Đối với lĩnh vực bất động sản, việc số hóa dịch vụ ĐKBPBĐ mới chỉ là bước đầu,

Đối với lĩnh vực bất động sản, việc số hóa dịch vụ ĐKBPBĐ mới chỉ là bước đầu,

“Mảnh ghép” chuyển đổi số giao dịch bảo đảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số hóa hoạt động ngân hàng không phải là một chương trình đơn lẻ, đòi hỏi phải đồng bộ cả một hệ thống trong và ngoài ngân hàng.

Bản chất của đăng ký biện pháp bảo đảm (ĐKBPBĐ) là để minh bạch hóa tài sản được dùng để bảo đảm và xác định hiệu lực công khai, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba. Do đó, hiệu quả của hệ thống ĐKBPBĐ và cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm đã trở thành điều kiện cả về nghiệp vụ lẫn pháp lý để các tổ chức tín dụng thực hiện giải ngân kịp thời các khoản vay có bảo đảm bằng tài sản cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Kết quả và bất cập

Sự tương thích để hệ thống ĐKBPBĐ hỗ trợ hiệu quả hơn đối với hệ thống tín dụng nói chung, chiến lược chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng, cũng ngày càng trở thành yêu cầu khách quan trên cả phương diện thị trường và quản lý nhà nước, nhất là về tính minh bạch, an toàn, thuận lợi, kỷ luật và chuẩn mực giám sát các khoản vay có bảo đảm, tài sản bảo đảm và các giao dịch liên quan trong nền kinh tế.

Nhận thức rõ được vị trí, vai trò quan trọng nêu trên, thời gian qua, thể chế về ĐKBPBĐ không ngừng được Nhà nước quan tâm hoàn thiện, bao gồm cả trong tạo hành lang pháp lý về đăng ký trực tuyến, xây dựng, quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin. Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng ngày càng quan tâm cung cấp dịch vụ công về ĐKBPBĐ theo hướng minh bạch, hiệu quả, thuận lợi, chi phí thấp trên nền tảng trực tuyến và số hóa cơ sở dữ liệu về ĐKBPBĐ.

So sánh về chi phí tiết kiệm xã hội khi triển khai đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký trực tuyến. Cột xanh: Chi phí xã hội tiết kiệm (tỷ đồng).

So sánh về chi phí tiết kiệm xã hội khi triển khai đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký trực tuyến. Cột xanh: Chi phí xã hội tiết kiệm (tỷ đồng).

Thực tế, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Trong đó, đối với lĩnh vực tài sản bảo đảm là động sản được đăng ký tại các trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp, từ năm 2017, hệ thống đăng ký đã đạt mức độ 4 - mức độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đến nay đã áp dụng chữ ký điện tử cho tất cả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến.

So sánh thời gian tiết kiệm được khi triển khai hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển). Tổng thời gian tiết kiệm giai đoạn 2002-2020. Nguồn: Số liệu của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

So sánh thời gian tiết kiệm được khi triển khai hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển). Tổng thời gian tiết kiệm giai đoạn 2002-2020. Nguồn: Số liệu của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Lượng yêu cầu đăng ký trực tuyến ngày càng tăng (tính đến thời điểm ngày 30/9/2022 đạt mức trung bình 81,1% lượng yêu cầu đăng ký), việc trả kết quả đăng ký trực tuyến được thực hiện ngay sau khi nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ. Hệ thống đăng ký này cũng đã có cơ sở dữ liệu riêng, cập nhật thường xuyên, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu tra cứu thông tin trực tuyến về tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, các dịch vụ công về ĐKBPBĐ bằng động sản đã được Bộ Tư pháp tích hợp thành công và chính thức đi vào hoạt động trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 22/9/2022.

Chi phí tiết kiệm chi phí xã hội cho cơ quan đăng ký. Chi phí tiết kiệm cho cơ quan đăng ký (triệu đồng).

Chi phí tiết kiệm chi phí xã hội cho cơ quan đăng ký. Chi phí tiết kiệm cho cơ quan đăng ký (triệu đồng).

Đối với lĩnh vực đất đai, mặc dù còn nhiều khó khăn, ngành tài nguyên và môi trường, các địa phương cũng đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, thực hiện số hóa dữ liệu về đất đai, trong đó có dữ liệu về biện pháp bảo đảm và từng bước đạt kết quả nhất định.

Một số địa phương như Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre… đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và công khai trên hệ thống cổng thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc trên cổng thông tin của UBND cấp huyện. Người dân và doanh nghiệp đã có thể tra cứu có điều kiện các thông tin dữ liệu về thửa đất gồm diện tích, kích thước thửa đất, quy hoạch liên quan, tình trạng cấp giấy chứng nhận, thông tin về tính pháp lý của thửa đất...

So sánh số liệu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm qua các giai đoạn (2002-2012; 2012-2017; 2017-2020).

So sánh số liệu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm qua các giai đoạn (2002-2012; 2012-2017; 2017-2020).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi số trong ĐKBPBĐ còn có nhiều nội dung, lĩnh vực chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất, tính liên thông, chia sẻ, kết nối còn chưa cao, nếu không được quan tâm khắc phục thì có thể làm chậm hoặc giảm hiệu quả của các chuỗi cung ứng vốn trong nền kinh tế.

Trong đó, đối với lĩnh vực động sản thuộc thẩm quyền của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, mặc dù việc số hóa đã tiệm cận mức độ khá cao so với mặt bằng chung tại Việt Nam và trong khu vực, nhưng hệ thống này vẫn chưa hỗ trợ tốt việc đăng ký, cung cấp thông tin trên đa phương tiện (chẳng hạn thực hiện qua ứng dụng phần mềm điện thoại…); chưa hỗ trợ tiện dụng, đa dạng các phương thức thanh toán phí không dùng tiền mặt; chưa liên thông hoặc liên thông chưa đầy đủ với các hệ thống giao dịch trực tuyến, hệ thống dữ liệu liên quan trong thị trường tài chính, thị trường hàng hóa (các ngân hàng, trung tâm lưu ký chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, đăng ký tài sản…); chưa đủ năng lực cung cấp báo cáo số liệu tổng hợp có tính phân tích, đánh giá và dự báo theo lĩnh vực, phạm vi tài sản bảo đảm, giao dịch có bảo đảm…

Đối với lĩnh vực bất động sản, việc số hóa dịch vụ ĐKBPBĐ mới chỉ là bước đầu, cơ bản vẫn thực hiện trên hồ sơ bản giấy và trực tiếp; phạm vi, nội dung đăng ký thực hiện dựa trên nền tảng số chỉ giới hạn ở một số địa phương, khu vực quản lý nhất định và ngay ở các địa phương, khu vực này, việc số hóa cũng còn chưa toàn diện, đồng bộ, thống nhất…

Có thể nhận thấy, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến những bất cập trên như:

(i) Thể chế về ĐKBPBĐ nói chung, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công về ĐKBPBĐ nói riêng, còn chưa đầy đủ, thiếu ổn định về cơ sở pháp lý. Hiện tại, cơ sở pháp lý điều chỉnh trực tiếp và cao nhất trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm mới ở tầm nghị định, trong khi công tác này liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành và các địa phương; liên quan đến công nhận, thực hiện quyền, giới hạn thực hiện quyền của người dân, doanh nghiệp, chủ thể khác trong các chuỗi cung ứng vốn nói riêng và trong nền kinh tế nói chung; liên quan đến tổ chức, hoạt động của các thiết chế đăng ký và nguồn nhân lực, kinh phí cho tổ chức, hoạt động của các thiết chế này.

(ii) Việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, hệ thống phần mềm có năng lực đáp ứng đầy đủ các nội dung trên nền tảng số hóa cần kinh phí lớn, trong khi sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

(iii) Cơ sở hạ tầng số, hệ thống phần mềm về giao dịch trực tuyến và cơ sở dữ liệu giữa ĐKBPBĐ với các hệ thống khác trong các thị trường tài chính, hàng hóa, bất động sản…, hay trong hệ thống quản lý của các cơ quan có thẩm quyền còn chưa dựa trên nền tảng chung, tính tương thích, liên kết không cao.

(iv) Nguồn nhân lực, năng lực quản trị và năng lực triển khai công tác chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công về ĐKBPBĐ còn nhiều hạn chế, khó khăn do chưa có cơ chế và thiết chế phù hợp.

(v) Đối với một số lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản, việc số hóa ĐKBPBĐ phụ thuộc chặt chẽ vào kết quả và hiệu quả của số hóa thông tin về đất đai, trong đó có số hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và số hóa đăng ký biến động; phụ thuộc vào hiệu quả của việc chuyển đổi số trong hệ thống công chứng, chứng thực giao dịch, đấu giá, giám định, tố tụng và thi hành án. Trong khi đó, đây là những lĩnh vực mà Việt Nam hoặc chưa thực hiện, hoặc thực hiện nhưng mới chỉ tiệm cận một phần, chưa đầy đủ, đồng bộ, thống nhất.

Các giải pháp đặt ra

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp.

Thứ nhất, xác định rõ chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công về ĐKBPBĐ phải toàn diện đối với tất cả các loại tài sản bảo đảm và trên cả 3 phương diện: Thay đổi mô hình, phương thức cung cấp dịch vụ công; hỗ trợ các chủ thể trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và tất cả các dạng thức khách hàng khác; quản trị, vận hành hệ thống ĐKBPBĐ và trong quản lý nhà nước.

Trước mắt, cơ quan có thẩm quyền liên quan cần tiếp tục hoàn thiện, phát triển các kết quả đạt được và mở rộng hợp lý phạm vi chuyển đổi số về ĐKBPBĐ như:

(i) Nâng mức độ số hóa ĐKBPBĐ bằng động sản lên mức có thể đáp ứng đầy đủ mọi thủ tục, giao dịch trên nền tảng số để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện việc đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin trên nền tảng đa phương tiện; có thể thanh toán phí không bằng tiền mặt một cách linh hoạt bằng mọi phương thức hợp pháp; có khả năng liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu về tài sản bảo đảm với hệ thống trực tuyến của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, với hệ thống giao dịch, hệ thống dữ liệu trong thị trường tài chính, thị trường hàng hóa (các ngân hàng, trung tâm lưu ký chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, đăng ký tài sản…); có thể cung cấp báo cáo số liệu tổng hợp có tính phân tích, đánh giá và dự báo theo lĩnh vực, phạm vi tài sản bảo đảm, nghĩa vụ có bảo đảm để dự báo kịp thời về giao dịch, thị trường vốn và phát triển kinh tế - xã hội…

(ii) Thực hiện chuyển đổi số ĐKBPBĐ trong lĩnh vực bất động sản theo cơ chế linh hoạt, áp dụng từng bước theo lĩnh vực, khu vực đã có đủ điều kiện thực tế và pháp lý để thực hiện. Trong đó, các địa phương đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai có thể thực hiện ĐKBPBĐ, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm trên nền tảng số; đối với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, tài sản mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được cấp giấy chứng nhận thì áp dụng ĐKBPBĐ, cung cấp thông tin về biện pháp dựa trên nền tảng số ở các địa phương có cơ sở hạ tầng số và hệ thống phần mềm phù hợp, bởi đối với những tài sản này, cơ quan đăng ký chỉ ghi nhận theo thông tin người yêu cầu đăng ký kê khai, mà không phụ thuộc vào việc chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản.

Thứ hai, xác định chính sách xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công về ĐKBPBĐ nói riêng là quan trọng nhất, bao gồm cả công tác quản trị, lãnh đạo, thiết chế thực hiện và sự kết hợp chặt chẽ giữa con người với hệ thống công nghệ.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế để có cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, ổn định hơn về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công về ĐKBPBĐ nói riêng; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với thể chế về xây dựng Chính phủ điện tử, tòa án điện tử, số hóa đăng ký tài sản, số hóa công chứng giao dịch, các hoạt động bổ trợ tư pháp khác, cũng như với thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số; hoàn thiện cơ chế pháp lý về quản lý và các thiết chế quản lý, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực ĐKBPBĐ phù hợp với môi trường số, bao quát, điều chỉnh được các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Thứ tư, xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất, khả thi về số hóa việc cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, số hóa trong công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch và số hóa trong đăng ký biến động về tài sản. Trên cơ sở đó, xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài sản, giao dịch - điều kiện quyết định cho việc ĐKBPBĐ dựa trên nền tảng số, giúp người dân và doanh nghiệp, nhất là các tổ chức tín dụng và hệ thống tín dụng, có được đầy đủ thông tin minh bạch, thuận lợi, kịp thời và an toàn trong xác định tài sản dùng để bảo đảm các khoản vay và trong xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm nói chung và trên nền tảng số nói riêng.

Thứ năm, đầu tư và phát triển hệ thống hạ tầng số đồng bộ, trên nền tảng công nghệ, hệ thống phần mềm có năng lực cao trong đáp ứng yêu cầu phát triển về quản lý, xác lập, thực hiện dịch vụ, giao dịch về kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Hệ thống này cũng phải đảm bảo tính tương thích cao về kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống hạ tầng số, hệ thống phần mềm trong các lĩnh vực: Đăng ký biện pháp bảo đảm khác nhau; đăng ký tài sản, công chứng giao dịch, đấu giá, thẩm định giá; giao dịch trong thị trường tài chính, thị trường hàng hóa; tố tụng tòa án, tố tụng trọng tài, thi hành án và quản lý nhà nước có liên quan, nhất là lĩnh vực quản lý về định danh, địa vị pháp lý của cá nhân, tổ chức.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế phù hợp về hệ thống hạ tầng số và hệ thống phần mềm trong ĐKBPBĐ để vừa nâng cao được hiệu quả của hệ thống đăng ký, vừa cập nhật xu thế phát triển mới về công nghệ, kinh tế số, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu về hội nhập quốc tế, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, hàng hóa và logistic.

Tin bài liên quan