Hội thảo “Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số”, do Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức ngày 6/12/2024.

Hội thảo “Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số”, do Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức ngày 6/12/2024.

Luật mới mở đường cho sàn giao dịch tài sản mã hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua đã lần đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của tài sản số và tài sản mã hóa tại Việt Nam. Trong bối cảnh nước ta thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao hàng đầu thế giới, việc thiết lập sàn giao dịch chính thống là bước đi tất yếu nhằm kiểm soát rủi ro, khai thác nguồn lực ngầm và thúc đẩy kinh tế số.

Tài sản mã hóa cần sàn giao dịch hợp pháp

Trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển, tài sản mã hóa (crypto assets) - một bộ phận của tài sản số - đang dần trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Theo số liệu từ Triple A năm 2024, thế giới ghi nhận 562 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, tương đương 6,8% dân số toàn cầu, tăng mạnh 33% so với con số 420 triệu người vào năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của tài sản mã hóa giai đoạn 2018 - 2023 lên tới 99%, vượt xa mức 8% của các phương thức thanh toán truyền thống và thậm chí vượt qua nhiều tập đoàn tài chính tên tuổi như American Express.

Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật trong làn sóng tăng trưởng này. Theo báo cáo từ Triple A và Chainalysis, có hơn 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa, tương đương 17% dân số, xếp thứ 5 thế giới về tỷ lệ sở hữu và thứ 7 về số lượng người dùng. Đây là dấu hiệu rõ rệt cho thấy tài sản mã hóa đã len lỏi vào đời sống tài chính của người dân.

Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại: Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng lại thiếu một khung pháp lý chính thức để công nhận và điều tiết lĩnh vực này. Đó là lý do vì sao Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số vào ngày 14/6/2025, được đánh giá là cột mốc lịch sử đối với thị trường tài sản số.

Luật Công nghiệp Công nghệ số lần đầu tiên định danh tài sản mã hóa như một loại tài sản trong không gian số, tạo nền tảng pháp lý ban đầu để xây dựng các sàn giao dịch chính thức, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và bảo vệ người tham gia thị trường.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định: “Luật Công nghiệp công nghệ số đã khơi thông điểm nghẽn lớn nhất cho thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam. Đây là cơ sở để ban hành các văn bản dưới luật nhằm thúc đẩy và quản lý tài sản mã hóa, như tổ chức sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung, các chế tài điều chỉnh trong giao dịch dân sự liên quan đến tài sản mã hoá...”.

Ông Trung cho rằng, khi chưa có một khung pháp lý rõ ràng và một sàn giao dịch chính thống tại Việt Nam đã dẫn đến nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội. Hiện Việt Nam chưa có cơ chế thu thuế đối với các giao dịch tài sản mã hóa, trong khi ước tính dòng tiền tài sản mã hoá vào nước ta năm 2024 đã đạt mốc 105 tỷ USD (Chainalysis). Đây là một nguồn thu tiềm năng cho ngân sách nhà nước.

Thêm vào đó, các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và gian lận tài chính có nguy cơ bùng phát nếu thiếu cơ chế quản lý phù hợp. Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Toàn cầu (FATF) năm 2023 đã khuyến cáo Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa (VASPs) để tránh bị lạm dụng.

Chính vì vậy, Luật Công nghiệp công nghệ số được đánh giá là bước tiến quan trọng để “xóa vùng xám pháp lý” trong lĩnh vực tài sản số. Đây cũng là một phần trong lộ trình để Việt Nam thoát khỏi danh sách “xám” của FATF - điều kiện tiên quyết để nâng cao uy tín và thu hút vốn quốc tế.

Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư Việt

Trước khi Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua, ngày 12/6/2025, lần đầu tiên các loại tài sản số, tiền số, tiền mã hóa được đưa vào danh mục công nghệ chiến lược quốc gia, cùng với nhóm công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai chính sách lớn này được kỳ vọng không chỉ giúp Việt Nam “xóa vùng xám pháp lý” cho tài sản mã hóa, mà còn là văn bản nền tảng mở đường cho các khung pháp lý tiếp theo, đặc biệt là các nghị định hướng dẫn về quản lý sàn giao dịch, thu thuế và bảo vệ nhà đầu tư.

Ảnh tác giả

Luật Công nghiệp Công nghệ số đã khơi thông điểm nghẽn lớn nhất cho thị trường tài sản số tại Việt Nam. Đây là tiền đề để hình thành các sàn giao dịch hợp pháp, đưa dòng vốn từ nền kinh tế ngầm vào khuôn khổ chính thống.

Ông Phan Đức Trung Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Ông Trần Huyền Dinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần AlphaTrue đánh giá: Việc triển khai sàn giao dịch tài sản mã hoá trong nước không chỉ giúp doanh nghiệp Việt nắm bắt được thị phần và công nghệ, mà còn tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là giữ dòng tiền trong nước thay vì “chảy máu” ra nước ngoài thông qua các nền tảng không kiểm soát.

“Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, nhiều sàn giao dịch quốc tế đã vào Việt Nam, nhưng trong đó có cả những nền tảng thiếu minh bạch. Các nhà đầu tư Việt sẽ gặp rủi ro khi tham gia các sàn này và khi xảy ra tranh chấp hoặc lừa đảo, người dùng không có cơ sở pháp lý để khiếu kiện hoặc yêu cầu bồi thường. Việc thiết lập một sàn giao dịch tài sản mã hóa hợp pháp trong nước sẽ là giải pháp bảo vệ quyền lợi người dân”, ông Dinh nhấn mạnh.

Không những vậy, lãnh đạo Công ty AlphaTrue còn cho rằng, nhà đầu tư Việt Nam sẽ được trải nghiệm và hiểu rõ thế nào là một giao dịch chính thức được công nhận, đồng thời được bảo vệ trong khuôn khổ pháp lý của Nhà nước.

Ông Tô Trần Hoà, Phó trưởng ban Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng tiết lộ tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung” ngày 27/3/2025 của Hiệp hội Blockchain Việt Nam rằng, khung pháp lý và các nghị định hướng dẫn liên quan đến thị trường tài sản mã hoá đang được xây dựng dựa trên mô hình quản lý từ các quốc gia đi trước, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tài chính và công nghệ.

Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ là bước đệm để hình thành các sàn giao dịch tài sản mã hóa hợp pháp, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển tài chính số tại Việt Nam.

Tin bài liên quan