nay cho thấy Nhà Trắng nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đối với Bắc Kinh để đổi lấy khoáng sản đất hiếm cần thiết cho việc sản xuất một loạt sản phẩm công nghệ cao.
Lãnh đạo Trường nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nhận định: "Dù cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang tạm ngừng leo thang, nhưng vẫn còn nhiều bất trắc trên các mặt trận khác. Việc áp thêm thuế thứ cấp sẽ chỉ khiến tình hình thêm rối ren, và chắc chắn Trung Quốc sẽ có phản ứng quyết liệt”.
Nhà phân tích William Yang tại International Crisis Group đánh giá: "Bất kỳ mối đe dọa lớn nào đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc đều có thể làm nảy sinh căng thẳng mới trong thỏa thuận đình chiến thương mại vốn mong manh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới”. Bên cạnh đó, các khoản thuế thứ cấp cản trở khả năng tiếp cận dầu giá rẻ của Ấn Độ cũng có thể làm rạn nứt quan hệ giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi.
Chuyên gia chính sách thương mại quốc tế Abhijit Das nhận xét rằng trong tiến trình đàm phán thương mại, Ấn Độ cần đưa ra yêu cầu Mỹ không áp đặt các mức thuế mang tính chất như vậy.
![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 15/7. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Bắc Kinh trong tuần này và gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, đồng thời được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón. Ông Tập Cận Bình cho biết hai nước nên tăng cường "hợp tác chiến lược toàn diện".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc vào ngày 14/7 trong chuyến thăm đầu tiên của ông sau hơn 5 năm, trong bối cảnh hai nước láng giềng châu Á đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ căng thẳng do các cuộc đụng độ biên giới năm 2020. Ngoại trưởng Jaishankar đã hội kiến ông Tập Cận Bình vào ngày 16/7.
"Tất cả những lời đe dọa về thuế quan này thực sự đang góp phần đưa Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) xích lại gần nhau hơn", ông Amitendu Palit tại Viện Nghiên cứu Nam Á bình luận.