MBS: VN-Index sẽ đạt 1.500 – 1.540, tâm điểm tiếp tục là cổ phiếu vốn hóa lớn

MBS: VN-Index sẽ đạt 1.500 – 1.540, tâm điểm tiếp tục là cổ phiếu vốn hóa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2025 trải qua nhiều biến động do yếu tố thuế quan từ Mỹ và sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, các chuyên gia phân tích của MBS Research đã đưa ra chiến lược đầu tư cụ thể cho nửa sau năm nay. Tâm điểm đầu tư tiếp tục hướng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đồng thời xác lập 8 chủ điểm đầu tư trọng yếu cùng danh mục 22 cổ phiếu tiêu điểm cho giai đoạn 2025–2026.

VN-Index tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới

Theo MBS, hiện VN-Index đang giao dịch ở mức 14 lần P/E, cao hơn mức trung bình 3 năm gần đây (13.5x) , tuy nhiên vẫn thấp hơn 17% so với mức đỉnh 3 năm (16,9 lần vào quý IV/2021). Định giá của nhóm VN30 (với tỷ trọng vốn hóa đa số là nhóm ngân hàng) là 12,7 lần P/E, cao khoảng 3% so với trung bình 3 năm gần đây là 12,3 lần, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đỉnh 15 lần vào quý IV/2021. Điều này cho thấy định giá của thị trường nói chung và nhóm vốn hóa lớn nói riêng vẫn hấp dẫn so với tăng trưởng lợi nhuận cũng như kỳ vọng nâng hạng của thị trường.

Trong nửa sau 2025, MBS cho rằng dòng tiền sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng giá mạnh trong thời gian qua nhờ định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận. Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 17% lợi nhuận của các DN niêm yết, và định giá 13.5 – 13.8 lần P/E, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.500 – 1.540 trong những tháng cuối năm.

Ở kịch bản tích cực hơn, tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ ít hơn so với dự kiến, dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào thị trường Việt Nam nhờ triển vọng nâng hạng, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của thị trường đạt 19%, P/E kỳ vọng ở mức 13.5 – 14 lần, VNindex có thể tiến lên vùng 1.580 vào cuối năm.

Đặc biệt, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới với Việt Nam theo hướng tích cực hơn so với các nước trong khu vực, kết hợp triển vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ ràng, dòng tiền nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự dịch chuyển này nhiều khả năng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là những mã vẫn còn dư room cho nhà đầu tư ngoại.

Theo MBS, chiến lược lựa chọn cổ phiếu vượt trội trong nhóm vốn hóa lớn được xem là phương án khả thi nhất cho nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân trong nửa cuối năm.

8 chủ điểm đầu tư nổi bật cho 6 tháng cuối năm

MBS xác định 8 xu hướng đầu tư có tiềm năng tạo lợi nhuận trong giai đoạn nửa sau năm 2025.

Thứ nhất, bất động sản dân cư khởi sắc: Với hàng loạt chính sách tháo gỡ pháp lý cho dự án và lãi suất thấp, nhu cầu mua nhà được kích thích trở lại. KDH và NLG là hai cái tên nổi bật.

Thứ hai, phát triển hạ tầng: Dòng vốn đầu tư công dự kiến giải ngân hơn 500.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm. Những doanh nghiệp như CTR, VCG, HHV, HPG, HSG sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng này.

Thứ ba, hỗ trợ từ chính sách tiền tệ nới lỏng: Ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính được kỳ vọng tăng trưởng khi chi phí vốn giảm và nhu cầu tín dụng hồi phục. Những mã đáng chú ý gồm VCB, CTG, VPB.

Thứ tư, chuyển đổi số và công nghệ: Nghị quyết 57 mở đường cho đầu tư công nghệ, đặc biệt là AI và viễn thông. FPT và CTR được đánh giá là những doanh nghiệp đi đầu xu hướng này.

Thứ năm, tiêu thụ điện và năng lượng tái tạo tăng mạnh: HDG, PC1, GEG là những doanh nghiệp có nền tảng tốt để khai thác xu hướng phục hồi sản xuất và chuyển dịch năng lượng.

Thứ sáu, LNG và dầu khí trở lại: Chính sách năng lượng quốc gia và nhập khẩu LNG tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho GAS, PVS, PVD.

Thứ bảy, khả năng nâng hạng thị trường: Các cổ phiếu vốn hóa lớn, còn room nước ngoài như VNM, MWG, PNJ sẽ trở thành điểm đến của dòng vốn ngoại.

Thứ tám, phục hồi tiêu dùng nội địa: Doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng có triển vọng tăng trưởng khi sức mua quay lại, nổi bật là MWG, VNM, PNJ.

Cùng với đó, danh mục tiêu điểm do MBS lựa chọn cho giai đoạn 2025–2026 bao gồm 22 mã cổ phiếu đại diện cho đa dạng các lĩnh vực, từ tài chính, công nghệ, năng lượng đến bất động sản và tiêu dùng.

Một số cổ phiếu nổi bật có thể kể đến như CTG: Dự báo tăng trưởng lợi nhuận 13–15%/năm, ROE duy trì trên 17,5%, đang được định giá P/B chỉ 1.1 lần năm 2026, hấp dẫn so với tiềm năng.

FPT: Hưởng lợi lớn từ làn sóng chuyển đổi số và ứng dụng AI, với tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận ròng 20%/năm, định giá P/E 2025 chỉ 19.4x, thấp hơn mức trung bình khu vực.

HPG: Với triển vọng nhu cầu thép xây dựng tăng mạnh, lợi nhuận ròng năm 2025 dự kiến tăng 42%, cùng mức định giá hấp dẫn P/E 11.8x.

MWG: Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 37% năm 2025 và 23% năm 2026, được hỗ trợ bởi phục hồi tiêu dùng và tăng trưởng chuỗi Bách Hóa Xanh.

GAS: Lợi nhuận ròng dự kiến tăng trưởng 9.6% trong 2025 nhờ mở rộng nhập khẩu LNG và hạ tầng năng lượng.

Ngoài ra, các cổ phiếu như VCB, VPB, DGC, GMD, VCG, HHV, HSG, PC1, HDG, NLG, KDH… đều được đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh và có tiềm năng tăng giá từ 18% đến 39% trong giai đoạn 2025–2026.

Lọc cổ phiếu - chìa khóa thành công trong giai đoạn phân hóa

Trong bối cảnh thị trường chưa thực sự lan tỏa đà tăng và dòng tiền có sự chọn lọc, việc tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với nền tảng cơ bản tốt, có định giá hợp lý và nằm trong các xu hướng đầu tư chủ đạo sẽ là chiến lược phù hợp.

Danh mục cổ phiếu tiêu điểm không chỉ cho thấy triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận, mà còn thể hiện sự dịch chuyển rõ nét của dòng vốn, đặc biệt là dòng tiền nước ngoài đang quay lại thị trường Việt Nam khi yếu tố nâng hạng được củng cố.

Nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến chính sách, kết quả kinh doanh quý III, cũng như các dấu hiệu phân hóa ngành để có thể tối ưu hóa chiến lược đầu tư trong giai đoạn nửa cuối năm – thời điểm được kỳ vọng nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Tin bài liên quan