Thế hệ Gen Y và Gen Z đóng vai trò đáng kể trong việc tăng cường doanh số và lưu lượng ghé thăm các gian hàng. Ảnh: Dũng Minh

Thế hệ Gen Y và Gen Z đóng vai trò đáng kể trong việc tăng cường doanh số và lưu lượng ghé thăm các gian hàng. Ảnh: Dũng Minh

Mặt bằng bán lẻ vào tương lai hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 350 tỷ USD vào năm 2025 và tới năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa được cho là sẽ vượt xa Thái Lan, Anh và Đức. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt bằng bán lẻ.

Ngành bán lẻ hồi phục

Tại báo cáo “Châu Á: Các thị trường cần theo dõi năm 2023” vừa công bố, WGSN - công ty toàn cầu về dự báo xu hướng - đã chỉ ra 5 thị trường trọng điểm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng tăng trưởng cho các thương hiệu và nhà bán lẻ trong năm nay.

Trong đó, Việt Nam được coi là thị trường tăng trưởng trọng điểm và tương lai nền kinh tế được đánh giá lạc quan nhất trong khu vực, với khoảng 70% người trẻ thế hệ Millennials (hay còn gọi là thế hệ Y hoặc Gen Y - khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) tỏ ra lạc quan về tăng trưởng tích cực.

Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành bán lẻ trong xu hướng hồi phục đang mang đến nhiều hơn kỳ vọng cho các doanh nghiệp ngành này. Thậm chí, khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) còn cho thấy, các nhà đầu tư tin vào triển vọng 100% số doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh có lãi trong năm nay, trong đó có tới 60% doanh nghiệp mong muốn mở rộng hoạt động trong 1-2 năm tới. JETRO cho rằng, các điều kiện thuận lợi đang góp phần thúc đẩy cơ hội kinh doanh cho các nhà bán lẻ, giúp họ phục hồi sau đại dịch, tiến tới khởi động các thương vụ mới.

Theo Bộ Công thương, giá trị của thị trường bán lẻ tại Việt Nam được kỳ vọng tăng 2,5 lần, ước đạt 350 tỷ USD vào năm 2025. Nghiên cứu của HSBC với lĩnh vực bán lẻ Việt Nam cho rằng, tới năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa sẽ vượt xa Thái Lan, Anh và Đức.

Thực tế, bán lẻ là lĩnh vực rất nhạy cảm với tình hình vĩ mô, với các diễn biến của nền kinh tế. Các tin tốt, tin xấu sẽ ngay lập tức phản ánh vào diễn biến thị trường thông qua hành vi của người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, ngành bán lẻ đang phục hồi mạnh mẽ và là “miếng pho mát thơm tho” được nhiều nhà đầu tư hướng tới.

Tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ hiện ở mức thấp. Ảnh: Dũng Minh

Tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ hiện ở mức thấp. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường chủ lực “lấy đà” tăng trưởng

Báo cáo thị trường bán lẻ quý II/2023 của JLL Việt Nam cho thấy, tại TP.HCM, nhóm khách thuê chủ chốt (anchor tenant) vẫn đang dẫn dắt lượng hấp thụ thuần trong quý, tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ ở mức thấp.

Cụ thể, nhóm khách thuê chủ chốt đã hiện thực hóa kế hoạch mở rộng hệ thống thông qua các thương vụ thuê với diện tích lớn: Uniqlo tại Aeon Celadon Tân Phú (1.680 m2) và Giga Mall (1.721 m2), trong khi Galaxy Cinema lấp đầy 2.440 m2 tại Trung tâm thương mại Thiso Mall. Ngoài trung tâm thành phố, các nhà bán lẻ như Aeon còn tích cực tìm kiếm không gian bán lẻ ở các trung tâm thương mại khu vực ven đô.

Nắm bắt nhu cầu của khách thuê đang thay đổi mạnh mẽ, nhiều chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ đã có sự chuẩn bị “đón sóng”. Đơn cử, Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza đang được cải tạo sau khi lấy lại mặt bằng từ Parkson Việt Nam và dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Về nguồn cung mới, trung tâm thương mại Vincom Megamall Grand Park tại quận 9, TP.HCM cũng dự định “chào sân” trong quý IV/2023…

Câu chuyện tương tự đang diễn ra tại Hà Nội: Nguồn cầu ổn định, khách thuê chủ lực kiên định với chiến lược mở rộng hệ thống và các mặt bằng bán lẻ được đổi mới. Chẳng hạn, trong quý II/2023, khu vực trung tâm Thủ đô ghi nhận mức hấp thụ thuần tăng 116% so với quý liền trước sau khi Lotte Department Store thuê lại toàn bộ tầng 6 của Tràng Tiền Plaza. Trong khi đó, tại khu vực ngoài trung tâm, The Loop Shopping Center (tên cũ là Indochina Plaza Hanoi) đã “lột xác” sau khi cải tạo lại, với lượng hấp thụ ròng tăng lên 8.268 m2 trong quý II/2023, gấp 2,5 lần so với quý trước đó.

Các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ Hà Nội cũng rất nhanh nhạy trong phản ứng với diễn biến thị trường. Nếu như quý I/2023 chứng kiến sự nở rộ của các thương hiệu F&B quốc tế, thì trong quý II, nhiều cửa hàng ăn uống nội địa đã phải đóng cửa do hành vi thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Để lấp “khoảng trống” đó, một số trung tâm thương mại tại khu vực ngoài trung tâm đã tận dụng không gian trống để mở rộng danh mục khách thuê sang văn phòng chia sẻ (Co-working space), spa, chăm sóc thú cưng, cửa hàng trải nghiệm đồ thủ công (DIY)… để làm phong phú thêm trải nghiệm của khách hàng. Cách tiếp cận mới này vừa nhằm thu hút nhiều đối tượng khách thuê khác nhau, vừa giúp nhiều trung tâm thương mại cải thiện tỷ lệ lấp đầy.

Sự hồi phục mạnh mẽ của ngành bán lẻ đang khiến các chủ đầu tư dự án thêm tự tin và nỗ lực đưa các mặt bằng mới vào khai thác. Từ nay đến hết năm 2023, thị trường sẽ chứng kiến sự ra đời của 2 trung tâm thương mại mới ở khu vực ngoài trung tâm, bao gồm Lotte Mall Tây Hồ (80.000 m2) dự kiến khai trương trong quý III này và The LinC Park City Hà Đông (10.600 m2) sẽ gia nhập thị trường vào cuối năm 2023.

Sẵn sàng đón khách

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, thời gian qua, các trung tâm bán lẻ liên tục có sự thay đổi trong bố trí khu vực, thiết kế quầy hàng… cũng như đa dạng hóa dịch vụ để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Các hoạt động này diễn ra thường xuyên tới mức khiến những người tiêu dùng ít lui tới các trung tâm thương mại (một vài tháng quay lại một lần - PV) không khỏi ngạc nhiên.

Chẳng hạn, tại The Loop Shopping Center, dưới sự quản lý của Takashimaya, trung tâm mua sắm này đã thay đổi định vị thương hiệu, trở thành một trung tâm thương mại trải nghiệm (life-style shopping mall) với sự kết hợp của cả các thương hiệu cao cấp và bình dân nhắm đến giới trẻ, thay vì giới hạn trong nhóm cư dân của dự án Indochina Plaza Hanoi như trước đây. Hay như hệ thống Aeon Mall, chỉ đơn giản như một sự kiện chuyên về cosplay cho giới trẻ, đã khiến nhiều khách tham quan phải trầm trồ…

Bà Kristie Davison, Phó chủ tịch phụ trách Kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, RELEX Solutions - đơn vị chuyên quản lý chuỗi cung ứng và giải pháp lập kế hoạch bán lẻ cho rằng, việc đem lại trải nghiệm tốt nhất sẽ biến khách hàng mới thành khách hàng trung thành. Cùng với đó, các hoạt động kích thích mua sắm đóng vai trò đáng kể trong việc tăng cường doanh số và lưu lượng ghé thăm các gian hàng.

Còn bà Helen Sac, Giám đốc Tư vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WGSN cho biết, với thế hệ Gen Y và Gen Z hiện đang chiếm gần một nửa dân số Việt Nam, dự kiến người tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục lối sống ưu tiên kỹ thuật số với mong muốn có được trải nghiệm đa kênh ngày càng linh hoạt và thuận tiện, cũng như thanh toán số dễ dàng. Đây là điều các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ cũng như đơn vị bán lẻ cần lưu ý và trong bối cảnh hiện tại, mô hình chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng Việt Nam có 2 yếu tố đặc trưng: Một là, theo đuổi sự hài lòng ngay tức thì; hai là, tăng cường tiết kiệm.

Tin bài liên quan