Lợi tức kho bạc Mỹ hạ nhiệt, giới đầu tư mạnh dạn bắt đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên tăng tốt nhất trong gần một tháng vào ngày thứ Tư (7/9), khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ hạ nhiệt.
Lợi tức kho bạc Mỹ hạ nhiệt, giới đầu tư mạnh dạn bắt đáy

Chứng khoán Mỹ trước đó đã bị bán tháo mạnh kể từ giữa tháng 8, sau khi các bình luận diều hâu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, kết hợp với các dấu hiệu suy thoái kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc và các bước đi thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của các ngân hàng trung ương lớn nhằm kiềm chế lạm phát.

Nhưng phiên này, các chỉ số chính đã bật tăng khá mạnh mẽ, với Nasdaq vốn nặng về công nghệ vọt hơn 2%, chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp, nhờ lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm từ mức cao nhất trong ba tháng xuống dưới 3,3% đã thúc đẩy các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như Tesla tăng 3,4%, Microsoft Corp tăng gần 2% và Amazon.com tăng 2,7%.

Brent Schutte, Giám đốc đầu tư tại Northwestern Mutual Wealth Management cho biết. "Thị trường trái phiếu hoạt động tốt ngày hôm nay, điều này đang mang lại cho phố Wall cảm giác dễ chịu hơn một chút, nhưng những lo lắng lớn vẫn là những gì Fed sẽ làm vào cuộc họp ngày 21/9”.

Trong khi đó, 10 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đóng cửa tăng điểm, với nhóm cổ phiếu tiện ích hơn tới hơn 3,1%, phản ánh nhu cầu phòng thủ của các nhà đầu tư trong môi trường bất ổn kinh tế.

Duy nhất ngành năng lượng giảm 1,16%, do giá dầu thô giảm khoảng 5% trước những lo ngại về nhu cầu liên quan đến rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trọng tâm chính giới đầu tư hướng tới là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Năm và dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ vào tuần tới để biết thêm manh mối về đường lối của chính sách tiền tệ của Fed.

Kết thúc phiên 7/9, chỉ số Dow Jones tăng 435,98 điểm (+1,40%), lên 31.581,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 71,68 điểm (+1,83%), lên 3.979,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 246,99 điểm (+2,14%), lên 11.791,90 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, dẫn đầu bởi đà đi xuống của cổ phiếu hàng hóa, sau khi dữ liệu thương mại mờ nhạt từ Trung Quốc làm tăng thêm lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,39% xuống 412,76 điểm, trong đó, nhóm cổ phiếu khai thác có tiếp xúc nhiều với thị trường Trung Quốc mất 2,34%, trong khi chỉ số dầu khí châu Âu giảm 3,1% theo chân sự sụt giảm của giá kim loại và dầu thô.

Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy tăng trưởng thấp hơn dự báo trong tháng 8 do nhu cầu hàng hóa toàn cầu và hoạt động sản xuất trong nước suy giảm.

Danni Hewson, nhà phân tích tài chính của AJ Bell, viết trong một ghi chú: “Sự suy giảm trong cả xuất khẩu và nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chứng tỏ sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu và quy mô của cú sốc Covid-19 gây ra”.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích đã tăng vọt với tin tức này, với cổ phiếu của ED, SSE, Engie, RWE và Verbund tăng từ 3,4% đến 13,3 % để giúp chỉ số chính không rơi sâu hơn.

Hiện giới đầu tư đang tập trung vào cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm, nơi mà nhiều người dự kiến ECB ​​sẽ tăng lãi suất cho vay thêm 0,75% để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao cao kỷ lục trong khối.

Kết thúc phiên 7/9: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 62,61 điểm (-0,86%), xuống 7.237,83 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 44,53 điểm (+0,35%), lên 12.915,97 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 1,31 điểm (+0,02%), lên 6.105,92 điểm.

Giá dầu thô lao dốc mạnh do những rủi ro suy thoái toàn cầu cùng với dự trữ dầu thô tăng tại Mỹ tăng tới 3,645 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 733.000 thùng.

Kết thúc phiên 7/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 4,94 USD/thùng (-6,03%), xuống 81,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 4,83 USD/thùng (-5,49%), xuống 88,00 USD/thùng.

Tin bài liên quan