Lực bán bất ngờ tăng, VN-Index có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2024

Lực bán bất ngờ tăng, VN-Index có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái ngược với dự báo tích cực của các công ty chứng khoán, thị trường có phiên giảm mạnh, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ tại đường MA20 khi lực bán bất ngờ gia tăng.

Sau khi điều chỉnh từ mức 1.186 điểm phiên đầu tuần trước (22/1), thị trường đã bắt đầu phát tín hiệu hồi phục từ cuối tuần trước (26/1), nhưng thanh khoản ở mức thấp khi nhà đầu tư dường như đã nghỉ Tết sớm.

Trong phiên hôm qua, thị trường tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm bất động sản, xây dựng, dù không thể chinh phục được mốc 1.180 điểm.

Với kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng, chứng khoán và nhiều doanh nghiệp lớn công bố tích cực, cùng với tín hiệu kỹ thuật, nhiều công ty chứng khoán đều có nhận định tích cực về xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường. Một số công ty chứng khoán cho rằng, VN-Index có thể chỉ gặp chút rung lắc nhẹ ở ngưỡng cản cũ 1.186 điểm và nếu vượt qua, sẽ lên vùng cản tiếp theo là 1.195 điểm, thậm chí có thể vượt ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.200 điểm.

Tuy nhiên, trái ngược với dự báo lạc quan này, phiên hôm nay chứng kiến lực bán bất ngờ gia tăng mạnh ngay đầu phiên sáng, khiến VN-Index chỉ lóe xanh lúc mở cửa, sau đó quay đầu giảm với đáy sau thấp hơn đáy trước. Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm thế áp đảo với gần như toàn bộ các nhóm ngành dẫn dắt đầu giảm, ngoại trừ nhóm công ty chứng khoán, nhưng đà tăng cũng bị thu hẹp dần về cuối phiên sáng.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu tích cực giúp thị trường thu hẹp đà giảm trong 30 phút giao dịch đầu phiên, trước khi lực bán mạnh được tung ra sau đó, đẩy VN-Index xuống mức thấp hơn.

Giống như phiên sáng, sau khi về gần ngưỡng hỗ trợ ở đường trung bình động MA20, lực cầu bắt đáy nhập cuộc kéo VN-Index trở lại, nhưng bên bán chỉ chờ có vậy để tung hàng, đẩy VN-Index quay đầu trở lại và xác lập đáy sau thấp hơn đáy trước.

Chốt phiên chiều, dù thoát khỏi mức điểm thấp nhất ngày, nhưng ngưỡng hỗ trợ ở đường MA20 đã bị xuyên thủng, VN-Index có phiên giảm điểm mạnh nhất hơn 2 tháng, cũng là phiên giảm mạnh nhất trong năm mới 2024, thanh khoản cao nhất gần 3 tuần.

Chốt phiên, VN-Index giảm 15,34 điểm (-1,30%), xuống 1.164,31 điểm với 101 mã tăng và 393 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.120,9 triệu đơn vị, giá trị 23.314,5 tỷ đồng, tăng 80,7% về khối lượng và 70% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 98,4 triệu đơn vị, giá trị 2.033,6 tỷ đồng.

Các nhóm ngành chủ lực đều chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, nhóm ngân hàng đã không còn sắc xanh nào, mà toàn bộ nhuốm màu đỏ sau khi HDB cũng đảo chiều giảm điểm. Trong đó, SHB là mã có mức giảm mạnh nhất khi mất 5,7% xuống 11.600 đồng, thanh khoản cao nhất sàn với 127,1 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm mạnh nhất trong 4 tháng của SHB và cũng là phiên có thanh khoản kỷ lục của mã này.

Có mức giảm mạnh thứ 2 là EIB khi mất 3,1% giá trị xuống 18.750 đồng, OCB giảm 2,94% xuống 14.850 đồng, đặc biệt là anh cả VCB giảm 2,75% xuống 88.500 đồng, lấy đi của VN-Index gần 3,5 điểm, mức nhiều nhất trong các mã.

Ngoài ra, STB giảm 2,61% xuống 29.900 đồng, khớp 34,44 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản; MBB giảm 1,58% xuống 21.750 đồng, khớp 27,85 triệu đơn vị, đứng thứ 6 về thanh khoản.

Nhóm công ty chứng khoán cũng có thêm VND, AGR đảo chiều giảm, HCM nới đà giảm, cùng với TVS tạo thành 4 sắc đỏ trong nhóm. Cùng với đó, có thêm APG, BSI, ORS cũng bị đẩy trở lại tham chiếu, khiến số mã tăng chỉ còn 7 mã và đà tăng cũng bị thu hẹp. Trong đó, FTS vẫn giữ được phong độ với mức tăng 5,62% lên 47.900 đồng, VCI tăng 2,02% lên 42.900 đồng, CTS tăng 1,54% lên 29.600 đồng, còn lại chỉ có mức tăng khiêm tốn.

Trong nhóm này, SSI là mã có thanh khoản tốt nhất 44,82 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHB trên sàn, đóng cửa tăng nhẹ 0,73% lên 34.400 đồng; tiếp đến là VIX tăng 0,29% lên 17.450 đồng, khớp 37,3 triệu đơn vị; VND khớp 28,6 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản cũng chỉ còn một số ít mã tăng, nhưng mức tăng không quá lớn, trong đó đáng chú ý có NVL tăng 1,52% lên 16.700 đồng, khớp 25,86 triệu đơn vị, DIG tăng 0,56% lên 27.100 đồng, khớp 26,05 triệu đơn vị.

Nhóm thép, mã giảm mạnh nhất là các mã có báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2023 gồm SMC giảm 4,98% xuống 10.500 đồng, POM giảm 3,17% xuống 5.190 đồng, hay NKG cũng giảm 3,2% xuống 24.200 đồng. Trong khi HPG và HSG giảm nhẹ hơn, chỉ trên dưới 1%.

Trong nhóm VN30, ngoài các mã ngân hàng đã đề cập, thì các mã giảm mạnh khác có VRE giảm 4,06% xuống 22.450 đồng, MSN giảm 2,57% xuống 64.400 đồng, GVR giảm 2,4% xuống 22.400 đồng…

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, HNG và DLG bị đẩy xuống kịch sàn 4.470 đồng và 2.300 đồng, trong đó DLG còn dư bán sàn; thanh khoản khá tốt với hơn 16 triệu đơn vị và hơn 13 triệu đơn vị.

Diễn biến trên sàn HOSE cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sàn HNX khi HNX-Index chỉ cầm cự được trong 30 đầu phiên chiều sau đó quay đầu giảm mạnh, dù nỗ lực trở lại theo nhịp của VN-Index nhưng cuối cùng lực bán đã hoàn toàn thắng thế đẩy chỉ số này lùi sâu trở lại.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,49 điểm (-0,64%), xuống 229,18 điểm với 64 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 98,4 triệu đơn vị, giá trị 1.852,3 tỷ đồng, tăng 65% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 40 tỷ đồng.

Trên sàn này, SHS vẫn là “vua thanh khoản” với 32,21 triệu đơn vị được khớp, bỏ xa các mã còn lại, nhưng đóng cửa giảm 0,54% xuống 18.300 đồng. Đứng thứ 2 về thanh khoản cũng là 1 mã chứng khoán khác là MBS, nhưng chỉ khớp 8,88 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 3,21% lên 25.700 đồng. Tiếp đến là CEO với gần 8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,93% xuống 21.400 đồng; HUT khớp 5,19 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,54% xuống 19.200 đồng; PVS khớp 4,08 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,34%.

UPCoM cũng có nhiều lần xác lập đáy sau thấp hơn đáy trước trong phiên chiều, nhưng về cuối phiên lại bật lại khá tốt, thu hẹp đáng kể đà giảm so với 2 thị trường niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,19%), xuống 87,69 điểm với 116 mã tăng và 126 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,2 triệu đơn vị, giá trị 1.979,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 78 triệu đơn vị, giá trị 1.327 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với gần 4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,58% xuống 18.700 đồng. Có 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là BCR và VGI, đóng cửa BCR đứng tham chiếu 6.000 đồng, còn VGI tăng 2,97% lên 27.700 đồng.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 36,35 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tổng giá trị 5.139,6 tỷ đồng. Trong đó, mã có giao dịch lớn nhất là GHI12101 của Golden Hill với 14,93 triệu đơn vị, giá trị gần 1.500 tỷ đồng. Tiếp đến là IDS12101 của Đầu tư và Phát triển Sài Gòn với 10,73 triệu đơn vị, giá trị 1.091,3 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, nhưng không mạnh bằng thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 2 là VN30F2402 giảm 15 điểm (-1,26%), xuống 1.171 điểm với 177.010 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 20.853,8 tỷ đồng; khối lượng mở 52.249 hợp đồng.

Thị trường chứng quyền hôm nay cũng có giao dịch sôi động khi có 14 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CVPB2309 do SSI phát hành với 5,49 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 20% xuống 240 đồng. Có 2 mã có thanh khoản trên 4 triệu đơn vị là CHPG2326 do SSI phát hành và CFPT2312 do VCSC phát hành, trong đó chứng quyền của HPG đóng cửa giảm 5,71% xuống 660 đồng, còn chứng quyền của FPT tăng 4,94% lên 850 đồng.

Tin bài liên quan