Mía đường vẫn “ngọt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá đường thế giới gần đây giảm, nhưng duy trì ở mức cao, còn giá đường trong nước đi ngang, dự báo cả năm sẽ ổn định quanh mức hiện tại.
Trong ngắn hạn, giá đường thế giới không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước

Trong ngắn hạn, giá đường thế giới không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước

Giảm phụ thuộc vào đường nhập khẩu

Ngân hàng Thế giới dự báo, giá đường thế giới năm 2024 có thể giảm 6%, bởi sản lượng sản xuất toàn cầu sẽ cải thiện khi triển vọng thời tiết tích cực hơn, nhất là trong nửa sau niên vụ 2023/2024.

Trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính, sản lượng mía đưa vào chế biến niên vụ 2023/2024 có thể đạt 10,6 triệu tấn, tăng 9% và sản xuất được hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm, tăng 10% so với niên vụ trước.

Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, giá đường bình quân của Việt Nam trong năm 2024 nhiều khả năng giảm 10%, xuống mức 19.000 đồng/kg.

“Giá đường thế giới giảm trong năm 2024 sẽ tác động tới xu hướng của giá đường trong nước, do hiện nay nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng 35 - 40% nhu cầu tiêu thụ, còn lại đều phụ thuộc vào đường nhập khẩu”, FPTS đánh giá.

Thực tế, giá đường thế giới đạt đỉnh gần 28 cents/lbs vào cuối tháng 10/2023, sau đó do sản lượng ở Brazil tăng mạnh nên giá đường điều chỉnh. Đầu năm 2024, sản lượng đường ở Ấn Độ tiếp tục suy giảm, buộc nước này phải thắt chặt xuất khẩu, góp phần kéo giá tăng trở lại. Trong tháng 3/2024, giá đường thế giới giảm khoảng 3% so với tháng 2 và giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023. Giá đường trong nước gần đây dao động quanh mức 21.000 đồng/kg, tương đương mức giá tháng 2 và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong ngắn hạn, giá đường thế giới không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước, do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp. Trong khi đó, Thái Lan đang phải chịu hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng mía đường, dẫn đến việc xuất khẩu đường bị giám sát và suy giảm.

SSI kỳ vọng, nguồn cung đường trong nước niên vụ 2023/2024 sẽ tăng 10% và đường nhập khẩu sẽ giảm từ mức chiếm 2/3 trong niên vụ 2022/2023 xuống còn hơn một nửa.

Về phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) dự kiến, giá đường trong nước niên vụ 2023/2024 sẽ duy trì ổn định quanh mức 21.000 đồng/kg, tương đương mức trung bình niên vụ trước.

Kỳ vọng kết quả kinh doanh vẫn tích cực

Giá đường trong nước niên vụ 2023/2024 được dự báo duy trì ổn định quanh mức 21.000 đồng/kg.

Năm 2023, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, nhờ hưởng lợi từ việc giá đường thế giới và trong nước tăng cao. Theo đó, một số doanh nghiệp tăng chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 40%, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Công ty đã tạm ứng 20% cổ tức và dự kiến trả 20% còn lại vào ngày 26/4/2024.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã chứng khoán LSS) quyết định chi trả cổ tức ở mức 7,5%, cao hơn so với kế hoạch (5%).

Tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS), tỷ lệ cổ tức bằng tiền năm 2023 là 15%, cao hơn so với mức 10% năm 2022.

Năm 2024, Đường Quảng Ngãi lên kế hoạch đạt doanh thu 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.341 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 39% so với mức thực hiện năm 2023; tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu 15%.

Theo SSI, Đường Quảng Ngãi có truyền thống đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp này thường thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế, trung bình 60% trong giai đoạn 2021 - 2023. Năm 2024, SSI dự báo, Đường Quảng Ngãi có thể đạt doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023.

Trong 2 tháng đầu năm nay, Đường Quảng Ngãi đạt doanh thu 1.735 tỷ đồng, tăng 28% và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) ước tính, năm 2024, Đường Quảng Ngãi có thể đạt doanh thu 9.825 tỷ đồng, giảm 2% so với dự kiến giảm 14% của doanh nghiệp.

Theo TPS, Đường Quảng Ngãi là nhà sản xuất đường lớn thứ hai tại Việt Nam, chiếm gần 30% thị phần mía đường. Ngoài ra, đây là nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất nước khi thương hiệu Vinasoy chiếm đến 87% thị phần, với mức tăng trưởng 44% năm 2023 (năm 2022 tăng 30%).

Đường Quảng Ngãi có một số dự án lớn như dự án Mở rộng Nhà máy Đường An Khê (đã đầu tư 98%), Dây chuyền tinh luyện RE (đã đầu tư 82%). Bên cạnh đó, doanh nghiệp tận dụng bã mía làm nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy Điện sinh khối An Khê, công suất 95 MW (đã đầu tư 90%). Do không còn cần nhiều vốn đầu tư trong khi lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tính đến cuối năm 2023 đạt 6.454 tỷ đồng, TPS kỳ vọng, doanh thu tài chính của Đường Quảng Ngãi năm 2024 sẽ có mức tăng trưởng hai con số (năm 2023 đạt 84 tỷ đồng).

Trong định hướng kinh doanh năm nay, Đường Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư vùng nguyên liệu mía theo hướng đầu tư trực tiếp cho người trồng mía, đầu tư cơ giới hóa, giống mía, phân bón, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư qua giá mua mía để phục hồi, phát triển vùng nguyên liệu mía tại vùng Đông Gia Lai, đồng thời nghiên cứu, xây dựng dự án sản xuất ethanol để hoàn thiện chuỗi giá trị mía - đường - điện sinh khối - ethanol.

Nhiều doanh nghiệp mía đường có niên độ tài chính từ ngày 1/7 năm trước đến ngày 30/6 năm sau. Trong 6 tháng đầu niên độ 2023 - 2024, Lasuco ghi nhận doanh thu 1.072 tỷ đồng, tăng 59,4%; lợi nhuận sau thuế 56,8 tỷ đồng, tăng 651,6% so với cùng kỳ niên độ trước.

Niên độ 2023/2024, Lasuco đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.200 tỷ đồng. “Nếu thuận lợi, Công ty phấn đấu đạt 2.500 tỷ đồng, trong đó chú trọng công tác nhập khẩu đường thô phục vụ chế luyện”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lasuco Lê Văn Tân nói.

Với Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán SBT), nửa đầu niên độ 2023 - 2024 đạt doanh thu 13.385 tỷ đồng (hoạt động bán đường chiếm 94% tổng doanh thu), tăng hơn 9% và lợi nhuận trước thuế 481 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ niên độ trước; lần lượt hoàn thành 65% và 57% kế hoạch cả niên độ.

Kết quả kinh doanh nửa cuối niên độ 2023/2024 của nhóm doanh nghiệp mía được được kỳ vọng tiếp tục khả quan, trước mắt là quý III (tức quý I/2024) vì có hoạt động kinh doanh cao điểm dịp Tết Âm lịch, người tiêu dùng có nhu cầu nhiều về sản phẩm đường, bánh kẹo.

Tin bài liên quan